Ðể có một câu nói tưởng chừng như đơn giản ấy, phải là người từng trải qua, chiêm nghiệm cả một quá trình. Quá trình đó ghi vào sử sách bằng mồ hôi, công sức của quân dân Trường Sa và cả nước dành cho quần đảo, mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc. Lời ông Phương nói làm tôi liên tưởng những ngôi nhà mới, đúc bằng bê-tông liền khối ở đảo chìm mà mình đã đi qua, với những cây cầu vắt sang nhà lắp ghép ngày xưa bằng ghi nhôm, thanh bê-tông cũ. Hiện tại đấy, nối dài quá khứ đấy.
Khi hoàng hôn Trường Sa chìm vào lòng biển, cả đảo bừng sáng lên ánh đèn điện. Một cán bộ của Quân chủng Hải quân cho tôi biết: Hàng trăm cột đèn chiếu sáng bằng pin năng lượng mặt trời và điện phong đã được lắp đặt trên huyện đảo Trường Sa. Nguồn năng lượng "sạch" ấy đủ để cung cấp miễn phí cho nhân dân 24/24 giờ và hằng đêm soi sáng từng bờ kè, mép sóng. Dưới ánh sáng trắng xanh huyền ảo ấy, tiếng máy thu thanh, tiếng ca nhạc từ truyền hình bắt sóng pa-ra-bôn trong các ngôi nhà vọng ra nghe thật thân thương, ấm áp. Tôi dừng chân trước cửa một ngôi nhà cuối đảo khi nghe vọng ra tiếng trẻ đọc bài. Ðó là bài tập đọc "Ðàn bê của anh Hồ Giáo". Tiếng đọc bài của em bé ngân nga như tiếng hát: Thỉnh thoảng một con dường như nhớ mẹ chạy lại chỗ Hồ Giáo, dụi mõm vào lòng anh, quơ quơ đôi chân như là đòi bế...
Trẻ em nô đùa, trẻ em đến trường đi học, ai mà không mong ước điều ấy và ai mà không toại nguyện trước khung cảnh ấy. Mặc dù còn nhiều khó khăn trong dạy và học, hiện hai xã Song Tử Tây, Sinh Tồn, giáo viên còn là cán bộ xã kiêm nhiệm nhưng Trường Sa đã phổ cập tiểu học đến con em toàn huyện đảo. Một sự đóng góp không nhỏ của ngành giáo dục và chính quyền huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa.
Tiếp chúng tôi, cô giáo Bùi Thị Nhung đôi lúc lại phải xin lỗi cắt ngang câu chuyện vì những cuộc điện thoại từ đất liền gọi ra hỏi về việc dạy và học của cô và trò trên đảo. Sóng điện thoại di động giờ đã phủ rộng trên các đảo. Cô Nhung cho biết, do đặc thù ở đảo, hiện mình cô phải đảm nhiệm dạy cả 6 lớp học từ mẫu giáo đến tiểu học. Chính vì vậy nên lịch lên lớp của cô khá vất vả. Ðể dạy đúng chương trình và bảo đảm chất lượng, cô Nhung phải phân bố thời gian hợp lý trong từng buổi dạy bằng cách ổn định, giao nhiệm vụ cho lớp này rồi lại tiếp tục kiểm tra, giảng bài ở lớp kia.
Chúng tôi đến đảo Song Tử Tây. Ở đây, hộ của anh Hồ Dương đang là tâm điểm chú ý của toàn xã đảo. Chị Trương Thị Liền, vợ anh vừa sinh cháu Hồ Song Tất Minh được vài tháng tuổi. Hồ Song Tất Minh là đại diện của thế hệ sinh ra trên huyện đảo này. Không chỉ chị Liền, chị Phạm Thị Nữ ở xã đảo Sinh Tồn đã yên tâm chuẩn bị cho cuộc "vượt cạn" trên huyện đảo sóng gió này trong thời gian tới.
Cũng như bao ngôi nhà khác, ngôi nhà đầy ắp tiếng vui cười của anh Dương là sản phẩm của chương trình hỗ trợ nhà ở cho ngư dân của Chính phủ được quân dân huyện đảo triển khai xây dựng trong những năm gần đây. Với tổng diện tích 200 m2, trong đó 104 m2 là diện tích ở, các căn hộ được thiết kế thành ba phòng: Phòng khách, phòng ngủ, công trình khép kín. Phía trước là sân chơi; phía sau các nhà là vườn rau, bể nước. Anh Võ Văn Trường ở thị trấn Trường Sa nói: Khi bước chân vào "biệt thự" này, vợ chồng tôi cứ ngỡ như trong mơ vậy.
Cảm nhận của những người như anh Trường rất tự nhiên, bởi không chỉ nhà, hơn 60 tiện nghi sinh hoạt thiết yếu của các hộ gia đình như bàn ghế, giường tủ, máy thu hình, quạt điện, dụng cụ cấp dưỡng... cũng đều đầy đủ. Có thể các trang bị này là bình thường so với trong đất liền nhưng ở nơi xa xôi, khó khăn này, vô cùng quý giá. Các công trình, vật tư trang bị rất phù hợp điều kiện ở đảo. Bà con ai nấy đều phấn khởi khi ở trong những căn hộ ấm áp ấy.
Trụ sở UBND hai xã Song Tử, Sinh Tồn và thị trấn Trường Sa cũng đã được xây khang trang, hiện đại. Các thiết bị văn phòng, đồ dùng công cộng, như máy tính, âm ly, loa đài, bàn ghế đã đáp ứng nhu cầu làm việc của chính quyền. Ðồng chí Vi Ðức Thanh, Chủ tịch UBND thị trấn Trường Sa, cho biết: Ðiều kiện vật chất, tinh thần ổn định càng giúp quân dân Trường Sa gắn bó keo sơn và chung sức để xây dựng Trường Sa ngày càng giàu đẹp. Hiện tại, huyện đảo chủ trương trợ giúp ngư dân cả về ngư, lưới cụ. Sáu tháng đầu năm 2009, số tiền này có tổng trị giá hơn cả trăm triệu đồng. Ngoài khai thác hải sản, nhân dân các đảo còn hướng đến việc tăng gia, chăn nuôi gia súc, gia cầm để tăng thu nhập. Gia đình ông Trần Văn Dũng - bà Phạm Kim Anh ở hộ số 7, xã đảo Sinh Tồn là hộ tích cực trồng rau xanh và chăn nuôi, đàn vịt đẻ 18 con của ông bà thường xuyên cho trứng hằng ngày. Nhiều hộ đã trồng rau muống nước, mồng tơi, rau cải và bầu bí có hiệu quả.
Khu tưởng niệm Bác Hồ ở thị trấn Trường Sa, chùa ở đảo Song Tử Tây là niềm tự hào của nhân dân huyện đảo.
Ðồng chí Trần Công Phàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa đã xúc động bày tỏ khi đặt chân lên huyện đảo: Sự cố gắng, sự nỗ lực của quân và dân huyện đảo Trường Sa thật đáng ghi nhận.
Ông Nguyễn Ðức Phương cho chúng tôi biết thêm: Cán bộ y tế ở đây tận tình lắm, có đau ốm gì xuống gọi là họ sẵn sàng, bất kể ngày đêm.
Chia tay chúng tôi, ông Nguyễn Xuân Yên, thị trấn Trường Sa ước ao giá có những con tàu thu mua hải sản giúp ngư dân Trường Sa thì hay biết mấy. Chị Phạm Thị Nữ, xã đảo Sinh Tồn thì mong sao huyện đảo sớm có thêm bác sĩ, y tá nữ để chăm sóc và trang bị cho phụ nữ trên huyện đảo các kiến thức về khám, chữa bệnh cho phụ nữ và trẻ em... Mỗi người một tâm tư, nguyện vọng nhưng đó là những mong mỏi chính đáng để góp phần cho huyện đảo Trường Sa ngày càng giàu thêm, đẹp thêm về mọi mặt.
Cách đây mấy ngày, anh Võ Văn Trường vừa gọi điện cho chúng tôi kể về cảm xúc của mình khi đưa gia đình mình về thăm đất liền. Mấy cha con anh đã đi chơi ở Suối Tiên, thăm Thảo Cầm Viên ở TP Hồ Chí Minh. Anh bảo: Ở Trường Sa thì nhớ đất liền. Về đất liền rồi lại nhớ Trường Sa quá, nhớ đến mức đêm nằm không được nghe tiếng sóng lao xao cũng trở nên khó ngủ.
Tiếng sóng Trường Sa vỗ mãi, bền bỉ trong tâm khảm anh Trường cũng như trong sâu thẳm tâm hồn mọi người dân đất Việt. Ở Trường Sa, mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc, cuộc sống của người dân đang đổi thay từng ngày. Sinh sôi, trường tồn mãi mãi.
NGUYỄN LÊ MINH ÐỨC