Đà Nẵng nâng, hạ nhịp cầu Nguyễn Văn Trỗi để khai thác du lịch

NDO -

Bắt đầu từ tháng 6 tới, thành phố Đà Nẵng sẽ triển khai phương án khai thác nâng, hạ nhịp cầu và khai thác đi bộ trên cầu Nguyễn Văn Trỗi phục vụ người dân và du khách tham quan.

Cầu Nguyễn Văn Trỗi được đưa vào khai thác phục vụ du khách, ảnh chụp sáng 25/5.
Cầu Nguyễn Văn Trỗi được đưa vào khai thác phục vụ du khách, ảnh chụp sáng 25/5.

Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Lê Trung Chinh đã có văn bản chỉ đạo thống nhất phương án khai thác nâng, hạ nhịp cầu và khai thác đi bộ trên cầu Nguyễn Văn Trỗi phục vụ người dân và du khách tham quan, theo đề xuất của Sở Giao thông vận tải và Sở Du lịch, tại Công văn số 2663/UBND-SGTVT ngày 17/5/2022.

Theo đó, thành phố thống nhất nâng, hạ nhịp cầu Nguyễn Văn Trỗi 1 lần/ngày vào các ngày thứ bảy, chủ nhật hằng tuần và các ngày lễ, Tết, trong khung giờ từ 16 giờ đến 18 giờ.

Đà Nẵng nâng, hạ nhịp cầu Nguyễn Văn Trỗi để khai thác du lịch -0
 Đây là cây cầu có kiến trúc vòm bằng giàn thép poni hiếm hoi tại Việt Nam.

Thành phố Đà Nẵng thực hiện thí điểm trong 2 tuần đầu của tháng 6/2022 để làm cơ sở đánh giá hiệu quả về khai thác du lịch khi nâng, hạ cầu, cũng như đánh giá công tác phối hợp bảo đảm trật tự an toàn giao thông của các lực lượng chức năng.

Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Lê Trung Chinh yêu cầu Sở Du lịch có trách nhiệm tổng kết, đánh giá khai thác du lịch, nhu cầu của du khách đối với việc nâng, hạ cầu sau thời gian thí điểm, gửi về Sở Giao thông vận tải trước ngày 20/6 để tổng hợp, báo cáo UBND thành phố.

Đà Nẵng nâng, hạ nhịp cầu Nguyễn Văn Trỗi để khai thác du lịch -0
 Cầu bắc từ bờ đông qua bờ tây sông Hàn (quận Ngũ Hành Sơn và quận Hải Châu), TP Đà Nẵng.

Đối với việc khai thác đi bộ trên cầu, đề phòng nguy cơ đám đông giẫm đạp lên nhau và bảo đảm an toàn cho công trình cầu, yêu cầu giới hạn số lượng người không quá 200 người trên một nhịp. Nghiêm cấm tổ chức diễu hành trên cầu.

Giao Sở Thông tin và Truyền thông thông báo đến các cơ quan truyền thông, thông tin đại chúng để người dân được biết chủ trương và thời gian nâng, hạ nhịp cầu Nguyễn Văn Trỗi nêu trên. Đồng thời, giao Sở Giao thông vận tải lắp đặt bảng nội quy tại 2 đầu cầu để người dân được biết, thực hiện.

Đà Nẵng nâng, hạ nhịp cầu Nguyễn Văn Trỗi để khai thác du lịch -0
 Đây là nhịp cầu trên cầu Nguyễn Văn Trỗi sẽ được nâng, hạ, phục vụ du lịch.

Nhằm bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong quá trình thực hiện, UBND thành phố giao Công an thành phố có trách nhiệm chỉ đạo các lực lượng chức năng thuộc công an các quận Hải Châu, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn chủ trì, phối hợp Công ty cổ phần cầu đường Đà Nẵng bố trí barie chốt chặn tại 2 đầu cầu, không cho người dân và du khách lên cầu trong suốt quá trình nâng, hạ nhịp cầu nhằm bảo đảm an toàn; phối hợp Thanh tra Sở Giao thông vận tải tăng cường công tác điều tiết hướng dẫn, bảo đảm giao thông trên các trục đường lân cận khu vực 2 đầu cầu Nguyễn Văn Trỗi trong suốt quá trình nâng, hạ nhịp cầu; chỉ đạo đội Cảnh sát giao thông đường thủy tăng cường công tác kiểm tra, bảo đảm an ninh trật tự trong suốt thời gian nâng, hạ nhịp cầu.

Đà Nẵng nâng, hạ nhịp cầu Nguyễn Văn Trỗi để khai thác du lịch -0
 Năm 2020, lần đầu tiên lực lượng chức năng thành phố Đà Nẵng tiến hành nâng nhịp cầu Nguyễn Văn Trỗi sau khi hoàn thành việc nâng cấp, sữa chữa. (Ảnh: Nguyễn Hà Nam)

Theo Cổng Thông tin điện tử thành phố Đà Nẵng (https://danang.gov.vn), Cầu Nguyễn Văn Trỗi được hãng thầu RMK của Mỹ xây dựng những năm 1960, gồm 14 nhịp giàn thép poni có tổng chiều dài 513,8m, khổ cầu 10,5m, phần xe chạy 8,5m, không có lề dành cho người đi bộ. Đây là cầu đường bộ đầu tiên bắc qua sông Hàn, được xây dựng nhằm chuyên chở khí tài chiến tranh từ cảng Tiên Sa vào nội đô Đà Nẵng, để quân đội Mỹ vận hành cỗ máy chiến tranh khốc liệt tại khu vực miền trung Việt Nam.

Năm 1978, cầu được dỡ bỏ mặt cầu bằng gỗ, thay bằng kết cấu bê-tông cốt thép. Năm 1996, mặt cầu lại được thay bằng các tấm thép để giảm trọng lượng (do kết cấu móng bị yếu). Cùng với cầu Long Hồ, dẫn từ thành phố Cam Ranh vào sân bay Cam Ranh-Khánh Hòa (cũng do hãng RMK xây dựng những năm 1960), cầu Nguyễn Văn Trỗi là một trong những cây cầu có kiến trúc vòm bằng giàn thép Poni hiếm hoi tại Việt Nam.

Sau ngày đất nước thống nhất, cây cầu vinh dự mang tên người anh hùng xứ Quảng - Nguyễn Văn Trỗi. Cầu nhanh chóng được cải tạo nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân và được xem là tuyến đường bộ huyết mạch nối liền 2 bờ đông-tây sông Hàn cho đến khi cầu quay Sông Hàn được đưa vào sử dụng năm 2000. 

Thành phố Đà Nẵng cũng từng có kế hoạch tháo dỡ cây cầu này để xây dựng 1 cây cầu khác hiện đại hơn, nhưng tháng 2/2012, trong 1 lần thị sát công trình này, ông Nguyễn Bá Thanh, Bí thư Thành ủy (khi đó) đã chỉ đạo Sở Giao thông vận tải nghiên cứu giữ lại cây cầu có dạng cầu giàn thép poni này để làm cầu đi bộ; đồng thời bố trí cảnh quan phù hợp, tạo điểm dừng chân cho người dân và du khách có thể thư thái ngắm nhìn vẻ đẹp thành phố. Và đến tháng 3/2013, cầu Nguyễn Văn Trỗi chính thức ngừng lưu thông để phục vụ việc cải tạo thành cây cầu đi bộ.

Việc tôn tạo và đưa cầu đi bộ Nguyễn Văn Trỗi vào khai thác phục vụ du lịch là một trong những điểm nhấn mới của Đà Nẵng. Đây cũng là địa điểm được nhiều giới trẻ, người dân và du khách chọn làm điểm chụp ảnh lưu niệm mỗi khi đến với thành phố biển xinh đẹp này. Cây cầu không chỉ là cổ nhất, lâu đời nhất bắc qua sông Hàn, mà còn là một minh chứng, nhân chứng lịch sử lặng thầm dõi theo sự phát triển, đổi thay của Đà Nẵng.

Hiện nay, cầu Nguyễn Văn Trỗi đã được hoàn thiện cải tạo, nâng cấp, sơn mới. Lực lượng chức năng tiến hành đặt các barie chốt chặn, kèm các bảng hướng dẫn cho người dân, du khách; đồng thời có các hướng dẫn yêu cầu người dân, du khách giữ gìn vệ sinh môi trường khu vực cầu, không vứt rác trên cầu.