Cuộc gặp gỡ đặc biệt của nghệ thuật xiếc và rock

Những ngày tháng 10, sân khấu tròn của Rạp Xiếc Trung ương, Hà Nội luôn được khuấy động bởi ngọn lửa cảm xúc của cả nghệ sĩ biểu diễn và người xem khi “Thiên thần lên núi” trình làng. Chương trình là cột mốc đánh dấu sự kết hợp đậm đặc, xuyên suốt lần đầu tiên của xiếc và rock trên sân khấu Việt, mở ra hướng đi mới trên hành trình chinh phục công chúng.
0:00 / 0:00
0:00
Sự kết hợp giữa xiếc và rock trong “Thiên thần lên núi” đã mang đến những màn trình diễn giàu cảm xúc. (Ảnh: MINH ANH)
Sự kết hợp giữa xiếc và rock trong “Thiên thần lên núi” đã mang đến những màn trình diễn giàu cảm xúc. (Ảnh: MINH ANH)

“Thiên thần lên núi” là show diễn quy mô được các nghệ sĩ Liên đoàn Xiếc Việt Nam và ban nhạc Ngũ Cung phối hợp thực hiện. Dưới bàn tay dàn dựng của Nghệ sĩ Nhân dân Tống Toàn Thắng trong vai trò đạo diễn và nhạc sĩ Trần Thắng trong vai trò giám đốc âm nhạc, chương trình đưa khán giả đi từ bất ngờ này tới bất ngờ khác thông qua những tiết mục ấn tượng có sự kết hợp của nghệ thuật xiếc và rock biểu diễn trực tiếp trên sân khấu.

Ở đó, trên nền giai điệu sôi động của “Hành khúc ngày và đêm” chơi theo phong cách rock, người xem bị cuốn theo màn trình diễn cầu bật tập thể, nhào lộn trên không được các nghệ sĩ xiếc trong trang phục bộ đội thể hiện mang tiết tấu nhanh, mạnh, ăn khớp cùng âm nhạc. Đến với “Yêu”, “Nỗi đau” hay “Tuyết trắng” - những ca khúc rock gắn liền dấu ấn của Ngũ Cung, người xem lại được mãn nhãn với vẻ đẹp đầy lãng mạn, bay bổng của những màn đu dây lụa nam nữ, đu son... Đặc biệt, phần sánh đôi rất “ngọt” giữa các nghệ sĩ tung hứng bóng, quả trám, lắc vòng, quay lửa và ba tay trống của ban nhạc trên sân khấu, đồng điệu tới từng động tác đã làm nên những trải nghiệm đầy hứng khởi cho công chúng...

Chia sẻ về ý tưởng để xiếc và rock cùng “góp gạo thổi cơm chung”, Nghệ sĩ Nhân dân Tống Toàn Thắng, Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam cho biết, cả hai loại hình nghệ thuật này đều mang màu sắc của sự tự do, phóng khoáng. Hơn nữa, nhắc đến Ngũ Cung là nhắc đến ban nhạc từng là hiện tượng của rock Việt với những tác phẩm mang âm hưởng âm nhạc dân tộc; trong khi nhiều sáng tạo của các nghệ sĩ Liên đoàn Xiếc Việt Nam cũng được lấy cảm hứng từ văn hóa truyền thống.

Sự gặp gỡ này vì thế tạo ra “chất lửa” để hai ngôn ngữ nghệ thuật cùng nâng nhau lên. Chẳng hạn, tiết mục xiếc “Ngày hội H’Mông” của Liên đoàn là sự lựa chọn hợp lý khi kết đôi cùng ca khúc “Cướp vợ” của Ngũ Cung, hay ca khúc “Cô đôi thượng ngàn” do ban nhạc này thể hiện cũng rất phù hợp với những màn ảo thuật trong tiết mục “Bà chúa thượng ngàn”... “Trên thế giới, từng diễn ra nhiều chương trình xiếc kết hợp giao hưởng, pop, rock..., nhưng ở Việt Nam điều này còn hạn chế.

Vì thế, với sự kết hợp nghệ thuật xiếc và nhạc rock trong “Thiên thần lên núi”, chúng tôi muốn khẳng định xiếc Việt cũng không thua kém về tư duy cũng như cách làm nghề. Chúng tôi mong có thể đưa nghệ thuật xiếc Việt ra thế giới, khẳng định sự sáng tạo dựa trên bản sắc văn hóa dân tộc kết hợp với âm nhạc rock đang rất được giới trẻ yêu thích” - Nghệ sĩ Nhân dân Tống Toàn Thắng nhấn mạnh.

Chương trình thể hiện sự đầu tư nghệ thuật nghiêm túc về cả nội dung và không gian trình diễn, với cách xử lý âm thanh, ánh sáng chuyên nghiệp. Cùng với sân khấu tròn chính giữa, “Thiên thần lên núi” còn sử dụng ba sân khấu phụ trên cao để mở rộng không gian diễn, giúp nâng cao hiệu quả tương tác giữa các nghệ sĩ xiếc và rock cũng như giữa nghệ sĩ và khán giả. Sự tham gia biểu diễn của hơn 60 gương mặt, trong đó có nhiều ngôi sao của xiếc và rock như: Phạm Hướng - Hồng Thúy (Vương miện vàng Công chúa xiếc trong Liên hoan xiếc quốc tế diễn ra tại Nga năm 2022); Nghệ sĩ Nhân dân Tống Toàn Thắng; Nghệ sĩ xiếc Hoàng Thái - Thu Hường, các thành viên Ngũ Cung, nữ rocker Thỏ Trauma của ban nhạc rock Metanoia - quán quân Rock Việt 2022... đã làm nên một show diễn đáng thưởng thức.

Trước đây, nhiều người vẫn cho rằng xiếc chỉ là những trò diễn chủ yếu phục vụ trẻ em, nhưng những năm gần đây, xiếc Việt đã làm thay đổi quan niệm này khi không ngừng bứt phá, trở thành món ăn tinh thần được yêu thích của đa dạng đối tượng công chúng nhiều độ tuổi. Không chỉ dừng lại ở những tiết mục đơn lẻ phô bày sự khéo léo hay độ khó trong kỹ thuật động tác của diễn viên, nhiều chương trình xiếc hiện nay còn bảo đảm cả tính nội dung, sự cao trào trong tình tiết, gửi đi những thông điệp rõ ràng, ý nghĩa tới khán giả.

Theo Nghệ sĩ Nhân dân Tống Toàn Thắng, xiếc là loại hình nghệ thuật mang tính tổng hợp, có đặc thù là tạp kỹ nên sở hữu ưu thế kết hợp được với nhiều ngôn ngữ nghệ thuật khác để làm giàu hơn khả năng biểu đạt của mình. Tuy nhiên, kết hợp như thế nào để hợp lý và cùng tôn lên vẻ đẹp của từng loại hình nghệ thuật lại là thách thức không đơn giản, cần được giải quyết bằng nhiều nỗ lực sáng tạo.

Thời gian qua, hàng loạt dự án nghệ thuật được sáng tạo, thử nghiệm theo hướng này đã ra mắt khán giả. Trước “Thiên thần lên núi”, Liên đoàn Xiếc Việt Nam đã “bắt tay” Nhà hát Cải lương Việt Nam để làm nên cuộc gặp gỡ táo bạo giữa xiếc và cải lương trong “Cây gậy thần”, “Thượng Thiên Thánh Mẫu” - những vở diễn nằm trong dự án dài hơi “Huyền sử Việt”. Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam cũng đã gây bất ngờ với show diễn lớn mang tên “IMI show-Kỳ tích phương Nam” có sự song hành độc đáo, thú vị giữa xiếc và rối cạn, rối nước... Tận dụng thế mạnh của nhiều loại hình nghệ thuật kết hợp đầu tư cho công nghệ âm thanh, ánh sáng để sáng tạo tác phẩm dựa trên khai thác bản sắc văn hóa Việt Nam, đây có thể coi là “chìa khóa” để xiếc Việt thu hút công chúng hiện đại và khẳng định vị thế trên bản đồ xiếc thế giới.