Tất cả những ai thực sự tin rằng các nhà lãnh đạo có xu hướng cánh tả ở châu Mỹ Latin đều có quan điểm giống nhau thì sẽ không thể hiểu được mối bất hoà từ quyết định của tổng thống Bolivia quốc hữu hoá toàn bộ ngành sản xuất khí đốt.
Bởi vì phản ứng mạnh nhất trước quyết định này của Tổng thống Evo Morales lại là từ Brazil, nước vẫn được coi là một trong những đồng minh tự nhiên gần gũi nhất của Bolivia.
Cách đây chưa đầy bốn tháng, trước lễ nhậm chức của Tổng thống Morales, người ta thấy ông và Tổng thống Brazil Luis Inacio Lula da Silva tươi cười bên nhau trước ống kính truyền hình sau cuộc đàm phán về việc hợp tác trong lĩnh vực năng lượng.
Ông Morales đến thủ đô Brasilia và được người dân Brazil ngưỡng mộ với thành tích là cựu lãnh đạo nghiệp đoàn những người trồng cây côca và chủ trương cải cách kinh tế phục vụ lợi ích của số đông người dân bản địa nghèo khổ của Bolivia.
Nhưng cùng lúc đó, ông vẫn cần tranh thủ các nhà đầu tư Brazil, đặc biệt là tập đoàn dầu mỏ và khí đốt Petrobras thuộc sở hữu nhà nước của Brazil và bảo đảm với họ rằng Bolivia áp dụng chính sách tạo thuận lợi cho các nhà tư bản.
Tập đoàn Petrobras, đã đầu tư hơn một tỷ USD vào Bolivia và hiện kiểm soát 45% sản lượng khí đốt của nước này, đã cảm thấy yên tâm. Chủ tich tập đoàn này, ông Jose Sergio Gabrielli, nói ông mong đợi một môi trường kinh doanh thuận lợi dưới thời ông Morales.
Nhưng vào lúc này, tâm trạng của người Brazil là cảm thấy bị phản bội và bị xúc phạm.
Ông Gabrielli đã mô tả sắc lệnh này của chính phủ Bolivia là “không thân thiện” và tuyên bố rằng tập đoàn Petrobras sẽ xem xét lại hoạt động ở Bolivia.
Tổng thống Lula ngay lập tức triệu tập một cuộc họp nội các khẩn cấp để xem xét quyết định của chính phủ Bolivia.
Báo chí Brazil dẫn lời một cố vấn thân cận của Tổng thống Lula nói rằng chính phủ Brazil đã hoàn toàn bất ngờ trước quyết định của tổng thống Bolivia. Nhiều cơ sở sản xuất bao gồm cả nhà máy lọc dầu của tập đoàn Petrobras ở thành phố miền đông Santa Cruz đã bị quân đội Bolivia kiểm soát.
Brazil không phải là nước duy nhất bị bất ngờ choáng váng trước quyết định quốc hữu hoá ngành dầu khí Bolivia. Bộ ngoại giao Tây Ban Nha đã bày tỏ “mối lo ngại sâu sắc” về hậu quả của quyết định trên đối với tập đoàn năng lượng Repsol-YPF của Tây Ban Nha hiện kiểm soát tới 25,7% sản lượng khí đốt của Bolivia.
Tổng cộng có khoảng 20 công ty nước ngoài bị ảnh hưởng bởi quyết định quốc hữu hoá trong đó có các tập đoàn như BP, British Gas, ExxonMobil và Total.
Theo các quy định của sắc lệnh quốc hữu hoá, trong vòng 180 ngày, các tập đoàn dầu khí nước ngoài phải đàm phán và ký lại hợp đồng với công ty nhà nước của Bolivia là Yacimientos Petroliferos Fiscales Bolivianos (YPFB).
Trong khi chờ đợi ký hợp đồng mới, Bolivia sẽ giữ lại 82% lợi nhuận từ khí đốt của mình và chỉ để lại 18% lợi nhuận cho các công ty nước ngoài.
Không lấy gì làm lạ khi các tập đoàn dầu khí nước ngoài nói trên đang xem xét liệu có đáng để tiếp tục đầu tư vào Bolivia nữa hay không, và các công ty nước ngoài khác có thể cũng làm như vậy.
Nếu quyết định quốc hữu hoá này đánh dấu một sự rạn nứt trong quan hệ giữa hai ông Morales và Lula, thì nó cũng đưa ông Morales đến gần hơn với chủ trương cấp tiến của Tổng thống Hugo Chavez ở Venezuela, nơi mà các công ty dầu mỏ nước ngoài bắt buộc phải liên doanh với công ty dầu mỏ quốc doanh PDVSA.
Chỉ mấy ngày trước khi Bolivia ban hành sắc lệnh này, ông Morales và ông Chavez đã đến thăm thủ đô Havana để ký kết một hiệp định thương mại ba bên với Chủ tịch Cuba Fidel Castro.
Ông Morales tuyên bố rằng việc quốc hữu hoá sẽ chấm dứt “việc các công ty nước ngoài cướp bóc tài nguyên thiên nhiên của Bolivia”.
Qua phát biểu này, ông đã phản ánh quan điểm truyền thống của những người theo chủ nghĩa dân tộc ở Mỹ Latin rằng mỗi nước phải kiểm soát tài nguyên thiên nhiên của mình bằng mọi giá.
Nhận thức này thể hiện đặc biệt rõ nét ở Bolivia, nơi mà phần lớn người dân bản xứ cảm thấy rằng nền kinh tế của họ chỉ mang lại lợi ích cho tầng lớp giàu có, những người đã cho phép các công ty nước ngoài vào khai thác các mỏ bạc, thiếc, dầu mỏ và khí đốt của họ.
Bước đi quốc hữu hoá là chương mới nhất trong biên niên sử cay đắng của ngành khí đốt của Bolivia, với trữ lượng lớn thứ hai ở Mỹ Latin, chỉ đứng sau Venezuela.
Điều đáng lẽ là một sự may mắn lớn đối với một nước nghèo nhất trong khu vực thì đã trở thành một điều bất hạnh.
Kế hoạch xuất khẩu khí đốt sang Mỹ và Mexico của chính phủ Bolivia đã gây ra sự căm phẫn của người dân bản xứ và dẫn tới sự sụp đổ của chính phủ của tổng thống Gonzalo Sanchez de Lozada vào năm 2003.
Điều làm cho người dân càng thêm bất bình là kế hoạch nói trên lại bao gồm việc vận chuyển khí đốt đi qua cảng biển của Chile, vốn thuộc lãnh thổ của Bolivia trước khi Chile chiếm vùng duyên hải này của Bolivia trong cuộc chiến tranh 1879-1883.
Vì không có đường ống dẫn khí đốt ra biển Thái Bình Dương, Bolivia phải bán khí đốt cho hai nước láng giềng là Brazil và Argentina.
Điều này làm cho Brazil không chỉ là nhà đầu tư lớn nhất của Bolivia mà còn là khách hàng lớn nhất của nước này và do đó làm mất lòng một nước như Brazil là điều không khôn ngoan chút nào.
Nguồn khí đốt của Bolivia
Trữ lượng: 1.529 tỷ mét khối khí đốt.
Trị giá: ước tính 70 tỷ USD.
Là nước có trữ lượng khí đốt lớn thứ hai ở Mỹ Latin sau Venezuela
GDP của Bolivia năm 2005: 8,5 tỷ USD (tính theo đầu người là 940 USD)