Khôi phục rồi lại... thất truyền
Người Hà Nội nào mà chẳng biết đến câu ca dao: "The La, lĩnh Bưởi, chồi Phùng/Lụa vân Vạn Phúc, nhiễu vùng Mỗ Bôn"; ca ngợi những sản phẩm thủ công truyền thống của Hà Nội. Nhưng cho đến nay, trừ sản phẩm lụa Vạn Phúc vẫn tồn tại, còn hầu hết những sản phẩm trong câu ca dao ấy đều không còn xuất hiện trên thị trường. Rồi, các làng làm giấy sắc Nghĩa Ðô (quận Cầu Giấy), đúc đồng Ngũ Xã (quận Ba Ðình), giấy dó Bưởi (quận Tây Hồ), tết thao Triều Khúc, sơn mài Ðông Mỹ (huyện Thanh Trì), giấy dó Vân Canh, tranh sơn mài Kim Hoàng (huyện Hoài Ðức), nhạc cụ Ðào Xá (huyện Ứng Hòa), dệt chồi, lượt Phùng Xá (huyện Thạch Thất)... cũng chỉ còn lại trong hồi ức những người già hoặc may mắn một vài người trong làng còn biết và giữ nghề.
Chúng tôi tìm đến làng nghề dệt the La Khê (quận Hà Ðông) vào một ngày cuối tháng 3 mới biết nghề dệt the, lụa thủ công có lịch sử gần 600 năm của làng lại đứng trước nguy cơ thất truyền lần nữa, sau gần mười năm được khôi phục. Khu nhà xưởng của hợp tác xã đã bị phá dỡ, để nhường đất làm sân vận động của phường La Khê, 11 máy dệt the giờ chỉ còn là đống gỗ ngổn ngang trong nhà kho phía sau hợp tác xã. Cửa hàng giới thiệu sản phẩm của Hợp tác xã the lụa truyền thống ngay sát khu di tích Bia Bà giờ đã cho hộ kinh doanh khác thuê, sản phẩm the lụa trong cửa hàng đã được thanh lý hết. Bà Bạch Hồng Ân, Phó Chủ nhiệm HTX xót xa: "Suốt mấy năm trời, sản phẩm làm ra không tiêu thụ được, xã viên không có việc làm, hợp tác xã gặp nhiều khó khăn. Cầm cự mãi không nổi, cho nên chúng tôi đành dẹp bỏ, chờ khi nào có cơ hội lại khôi phục". Chúng tôi cũng gặp anh Lê Ðăng Toản, một người khá tâm huyết với nghề dệt the La Khê và từng là xã viên HTX. Anh Toản vừa được một khách hàng đặt dệt vài trăm mét the. Anh cho biết, tiền công được trả không là bao, nhưng vì nhớ nghề, cho nên anh mượn ba máy dệt của HTX để làm. Khi được hỏi về hướng phát triển, anh thở dài nói: "Có khách đặt hàng thì tôi mới dệt, rồi mọi việc tính sau, không biết còn ai mua the nữa không mà duy trì".
Cũng rơi vào tình cảnh tương tự, nghề làm giấy sắc ở Nghĩa Ðô (quận Cầu Giấy) cũng mai một vì không còn chỗ đứng trên thị trường. Dòng họ Lại một thời tự hào vì đây là nghề độc nhất vô nhị, được chúa Trịnh Tráng (đầu thế kỷ 17) giao cho đặc ân làm giấy sắc để phục vụ triều đình. Giấy sắc là một sản phẩm thủ công có kỹ thuật cao, hoa văn tinh xảo, tô vàng mười và có thể bảo quản tới vài trăm năm. Tuy vậy, giờ đây nghề thủ công truyền thống vang bóng một thời giờ đã trôi vào quá khứ. Dòng họ Lại hiện chỉ còn duy nhất cô Lại Thu Hà được người cha là cố nghệ nhân Lại Phú Bàn truyền cho bí quyết giữ nghề. Theo cô Hà, hiện có rất ít người đến đặt làm giấy sắc, mà chủ yếu đến để khôi phục giấy sắc cũ.
Khôi phục các làng nghề truyền thống theo hướng nào?
Quy hoạch phát triển nghề và làng nghề Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 nêu rõ, thành phố sẽ khôi phục, bảo tồn các làng nghề truyền thống có nguy cơ mai một, thất truyền. Chủ trương đó đang dần hiện thực hóa bằng dự án khôi phục, bảo tồn 21 làng nghề truyền thống lâu đời đang có nguy cơ bị mai một, thất truyền.
Trước mắt, từ nay đến năm 2020, thành phố tập trung khôi phục và bảo tồn mười làng nghề bị thất truyền, gồm các làng: tết thao Triều Khúc, sơn mài Ðông Mỹ; giấy dó Vân Canh, tranh sơn mài Kim Hoàng; dệt the La Khê; gốm Phú Sơn; đúc đồng Ngũ Xã, giấy dó Bưởi; dâu tằm tơ Thụy An, Ðẹp Thôn... Những năm tiếp theo, sẽ khôi phục, bảo tồn 11 làng nghề gồm: nón lá Ðại Áng; nhạc cụ Ðào Xá; dệt the, lụa Cổ Ðô; tre trúc Xuân Thủy; giấy sắc Nghĩa Ðô; gốm Tô Hiệu; dâu tằm tơ Tráng Việt, Ðông Cao; thêu ren Hạ Mỗ; dệt chồi, lượt Phùng Xá; nghề ren Bình Ðà...
Ðồng chí Trịnh Thị Hồng Loan, Trưởng phòng quản lý làng nghề (Sở Công thương Hà Nội) cho biết: "Xác định các làng nghề truyền thống là tài sản văn hóa cần phải được khôi phục và bảo tồn, các cơ quan hữu quan sẽ tiến hành điều tra, khảo sát, xác định và xây dựng đề án để duy trì một vài hộ hoặc nhóm hộ nghề, các nghệ nhân đang hoạt động. Theo đề án này, thành phố thực hiện sưu tầm, thu thập và bảo tồn tư liệu lưu trữ về làng nghề truyền thống, hỗ trợ xây dựng các phòng trưng bày, khu trình diễn nghề, khuyến khích thợ có tay nghề cao truyền nghề, đào tạo nghề cho thế hệ trẻ để duy trì, phát triển nghề; đặc biệt đối với một số công nghệ cổ truyền tinh xảo, độc đáo, có giá trị văn hóa truyền thống cao". Dự án này sẽ xây dựng những giải pháp cụ thể nhằm thực hiện có hiệu quả các chủ trương của thành phố; bảo đảm các làng nghề bị thất truyền có thể phục hồi và phát triển. Chủ trương đó nhận được sự hưởng ứng, mong đợi của nhiều người dân làng nghề đang dần mai một, bởi tâm nguyện của họ không muốn mất nghề truyền thống cha ông.
Sự mai một của làng nghề truyền thống, không chỉ là mất đi một nghề gắn liền với kế sinh nhai của người dân, mà quan trọng hơn đó là mất đi một ngành nghề truyền thống lâu đời và truyền thống đó đã vượt qua giới hạn của một làng xã, trở thành văn hóa của cả vùng miền, làm ngời sáng thêm văn hóa Thăng Long - Hà Nội. Chính bởi vậy, việc khôi phục, bảo tồn các làng nghề truyền thống rất cần sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan liên quan, chính quyền địa phương và cả người dân làng nghề.