Cương trực giữa đời thường

Với gần 50 năm quân ngũ, trải qua hầu hết các chiến trường ác liệt, từ khi là chiến sĩ đến lúc trở thành một vị tướng, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước luôn yêu thương, gần gũi cấp dưới, gắn bó mật thiết với nhân dân, dựa vào dân để hoàn thành nhiệm vụ, trung thành tuyệt đối với lý tưởng cách mạng của Đảng và Bác Hồ kính yêu.
0:00 / 0:00
0:00
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước.
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước.

Cách đây 10 năm, tôi được gặp Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước. Lần ấy, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) vừa được ban hành và tôi được cử đi xin ý kiến của ông. Khi tôi gọi điện thoại, ông hồ hởi nhận lời ngay, hẹn đến... Bệnh viện Hòe Nhai để trả lời phỏng vấn. Đến nơi, tôi bất ngờ khi thấy ông đang nằm truyền nước trên giường bệnh. “Không sao đâu, có gì cứ hỏi, mình chỉ bị xoàng xoàng thôi mà”, giọng ông sang sảng. Rồi Trung tướng nói say sưa đầy tâm huyết, phân tích tình hình và mong muốn Đảng cần xây dựng, chỉnh đốn quyết liệt hơn để thật sự trong sạch, vững mạnh. Sau này, thi thoảng có việc, tôi lại xin gặp ông để phỏng vấn tại nhà riêng. Vị tướng dày dạn trận mạc, đã từng nắm giữ nhiều vị trí quan trọng trong quân đội luôn bày tỏ quan điểm một cách thẳng thắn, cương trực với đôi mắt tinh anh và nụ cười hồn hậu.

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước sinh ngày 3/2/1926, tại xã Nghi Diên, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An trong một gia đình thuần nông ở vùng đất giàu truyền thống cách mạng, với nhiều danh tướng. Chính nền tảng quê hương và gia đình đã hun đúc nên truyền thống hiếu học, trung thực, giữ đạo nghĩa của tướng Thước. Đầu năm 1949, chàng thanh niên trí thức Nguyễn Quốc Thước tình nguyện nhập ngũ, đi học Trường Lục quân Trần Quốc Tuấn (nay là Trường Sĩ quan Lục quân 1) khóa 5. Cuối năm 1950 ra trường, ông vào chiến trường Bình-Trị-Thiên, cùng đơn vị vượt qua muôn vàn khó khăn, giữ vững địa bàn, phát động kháng chiến giành thắng lợi.

Trong Chiến dịch Trung Hạ Lào cuối năm 1953, đầu năm 1954, với cương vị Phó Đại đội trưởng rồi Đại đội trưởng, ông đã chỉ huy đơn vị phối hợp cùng các đơn vị bạn và bộ đội Pa-thét Lào chiến đấu dũng cảm, mưu trí, tiêu diệt nhiều tiểu đoàn lính Âu-Phi, bắt tù binh, thu vũ khí của địch, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Quân ủy Trung ương và Tổng Tư lệnh giao là kìm chân lực lượng lớn chủ lực của địch từ xa, tạo điều kiện cho chiến trường chính Điện Biên Phủ giành thắng lợi…

Cuộc đời binh nghiệp của Trung tướng Nguyễn Quốc Thước trải qua nhiều khó khăn, gian khổ, gắn liền với những cuộc kháng chiến vệ quốc vĩ đại của dân tộc. Ông tham gia chiến đấu khắp các mặt trận bắc-trung-nam, ở cả ba chiến trường Việt Nam-Lào-Campuchia; đánh hàng trăm trận lớn, nhỏ, trong đó, có những trận đánh do ông trực tiếp chỉ huy được Bác Hồ gửi thư khen ngợi, như trận Chư-Pa ở Tây Nguyên (tháng 1/1969) do ông làm Trung đoàn trưởng.

Chiến dịch Tây Nguyên năm 1975 là chiến dịch then chốt làm thay đổi cục diện chiến trường toàn miền nam để tiến tới ngày toàn thắng. Trung tướng Nguyễn Quốc Thước là Tham mưu trưởng Chiến dịch Tây Nguyên, người đã xây dựng phương án tấn công địch không có phòng ngự, đỉnh cao của nghệ thuật nghi binh “dương đông kích tây”, “tương kế, tựu kế”...

Có lần đến phỏng vấn ông nhân kỷ niệm 40 năm giải phóng miền nam, sau khi kể về những khoảnh khắc hào hùng khi tiến quân vào Sài Gòn, mắt ông ngân ngấn nước. Ông nói, thực ra lúc ấy nhớ về chiến trường Tây Nguyên 10 năm đầy gian khổ. Có những lúc gạo, đạn không tiếp tế vào được, đói khát, bệnh tật đủ bề, nhưng các chiến sĩ vẫn chiến đấu anh dũng. Ba vạn liệt sĩ đã nằm xuống, máu và đất đã hòa làm một. Giữa Sài Gòn, càng thấy nhớ đồng đội, thấy được sự hy sinh của bộ đội cùng nhân dân các dân tộc Tây Nguyên đã được đền đáp xứng đáng, khi quân ta giải phóng được miền nam, thống nhất đất nước.

Năm nay đã 96 tuổi, nhưng hễ có gia đình thân nhân liệt sĩ nào đề nghị, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước vẫn sẵn sàng giới thiệu, chỉ dẫn, thậm chí là vào tận chiến trường xưa để tìm hài cốt đồng đội. Với ông, việc ấy vừa là trách nhiệm, vừa là sự tri ân với những người đã không tiếc máu xương để bảo vệ Tổ quốc, giải phóng đất nước.