Cứu chàng trai 27 tuổi thoát cảnh suy thận mạn giai đoạn cuối

NDO - Các bác sĩ nỗ lực tìm mọi cách giúp chàng trai 27 tuổi bị suy thận giai đoạn cuối bảo tồn chức năng thận, kéo dài thời gian không phải lọc máu lâu nhất có thể, cũng là cách “giúp người bệnh kéo dài tuổi thọ”.
Bác sĩ chuyên khoa I Đỗ Thị Hằng, Trưởng đơn vị Nội thận-Lọc máu, Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7, tái khám cho A.
Bác sĩ chuyên khoa I Đỗ Thị Hằng, Trưởng đơn vị Nội thận-Lọc máu, Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7, tái khám cho A.

Tuân thủ điều trị, chàng trai 27 tuổi thoát cảnh chạy thận nhân tạo

Một năm trước, A. đi khám sức khỏe định kỳ cùng công ty. Khi siêu âm thận, bác sĩ phát hiện cấu trúc thận đã biến đổi, vỏ và tủy thận không còn phân biệt rõ ràng, đi kèm tình trạng tăng huyết áp và thiếu máu nhẹ. Mức lọc cầu thận (eGFR) chỉ còn 10-14 ml/phút/1,73 m2 da, tức suy thận mạn giai đoạn cuối. Đồng nghĩa, A. đối diện nguy cơ phải lọc máu suốt đời.

Tuy trọng lượng cơ thể đến 98kg nhưng nhiều năm qua, A. vẫn làm việc và sinh hoạt bình thường. Bệnh thận đến mà không có dấu hiệu báo trước.

Bác sĩ chuyên khoa I Đỗ Thị Hằng, Trưởng đơn vị Nội thận-Lọc máu, Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7, cho biết căn cứ kết quả xét nghiệm chuyên sâu và loại trừ các khả năng gây suy thận mạn do bệnh tiểu đường, viêm cầu thận, bệnh di truyền, tắc nghẽn đường tiểu…, nguyên nhân gây suy thận mạn ở A. liên quan đến tăng huyết áp và tình trạng thừa cân béo phì.

Bác sĩ giải thích ở người thừa, cân béo phì, thận phải tăng công suất hoạt động để đáp ứng nhu cầu trao đổi chất lớn của cơ thể. Điều này làm tăng áp lực bên trong cầu thận (nơi lọc máu của thận), có thể làm hỏng cấu trúc thận và làm tăng nguy cơ phát triển bệnh thận mạn trong thời gian dài.

Lâu dần, thận tổn thương không phục hồi dẫn đến suy thận mạn. Khi bệnh chuyển sang giai đoạn cuối, chức năng thận gần như không còn hoạt động. Người bệnh buộc điều trị thay thế thận để duy trì sự sống, phổ biến nhất là chạy thận nhân tạo (hay lọc máu).

Bác sĩ Hằng cho biết người bệnh tuổi đời quá trẻ, còn cả quãng đường tương lai phía trước, nếu phải lọc máu quá sớm, chẳng khác nào “bản án chung thân” với người bệnh.

Do đó, bác sĩ tìm mọi cách giúp A. bảo tồn chức năng thận, kéo dài thời gian không phải lọc máu lâu nhất có thể, cũng là cách “giúp người bệnh kéo dài tuổi thọ”.

Do nguyên nhân gây suy thận mạn của A. liên quan đến thừa cân béo phì, bác sĩ Hằng điều chỉnh chế độ dinh dưỡng nhằm kiểm soát cân nặng và giảm gánh nặng cho thận. Ngoài ra, các loại thuốc A. sử dụng bắt buộc phải được các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh cùng bàn thảo.

Bữa ăn hàng ngày của A. phần lớn là các loại rau củ, ít thịt cá trứng. Các món ăn ít nêm nếm gia vị và thường được chế biến bằng cách hấp, luộc hoặc xào với một ít dầu ô liu. Ngoài ra, A. được bác sĩ hướng dẫn sử dụng thêm sữa giảm đạm dành riêng cho người mắc bệnh thận để bổ sung dinh dưỡng nhưng không ảnh hưởng chức năng thận.

Đều đặn mỗi tháng, A. xin nghỉ phép 1 ngày đến tái khám, kiểm tra chức năng thận với bác sĩ Hằng. Nhìn thấy chức năng thận phục hồi và duy trì ổn định qua từng lần tái khám, cả A. và người nhà thêm vững tin vào phác đồ điều trị của bác sĩ.

Cứu chàng trai 27 tuổi thoát cảnh suy thận mạn giai đoạn cuối ảnh 1
Phòng lọc máu, Đơn vị Nội thận-Lọc máu, Phòng khám đa khoa Tâm Anh Quận 7.

Sau một năm điều chỉnh chế độ dinh dưỡng, cân nặng của A. giảm 33kg xuống còn 65kg, sức khỏe cải thiện. Độ lọc cầu thận tăng lên 37 ml/phút/1,73 m2 da, đồng nghĩa, bệnh suy thận mạn đã phục hồi từ độ 5 (giai đoạn cuối) về độ 3B.

Đáng chú ý, tuy ăn uống kiêng khem nghiêm ngặt, A. không có dấu hiệu suy dinh dưỡng – một biến chứng thường gặp ở bệnh suy thận mạn do thận làm thất thoát các chất cần thiết vào nước tiểu. Đồng thời người bệnh có sức khỏe ổn định, có thể làm việc đều đặn 6 ngày mỗi tuần.

Bác sĩ Hằng cho biết mấu chốt điều trị thành công ở ca bệnh này ngoài liệu trình điều trị riêng biệt, phù hợp cơ thể của A. thì còn do người bệnh hợp tác tốt, tuân thủ nghiêm ngặt chế độ ăn uống dù việc giảm khẩu phần ăn, từ bỏ các món ăn yêu thích là điều rất khó khăn, thậm chí khó chấp nhận đối với người thừa cân béo phì.

Suy thận mạn diễn tiến âm thầm

Suy thận mạn diễn tiến âm thầm, triệu chứng mơ hồ. Phần lớn người bệnh phát hiện bệnh tình cờ khi khám sức khỏe định kỳ như trường hợp của A. hoặc khám một bệnh khác.

Khi các triệu chứng biểu hiện rõ ràng như mệt mỏi nhiều, đau đầu, buồn nôn ăn kém hay đầy bụng khó tiêu, phù nề tay chân, rối loạn giấc ngủ, tăng huyết áp, thiếu máu…, bệnh đã chuyển sang giai đoạn muộn. Suy thận mạn có 5 giai đoạn, như trường hợp của A. khi phát hiện bệnh đã ở giai đoạn cuối – mức nặng nhất.

Để phòng tránh bệnh thận mạn nói chung, suy thận mạn nói riêng, bác sĩ Hằng khuyên cần duy trì cân nặng hợp lý; kiểm soát tốt bệnh tiểu đường và tăng huyết áp (nếu có); bổ sung đủ 2-2,5 lít nước/ngày; hạn chế ăn mặn, tiêu thụ đạm quá mức, đồ ăn nhiều dầu mỡ, độ ngọt; hạn chế sử dụng bia rượu, nước ngọt có gas; không hút thuốc lá; tuyệt đối không dùng thuốc khi chưa tham khảo ý kiến bác sĩ; khám sức khỏe định kỳ 6-12 tháng/lần; vận động thường xuyên.

Khi xuất hiện các biểu hiện bất thường như phù nề tay chân, tiểu bọt lâu tan, dễ mệt mỏi, ăn uống kém ngon miệng, buồn nôn, đau đầu, khó ngủ, đi tiểu nhiều hơn hoặc ít hơn bình thường, tăng huyết áp,… cần sớm đến khám chuyên khoa nội thận-lọc máu, để xác định chính xác nguyên nhân và có biện pháp điều trị phù hợp. Tránh để lâu, chức năng thận suy giảm hoàn toàn, phải lọc máu sớm.

Với người đã mắc suy thận mạn, cần tuân thủ đúng phác đồ điều trị của bác sĩ và tái khám đúng lịch hẹn.