Trong những năm gần đây, tiến trình tự động hóa phương tiện đang được các tập đoàn công nghệ, sản xuất ô-tô và cả những công ty khởi nghiệp quan tâm, đẩy mạnh đầu tư, nghiên cứu và phát triển. Mảng phát triển công nghệ tự lái đã thu hút khoảng 50 tỷ USD đầu tư toàn cầu và năm 2021 được giới chuyên gia chờ đợi sẽ là năm bản lề, cho kết quả thực chất về những ứng dụng mà công nghệ này hứa hẹn.
Năm 2015, Uber - một trong những công ty công nghệ khai thác vận tải hành khách lớn nhất thế giới - tuyên bố đầu tư và sẽ cho ra mắt những chiếc xe có khả năng tự vận hành mà không cần người lái xe. Ðây được xem là một bước phát triển tự nhiên khi chi phí lớn nhất của công ty này là trả tiền công cho các lái xe. Tuy nhiên, tham vọng cách mạng ngành vận tải hành khách cũng như các phương tiện giao thông của Uber lại vấp phải nhiều vấn đề pháp lý và trách nhiệm, như vụ tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ với Waymo (đơn vị phát triển phần mềm tự lái thuộc sở hữu của "ông lớn" công nghệ Google) hay vụ kiện liên quan cái chết của một người qua đường, do xe tự lái lùi phải năm 2018. Song, tuyên bố của Uber được xem là "phát súng" khai màn cuộc đua phát triển xe không người lái. Tới nay, công nghệ xe tự lái phát triển bởi Uber và một số công ty khác mới được chính quyền Mỹ cấp phép vận hành thử nghiệm trên đường phố ở một số khu vực nhất định, như tại bang A-ri-dô-na, nơi có đường giao thông thuận lợi và địa hình bằng phẳng.
Không chỉ là cuộc đua giữa nội bộ các hãng công nghệ, các tập đoàn sản xuất ô-tô truyền thống cũng dành nhiều nguồn lực để nghiên cứu công nghệ tự lái. Tập đoàn Volkswagen của Ðức, Ford của Mỹ, hay Toyota của Nhật Bản đều đã thành lập những đơn vị riêng để phát triển nền tảng xe tự động độc quyền hoặc cũng đã liên kết với các công ty công nghệ trí tuệ nhân tạo để cùng nghiên cứu. Tesla, hãng xe ô-tô chạy điện lớn nhất thế giới, dù đã chiếm ưu thế trong cuộc đua xe tự lái do xuất phát sớm hơn những tập đoàn sản xuất ô-tô lâu đời, thực tế đến nay mới chỉ đạt công nghệ bán tự động - hỗ trợ người lái kiểm soát tốc độ, chuyển và giữ làn đường, tự đỗ xe... Năm 2021, Tesla hứa hẹn sẽ cung cấp phần mềm lái xe hoàn toàn tự động, nhưng có trả phí. Mới đây, một người đàn ông ở Ca-na-đa đã phải hầu tòa vì lý do ngủ khi đang điều khiển một chiếc Tesla có phầm mềm hỗ trợ lái xe. Pháp luật Ca-na-đa, cũng như phần lớn các quốc gia khác trên thế giới, vẫn chưa công nhận công nghệ hỗ trợ người lái của các hãng ô-tô là xe tự lái.
Khi công nghệ trí tuệ nhân tạo chưa thể thay con người tham gia giao thông công cộng an toàn, ứng dụng trong vận tải hàng hóa trở thành một đích đến tiềm năng hơn. Công nghệ tự lái của Nuro được phát triển và thử nghiệm từ năm 2017 và được giới chức Mỹ kiểm định, cho phép hoạt động vận tải hàng hóa từ cuối năm 2020. Năm 2021 là năm đầu tiên Nuro chính thức đưa đội xe tham gia chuỗi phân phối hàng hóa tại Mỹ.
Là một tập đoàn sản xuất thiết bị điện tử, Apple mới đây cũng đã tuyên bố phát triển thành công xe tự lái vào năm 2024. Cuộc đua của những chiếc xe không người lái vẫn còn nhiều khoảng trống phía trước, trong cả công nghệ lẫn pháp lý. Năm 2021 sẽ tạo cơ hội cho giới lập pháp và người tiêu dùng kiểm chứng tính khả thi của ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong tham gia giao thông.