Theo WFP, những biện pháp hạn chế đối với xuất khẩu ngũ cốc, dầu thực vật và phân bón ngày càng thắt chặt kể từ khi xảy ra cuộc xung đột ở Ukraine, quy mô đã đạt đến mức của cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu năm 2008 về tỷ trọng thương mại toàn cầu.
Nhấn mạnh khu vực Đông Phi phụ thuộc lớn vào nguồn lương thực và phân bón nhập khẩu, WFP cho rằng, cuộc khủng hoảng Ukraine có thể làm tồi tệ hơn tình hình an ninh lương thực vốn đã nghiêm trọng ở khu vực này.
WFP cảnh báo nếu tình trạng lạm phát tiếp diễn do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng Ukraine có thể đẩy thêm 7 đến 10 triệu người ở khu vực Đông Phi vào nạn đói trong năm nay.
WFP cho biết khu vực Đông Phi đang chứng kiến giá cả các mặt hàng như lúa mì, bánh mì, nhiên liệu và phân bón tăng vọt trong ngắn hạn và tình trạng thiếu nhiên liệu trên diện rộng, trong đó các nước như Kenya, Somalia, Uganda, Ethiopia, Nam Sudan và Burundi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
Theo WFP, giá nhiên liệu đã tăng 5%, mức cao nhất trong lịch sử ở Kenya, trong khi giá lúa mì tăng kỷ lục 59% tại Ethiopia, mức cao nhất kể từ năm 2016, chỉ trong vòng 2 tuần sau khi xảy ra cuộc xung đột ở Ukraine.
Giá phân bón cũng tăng gấp đôi ở Kenya và gấp 3 ở Ethiopia, điều này có thể gây ảnh hưởng đến năng suất và sản lượng mùa vụ 2022, làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng giá lương thực.
Nga và Ukraine là các nước xuất khẩu hàng đầu về lúa mì, ngô, dầu hạt cải và dầu hoa hướng dương. Nga cũng là một trong những nước xuất khẩu khí đốt và phân bón lớn nhất thế giới, nhưng nước này đang phải hứng chịu các biện pháp trừng phạt của phương Tây liên quan đến chiến dịch quân sự ở Ukraine.