Bệnh nhân là anh L.T.T. (30 tuổi, ngụ quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh), nhập viện vào trưa 12/11 trong tình trạng lơ mơ, huyết áp tụt, da nhợt, thở nhanh, nhịp tim khoảng 170-180/phút, vết thương vùng tim đang chảy máu, sốc trụy mạch đe dọa tử vong, tỷ lệ cứu sống chỉ khoảng 10%.
Sau khi nhận bệnh, bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Đỗ Nhân, khoa Ngoại tim mạch, lồng ngực nhận định, đây là vết thương thủng tim, bệnh nhân bị vật sắc nhọn đâm trực tiếp vào vùng trước tim.
Hội nghị Tim mạch-Lão khoa quốc tế Bệnh viện Thống Nhất năm 2023
Khai thác thông tin từ bệnh nhân và người nhà bệnh nhân được biết, anh T. làm công nhân cho một xưởng may tư nhân tại quận Tân Bình, trước đó, có mâu thuẫn với một người đàn ông cùng chỗ làm.
Trưa 12/11, trong lúc đang ăn cơm trưa, thì bị đối tượng cầm kéo cắt chỉ, giữ chặt anh T. rồi vòng tay từ phía sau lên đâm thẳng vào tim.
Ngay lập tức bệnh viện bật báo động đỏ toàn viện. Bệnh nhân T. chỉ có 10% cơ hội sống.
"Chúng tôi vừa đi theo xe đẩy bệnh nhân vừa gọi điện thoại hội chuẩn, nhanh nhất phải quyết định được các phương án, vì vết thương ở tim có thể chuyển biến rất nhanh, thậm chí chỉ 30 giây có thể đã chuyển sang tình trạng khác. Vì vậy, thách thức ở ca này là thời gian mổ phải tiến hành rất nhanh", Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Đỗ Nhân chia sẻ.
Khi mở tim, chúng tôi phải lập tức kiểm soát tất cả tổn thương từ 30 giây đến 1 phút. Việc này rất khó vì tim chảy nhiều máu, bác sĩ phải thao tác thật nhanh.
Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Đỗ Nhân, khoa Ngoại tim mạch- Lồng ngực, Bệnh viện Thống Nhất
Tại phòng mổ, các bác sĩ phát hiện nhiều máu trong khoang ngoài tim gây chèn ép tim cấp, vết thủng tim tại thất phải hơn 1cm, tim đập yếu.
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Duy Tân, Trưởng khoa Ngoại tim mạch-Lồng ngực (Bệnh viện Thống Nhất) cho biết, những ca thủng tim thường có thể tử vong trong thời gian ngắn.
Thời gian vàng để cứu sống bệnh nhân là khoảng từ 30 phút đến 3 tiếng tùy từng mức độ tổn thương. Tuy nhiên, nếu đâm trúng mạch vành sẽ tử vong ngay tại chỗ.
Khoảng 3-5 phút các bác sĩ phải khâu được lỗ thủng tại tim, phải kiểm soát cầm máu. |
Trưởng khoa Ngoại tim mạch-Lồng ngực cho biết, với ca bệnh này, nếu không khống chế được lượng máu trong tim một cách nhanh nhất thì nguy cơ tử vong rất cao.
Sau 2 giờ trong phòng mổ, bệnh nhân tỉnh lại, sinh hiệu ổn, 20 tiếng sau đã ngồi dậy vận động cơ bản tốt.
Theo thống kê của bệnh viện Thống Nhất, trong ba năm gần đây, những bệnh nhân bị tổn thương tim, khi được đưa vào cấp cứu tại bệnh viện Thống Nhất, tỷ lệ cứu sống tính đến thời điểm hiện tại là 100%.
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Duy Tân, Trưởng khoa Ngoại tim mạch-Lồng ngực, Bệnh viện Thống Nhất chia sẻ thông tin với báo chí. |
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Duy Tân, Trưởng khoa Ngoại tim mạch-Lồng ngực, Bệnh viện Thống Nhất khuyến cáo: Khi không may bị các vết thương nói chung vùng ngực, đặc biệt là tim, phải nhanh chóng di chuyển bệnh nhân vào các bệnh viện lớn để xử lý, tăng tỷ lệ sống.
Bởi những ca tổn thương tim thường tử vong trong thời gian ngắn. Theo ghi nhận, tỷ lệ cứu sống đối với tổn thương tim thất phải trên thế giới chỉ khoảng 10-20% khi cấp cứu.