Cuộc chiến không khoan nhượng với nạn phân biệt chủng tộc

Để xây dựng một xã hội ngày càng bình đẳng cho tất cả mọi người, mới đây, Pháp đã công bố kế hoạch quốc gia nhằm đối phó nạn phân biệt chủng tộc. Cùng với Pháp, nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế đang nỗ lực hết sức trong cuộc chiến không khoan nhượng này.
0:00 / 0:00
0:00
Thủ tướng Pháp công bố kế hoạch chống phân biệt chủng tộc. (Ảnh NEWS 360)
Thủ tướng Pháp công bố kế hoạch chống phân biệt chủng tộc. (Ảnh NEWS 360)

Theo kế hoạch hành động kéo dài 4 năm mà Pháp mới ban hành, nước này sẽ triển khai thực hiện 80 biện pháp, nhằm chống phân biệt chủng tộc, bài Do thái, cũng như mọi hình thức phân biệt đối xử. Thủ tướng Pháp Elisabeth Borne (E.Boóc-nơ) tuyên bố, kế hoạch nêu trên cho phép các nạn nhân của tình trạng phân biệt chủng tộc và phân biệt đối xử nộp đơn khiếu nại ẩn danh. Kế hoạch mới cũng bao gồm các biện pháp nâng cao nhận thức của giáo viên và công chức về tình trạng phân biệt đối xử, cũng như gia tăng trừng phạt đối với những cá nhân bị cáo buộc phân biệt đối xử.

Cùng với Pháp, nhiều quốc gia trên thế giới đang quyết liệt đảo ngược nạn phân biệt chủng tộc. Mới đây, Tổng thống Mỹ Joe Biden (G.Bai-đơn) thành lập nhóm liên ngành để phối hợp các nỗ lực chống chủ nghĩa bài Do thái và Hồi giáo, cũng như các hình thức phân biệt đối xử khác. Trước đó, năm 2022, lần đầu tiên trong lịch sử, Mỹ đã ban hành luật quy định hành động tư hình - trừng phạt không qua xét xử đúng pháp luật - do phân biệt chủng tộc là tội ác thù hận, có thể bị phạt tù lên đến 30 năm.

Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris (C.Ha-rít) nhấn mạnh, các hành động bạo lực do phân biệt chủng tộc vẫn xảy ra tại Mỹ; nhiệm vụ cấp thiết hiện nay là buộc các tội phạm phải chịu trách nhiệm và ngăn hành động này tái diễn. Tại Đức, chính phủ nước này cũng thành lập Cơ quan chống phân biệt chủng tộc để thúc đẩy sự đa dạng chủng tộc trong các lĩnh vực nhà nước.

Bất chấp nỗ lực không ngừng nghỉ của chính phủ các nước, phân biệt chủng tộc tiếp tục là nỗi nhức nhối trong xã hội nhiều quốc gia. Theo Liên hợp quốc, phân biệt chủng tộc có xu hướng gia tăng trên toàn thế giới trong những năm gần đây và trở nên nghiêm trọng hơn sau khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Chính phủ Pháp đã triển khai một loạt kế hoạch trong 50 năm qua, với kế hoạch gần đây nhất là vào năm 2018, để đẩy lùi nạn phân biệt chủng tộc.

Tuy nhiên, theo Ủy ban Tư vấn quốc gia Pháp về vấn đề quyền con người, ước tính mỗi năm, khoảng 1,2 triệu người vẫn phải hứng chịu ít nhất một lần bị phân biệt chủng tộc, bài Do thái hoặc bài ngoại. Trong khi đó, Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) mới công bố số liệu cho thấy, trong năm 2021, có hơn 7.200 vụ phạm tội tại nước này liên quan thù ghét, trong đó hơn 60% số vụ bắt nguồn từ phân biệt chủng tộc, gốc gác hoặc sắc tộc.

Tình trạng phân biệt chủng tộc đã gây ra những hệ lụy nghiêm trọng không chỉ đối với nỗ lực thực hiện mục tiêu phát triển của các nước, mà cả các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc. Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres (A.Gu-tê-rét) nhấn mạnh, tình trạng này đang tiếp tục đầu độc các thiết chế và cấu trúc xã hội, là nguyên nhân gây bất bình đẳng và tước bỏ các quyền cơ bản của con người. Người đứng đầu Liên hợp quốc cũng nêu rõ, nạn phân biệt chủng tộc là hòn đá tảng cản trở sự phát triển kinh tế-xã hội, cũng như quá trình phục hồi sau đại dịch Covid-19 trên toàn thế giới.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres từng nhấn mạnh, thúc đẩy hòa bình là nhiệm vụ hàng đầu của Liên hợp quốc nhưng kiến tạo hòa bình là nghĩa vụ của mỗi người. Trong quá trình toàn cầu hóa hiện nay, các xã hội ngày càng trở nên đa sắc tộc, tôn giáo và văn hóa. Trong bối cảnh đó, giới chuyên gia cho rằng, chính phủ cũng như người dân các nước cần tập trung khai thác lợi ích từ sự đa dạng này, thay vì coi đó là một mối đe dọa.