Kết quả báo cáo mức độ hấp dẫn điểm đến Đà Nẵng quý III/2023 của Trung tâm Xúc tiến du lịch Đà Nẵng và Outbox cho thấy, các khía cạnh về chất lượng dịch vụ và mức độ an toàn tại Đà Nẵng được đánh giá cao nhất ở các dịch vụ trải nghiệm. Song, phong cách giao tiếp, phục vụ của nhân viên là khía cạnh cần được cải thiện khi kết quả hài lòng chỉ được đánh giá ở mức trung bình.
Xây dựng điểm đến an toàn, văn minh thương mại
Báo cáo về tình hình phát triển kinh tế-xã hội thành phố Đà Nẵng 10 tháng năm 2023 cho thấy du lịch là điểm sáng duy trì được sự ổn định tăng trưởng từ sau đại dịch Covid-19 góp phần lớn vào tăng trưởng chung của thành phố. Du lịch cũng là một trong những trụ cột kinh tế-xã hội trong quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 2/11 vừa qua.
Nghị quyết số 82/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững cũng xác định công tác bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong lĩnh vực du lịch là một trong những nội dung quan trọng, với phương châm lấy trải nghiệm của khách du lịch làm trung tâm. Trên tinh thần đó, Đà Nẵng đã và đang tiếp tục chú trọng chỉ đạo Sở Du lịch tăng cường phối hợp với các sở, ban, ngành và địa phương triển khai nhiều biện pháp đồng bộ bảo đảm an ninh, an toàn cho du khách, trong đó tích cực phát huy hiệu lực, hiệu quả các quy tắc văn hóa ứng xử, kinh doanh trong hoạt động du lịch.
Là một trong những điểm đến thu hút đông khách du lịch quốc tế nhất tại Đà Nẵng, chợ Hàn tiếp tục nỗ lực thực hiện tốt cam kết an toàn thực phẩm, an ninh thương mại. Thời điểm này, mỗi ngày ước tính chợ đón khoảng 4.000 khách, các dịp cao điểm lên đến khoảng 10.000 khách/ngày, trong đó chủ yếu là khách du lịch quốc tế đến từ Hàn Quốc. Do vậy, công tác bảo đảm an ninh, an toàn cho du khách và người dân đến chợ Hàn càng được thắt chặt hơn.
Trưởng ban quản lý chợ Hàn Nguyễn Trung Thành cho biết, Ban quản lý chợ đã triển khai nhiều biện pháp bảo đảm an ninh trật tự, an toàn phòng chống cháy nổ, vệ sinh thực phẩm và chợ văn minh thương mại; phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an phường Hải Châu 1 và quận Hải Châu; chủ động ngăn ngừa, xử lý sự cố từ sớm, từ xa thông qua hệ thống camera giám sát và cổng góp ý, góp phần xây dựng hình ảnh chợ Hàn an ninh, an toàn và thân thiện.
“Tính đến nay, khoảng 70 du khách đã nhận lại đồ để quên, thất lạc có giá trị lớn nhờ sự hỗ trợ của Ban quản lý, lực lượng bảo vệ và các hộ kinh doanh trong chợ. Có những khách khi quay lại còn mua thêm quà, bánh kẹo gửi tặng những người đã hỗ trợ mình và chia sẻ lên các diễn đàn. Cho nên, du khách đa phần rất có thiện cảm với chợ”, ông Thành chia sẻ.
Bên cạnh đó, để du khách hài lòng hơn, Ban quản lý chợ Hàn đã tập huấn văn hóa ứng xử cho các hộ kinh doanh; quản lý niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, nghiêm khắc xử lý các hộ làm sai quy định. Nhờ đó, mỗi tiểu thương trong chợ đóng vai trò như một đại sứ du lịch, cam kết thực hiện tốt văn minh thương mại, thể hiện nét đẹp của người kinh doanh. Ông Hoàn Khởi, tiểu thương khu thực phẩm, khẳng định: “Mình phải lấy nụ cười để chào đón du khách, lấy nhu thắng cương, thế mới thực hiện tốt các tiêu chí chợ văn minh thương mại”.
Cung cấp dịch vụ hỗ trợ du khách
Nhằm triển khai thực chất và hiệu quả hơn công tác hỗ trợ du khách, Sở Du lịch Đà Nẵng đã phát huy vai trò của các đơn vị trực thuộc, trong đó nổi bật là Trung tâm Hỗ trợ du khách Đà Nẵng do Trung tâm Xúc tiến du lịch vận hành và quản lý. Thành lập từ năm 2013, Trung tâm Hỗ trợ du khách Đà Nẵng có chức năng tư vấn, cung cấp thông tin du lịch miễn phí và hỗ trợ xử lý tình huống khẩn cấp cho du khách tại Đà Nẵng.
Tính từ đầu năm đến tháng 10/2023, trung tâm đã tiếp nhận 46.975 lượt khách, hỗ trợ 6.047 cuộc gọi, 447 email, 1.261 tin nhắn từ du khách qua các ứng dụng mạng xã hội; đồng thời tiếp nhận và xử lý hơn 260 trường hợp khách du lịch phàn nàn hoặc cần sự giúp đỡ. Giám đốc Trung tâm Xúc tiến du lịch Đà Nẵng Nguyễn Thị Hoài An cho biết, nội dung tư vấn khách du lịch thường là thông tin về các điểm tham quan, ẩm thực, sự kiện của thành phố, phương tiện vận chuyển và các dịch vụ khác. Bên cạnh đó, còn có các trường hợp hỗ trợ du khách thất lạc hành lý, tài sản cá nhân, giấy tờ tùy thân, hoặc gặp tai nạn, chèo kéo, phản ánh về chất lượng dịch vụ, giá cả…
Trong bối cảnh xu hướng khách du lịch đi lẻ tăng cao, thách thức tới công tác quản lý nhà nước trong hoạt động du lịch, Trung tâm Hỗ trợ du khách không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ, mở rộng phương tiện trao đổi thông tin, tạo điều kiện thuận lợi cho du khách trải nghiệm du lịch Đà Nẵng.
Để du lịch Đà Nẵng tiếp tục phát triển trong thời gian tới, cũng là thực hiện Đề án định hướng phát triển du lịch thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Sở Du lịch Đà Nẵng tiếp tục phát huy hiệu quả hoạt động Tổ phản ứng nhanh du lịch và Trung tâm Hỗ trợ du khách; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động du lịch, xử lý nghiêm hoạt động kinh doanh du lịch trái pháp luật; tiếp tục giữ gìn môi trường du lịch an toàn, bảo đảm an ninh trật tự, chống đeo bám, chèo kéo khách, bảo đảm vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, đặc biệt là các khu vực phát triển kinh tế ban đêm.