Cứu sống bệnh nhân suy tim do mắc bệnh đông máu hiếm gặp

NDO - Hội chứng kháng phospholipid - một nguyên nhân hiếm gặp gây nên tình trạng dễ đông máu làm tắc mạch máu đã khiến nam bệnh nhân mất 2 năm trời sống thoi thóp trong tình trạng tăng áp phổi, suy tim nặng, nguy kịch tính mạng. 
0:00 / 0:00
0:00
Các bác sĩ can thiệp cho người bệnh.
Các bác sĩ can thiệp cho người bệnh.

Cách đây 2 năm, anh N.X.N (28 tuổi, trú tại Cần Thơ) có biểu hiện ho dai dẳng. Đi khám nhiều nơi ở các bệnh viện lớn, anh được chẩn đoán viêm phổi. Các đợt ho như vậy cứ tái đi tái lại, cho đến khi phát hiện một bên chân có lúc sưng to, anh tái khám thì được bác sĩ xác định huyết khối tĩnh mạch sâu ở chân.

Đây chính là nguyên nhân của những đợt động mạch phổi bị thuyên tắc (nhồi máu) gây triệu chứng ho kèm mệt mỏi, khó thở, tim đập nhanh. Từ một thanh niên khỏe mạnh, anh N. sụt cân nghiêm trọng do ăn uống kém, không còn khả năng làm việc, chất lượng cuộc sống suy giảm rõ rệt.

Các xét nghiệm được thực hiện để tìm nguyên nhân gây thuyên tắc phổi cho anh N. Kết quả cho thấy anh bị hội chứng kháng phospholipid - một nguyên nhân hiếm gặp gây nên tình trạng dễ đông máu làm tắc mạch máu.

Suốt 2 năm sau đó, anh đi khắp các bệnh viện lớn nhỏ để trị bệnh. Đến đâu, anh cũng chỉ được điều trị nội khoa với các loại thuốc kháng đông phòng ngừa huyết khối, thuốc giãn mạch điều trị tăng áp động mạch phổi.

Vì động mạch phổi trước đó đã bị tắc quá nhiều nên tình trạng vẫn rất nặng, ảnh hưởng tới chức năng tim gây suy tim nặng, có những đợt anh bị ho ra máu. Nếu không phẫu thuật sớm, bệnh suy tim tiến triển nặng, anh N. có nguy cơ tử vong cao.

Ngày 20/3, anh N. nhập Bệnh viện đa khoa Tâm Anh Thành phố Hồ Chí Minh. Lúc này, áp lực động mạch phổi đo được luôn trên mức 100 mmHg, gấp 5 lần trị số bình thường ở người khỏe mạnh (20-25 mmHg).

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Nguyễn Vinh, Giám đốc Trung tâm Tim mạch trực tiếp thăm khám ban đầu cho anh, cho biết, bệnh nhân bị tăng áp động mạch phổi do huyết khối từ chân chạy lên phổi. Đây là bệnh tăng áp phổi do huyết khối thuyên tắc mạn tính (CTEPH). Để điều trị cần kết hợp dùng thuốc và phẫu thuật gỡ bỏ nội mạc động mạch 2 bên phổi nhằm giải phóng huyết khối, đưa áp lực động mạch phổi về mức bình thường.

Sau khi hội chẩn, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Anh Dũng, Trưởng Khoa Phẫu thuật Tim mạch-Lồng ngực, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Thành phố Hồ Chí Minh cùng ê-kíp tiến hành phẫu thuật bóc lớp nội mạc động mạch phổi cho anh N.

Suốt quá trình mổ, ê-kíp bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực (ICU) túc trực, lắp đặt sẵn máy ECMO để kịp thời ứng phó nếu xảy ra tình trạng ngưng tim, ngưng phổi.

Do tình trạng tổn thương phổi quá nặng, ca mổ phải kéo dài nhiều giờ, người bệnh rơi vào tình trạng đờ tim, áp lực phổi tăng.

Ngay lập tức, Thạc sĩ, bác sĩ Huỳnh Khiêm Huy, Trưởng Khoa Hồi sức Ngoại tim mạch cùng ê-kíp bác sĩ Khoa Gây mê hồi sức tích cực (ICU) tiến hành đặt ECMO hỗ trợ toàn bộ tim phổi (VA-ECMO) cho người bệnh và chuyển đến Khoa ICU chăm sóc tích cực.

Tăng áp phổi xảy ra khi áp lực trong tuần hoàn phổi tăng. Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng này như bệnh tim bẩm sinh, hở van tim, bệnh phổi mạn tính (COPD)…

Trong đó, tăng áp phổi do huyết khối thuyên tắc mạn tính (CTEPH) trên nền hội chứng kháng phospholipid rất hiếm gặp. Đây là bệnh tự miễn, xảy ra khi hệ thống miễn dịch sản xuất các kháng thể kháng phospholipid trong máu, từ đó hình thành cục máu đông trong lòng mạch.

Bác sĩ Huy cài đặt các thông số trên máy ECMO, hỗ trợ cải thiện chức năng tim phổi cho người bệnh. Hai máy monitor 5 thông số theo dõi chỉ số huyết áp, điện tim, độ bão hòa ô-xy máu, SpO2… hoạt động liên tục.

Các điều dưỡng cùng chăm sóc bệnh nhân, theo dõi các chỉ số trên máy, liên tục 24/24, lấy máu xét nghiệm khí máu động mạch (nồng độ oxy và CO2), kiểm tra bảo đảm máu không đông. Từ các kết quả xét nghiệm, bác sĩ Huy và ê-kíp bác sĩ ICU tiếp tục điều chỉnh máy ECMO khi cần thiết.

Ngày thứ 10, anh N. được cai ECMO, ngưng lọc máu và thuốc vận mạch. Ngày thứ 15, sức khỏe anh hồi phục tốt, chức năng tim, phổi bình thường, được rút nội khí quản và có thể nói chuyện trở lại. Anh được chuyển về Khoa Nội Tim mạch, tiếp tục theo dõi, điều trị ổn định sức khỏe.

Anh N. được hướng dẫn tập vật lý trị liệu hàng ngày để cải thiện khả năng vận động tay chân cũng như phục hồi những tổn thương của cơ thể.

Phó Giáo sư Phạm Nguyễn Vinh cho biết, bệnh nhân cần tiếp tục dùng thuốc giãn mạch, thuốc kháng đông và tái khám hàng tuần trong vòng một tháng sau khi xuất viện để bác sĩ theo dõi chặt chẽ và can thiệp kịp thời. Khi tình trạng ổn định có thể tái khám mỗi 1-3 tháng.

Tăng áp phổi xảy ra khi áp lực trong tuần hoàn phổi tăng. Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng này như bệnh tim bẩm sinh, hở van tim, bệnh phổi mạn tính (COPD)…

Trong đó, tăng áp phổi do huyết khối thuyên tắc mạn tính (CTEPH) trên nền hội chứng kháng phospholipid rất hiếm gặp. Đây là bệnh tự miễn, xảy ra khi hệ thống miễn dịch sản xuất các kháng thể kháng phospholipid trong máu, từ đó hình thành cục máu đông trong lòng mạch.

"Người mắc hội chứng này nếu không được điều trị sớm có thể bị tổn thương nội tạng vĩnh viễn hoặc tử vong", Phó Giáo sư Vinh cho hay.