Đa dạng nguồn lực, giúp đồng bào an cư

Cùng với nguồn vốn hỗ trợ từ Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi, các địa phương trong tỉnh Bắc Giang huy động nhiều nguồn lực giúp hộ nghèo cải tạo nhà ở. Bằng những việc làm thiết thực, ý nghĩa, nhiều ngôi nhà đã được sửa chữa, xây mới, giúp đồng bào ổn định đời sống, yên tâm phấn đấu vươn lên thoát nghèo.
0:00 / 0:00
0:00
Từ nguồn hỗ trợ, gia đình anh Lý Văn Chính, ở thôn Lọ, xã Lệ Viễn (huyện Sơn Động) có điều kiện cải tạo nhà ở.
Từ nguồn hỗ trợ, gia đình anh Lý Văn Chính, ở thôn Lọ, xã Lệ Viễn (huyện Sơn Động) có điều kiện cải tạo nhà ở.

Thêm những ngôi nhà nghĩa tình

Thực hiện dự án về giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS và miền núi, năm 2022, các địa phương trong tỉnh Bắc Giang thực hiện hỗ trợ 285 hộ cải tạo, xây mới nhà ở với tổng số tiền hơn 11,3 tỷ đồng.

Ghi nhận tại huyện Sơn Động, để hỗ trợ 79 hộ DTTS, hộ người Kinh nghèo tại 16 xã, thôn đặc biệt khó khăn làm nhà ở, ngoài kinh phí hỗ trợ của Nhà nước, UBND huyện vận động các nhà hảo tâm ủng hộ mỗi gia đình từ 20-30 triệu đồng.

Đồng thời, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cũng thành lập tổ công tác hỗ trợ các hộ lập hồ sơ từ sớm, kịp thời giải ngân vốn vay cho các hộ có nhu cầu.

Nhờ cách làm bài bản, chặt chẽ từ các khâu, đến ngày 31/12/2022, huyện đã hoàn thành giải ngân vốn cho 79 hộ, tạo điều kiện cho các hộ triển khai xây dựng.

Tương tự, từ nguồn vốn của chương trình, UBND huyện Lục Ngạn giao Phòng Dân tộc chủ trì phối hợp các địa phương rà soát, lên danh sách từng hộ để triển khai hỗ trợ.

Với những trường hợp không thể tự xây dựng, các địa phương giao cán bộ chuyên môn chịu trách nhiệm, trực tiếp đứng lên phụ trách và bàn giao khi công trình hoàn thành.

Anh Lý Văn Chính (sinh năm 1988), dân tộc Sán Chí, ở thôn Lọ, xã Lệ Viễn (huyện Sơn Động) cho hay: Nếu không có chủ trương của Đảng, Chính phủ thì có lẽ vợ chồng tôi sẽ không có nhà mới và phải sống ở trong ngôi nhà tranh vách đất thêm nhiều năm nữa. Giờ có nhà mới kiên cố, chúng tôi không phải lo về chỗ ở nữa, chỉ lo làm ăn cho no ấm thôi.

Với tinh thần "không để ai ở lại phía sau", nhiều năm qua, UBND tỉnh Bắc Giang cũng như các địa phương đã có nhiều nỗ lực, huy động mọi nguồn lực để xây nhà mới cho nhiều hộ nghèo có nhu cầu cấp bách về nhà ở.

Cùng với nguồn kinh phí từ ngân sách, các tổ chức chính trị, mạnh thường quân... cũng đã vào cuộc, giúp đồng bào thực hiện giấc mơ kiên cố hóa nhà ở. Nhờ đó, nhà ở của nhiều hộ nghèo được cải tạo và xây mới, tạo điều kiện ổn định đời sống vật chất, tinh thần, góp phần phát triển kinh tế gia đình và vươn lên thoát nghèo bền vững.

Linh hoạt sử dụng nguồn vốn

Theo đánh giá, từ nguồn vốn hỗ trợ thực hiện Chương trình MTQG vùng DTTS và miền núi, kết thúc năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo ở 73 xã vùng DTTS và miền núi của Bắc Giang giảm bình quân 2,35% so với năm 2021; tỷ lệ hộ nghèo của 28 xã đặc biệt khó khăn giảm bình quân 5,1% (trong đó có những xã giảm hơn 10%).

Mặc dù vậy, hiện nay số hộ nghèo chưa có nhà ở hoặc có nhà ở nhưng tạm bợ, hư hỏng, dột nát, có nguy cơ sập đổ trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều.

Để thu hẹp khoảng cách vùng miền, giai đoạn 2021-2025, tỉnh đề ra mục tiêu giảm hơn 3% tỷ lệ hộ nghèo người DTTS/năm; tỷ lệ hộ nghèo tại các xã vùng đồng bào DTTS và miền núi bình quân giảm 2,5%/năm, trong đó các xã đặc biệt khó khăn giảm bình quân 3%/năm...

Hiện thực hóa mục tiêu này, UBND tỉnh dành gần 2.500 tỷ đồng để thực hiện 10 dự án; trong đó có hơn 70 tỷ đồng hỗ trợ 884 hộ nghèo người DTTS, hộ người Kinh nghèo sống tại vùng đặc biệt khó khăn cải tạo nhà ở.

Thông qua thực hiện chương trình, tỷ lệ hộ nghèo ở 73 xã vùng DTTS và miền núi năm 2022 giảm bình quân 2,35% so với năm 2021; tỷ lệ hộ nghèo của 28 xã đặc biệt khó khăn giảm bình quân 5,1% (trong đó có những xã giảm nghèo đến hơn 10%).

Ngoài nguồn lực của Trung ương, tỉnh, các địa phương đều có những giải pháp phù hợp "tiếp sức" cho các hộ nghèo vùng DTTS và miền núi.

Thí dụ như đồng hành với tám trường hợp được hỗ trợ trong năm nay, UBND xã Nghĩa Phương (huyện Lục Nam) giao cho các ngành, đoàn thể phụ trách nhằm huy động đoàn viên, hội viên đóng góp ngày công giúp đỡ các gia đình.

Điều này không chỉ tăng trách nhiệm của các ngành mà còn bảo đảm các hộ đều nhận được sự chung tay của cả hệ thống chính trị và cộng đồng.

Hay như để đồng bào được hưởng lợi tối đa, UBND huyện Sơn Động chuyển toàn bộ những diện hỗ trợ nhà ở theo Chương trình MTQG vùng DTTS và miền núi sang nguồn vốn Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững.

Theo đó, kinh phí hỗ trợ các hộ cải tạo nhà ở tăng từ 44 triệu đồng/hộ lên 70 triệu đồng/hộ; Ủy ban MTTQ huyện cũng vận động, giúp đỡ thêm 30 triệu đồng/hộ.

Đáng chú ý, để đáp ứng yêu cầu của tổ chức DIVA (Hàn Quốc), UBND huyện Sơn Động giao cho các cơ quan chuyên môn xây dựng nhà mẫu theo số nhân khẩu của các hộ (diện tích, tổng kinh phí).

Dựa trên nhà mẫu, hiện tổ chức DIVA đã triển khai hỗ trợ điểm đối với năm hộ (toàn bộ kinh phí còn thiếu theo nhà mẫu) và cam kết sẽ tiếp tục đồng hành với những trường hợp còn lại nếu phát huy hiệu quả.

Ông Vi Thanh Quyền, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Bắc Giang cho biết: Các chính sách được triển khai như làn gió mới đối với những địa bàn đặc biệt khó khăn, tạo động lực để các hộ vươn lên phát triển kinh tế. Tuy nhiên so với các địa bàn khác, đời sống người dân vùng DTTS còn nhiều khó khăn, cần thêm nhiều nguồn lực hơn nữa.