Cuộc bầu cử Tổng thống sẽ quyết định đường hướng phát triển và tương lai nước Pháp

Cuộc đua "song mã" vào điện Elysee tại nước Pháp giữa Tổng thống mãn nhiệm Emmanuel Macron và bà Marine Le Pen thuộc đảng cực hữu Tập hợp quốc gia đang đi đến hồi kết. Với quan điểm chính trị rất khác nhau, việc lựa chọn ai trở thành Tổng thống mới trong "cuộc chung kết" ngày 24/4 sẽ quyết định đường hướng phát triển và tương lai nước Pháp những năm tới.

Poster tranh cử. Ảnh: REUTERS
Poster tranh cử. Ảnh: REUTERS

Nước Pháp đang bước vào thời khắc quan trọng để lựa chọn người lãnh đạo mình trong 5 năm tới của nhiệm kỳ 2022-2027.

Ngay trước thềm cuộc bầu cử vòng hai, Tổng thống mãn nhiệm Emmanuel Macron và bà Marine Le Pen đã có màn "đấu khẩu" trực tiếp trên truyền hình để tranh thủ sự ủng hộ của cử tri. Trong những "giờ chót" của cuộc bầu cử, cả hai ứng cử viên vẫn nỗ lực thu hút cử tri ủng hộ nhà lãnh đạo cánh tả Jean-Luc Melenchon - người đã bị loại sau vòng một của cuộc bầu cử.

Giới phân tích nhận định, khu vực bầu cử của ông Jean-Luc Melenchon sẽ là "chìa khóa thành công" để phân định cuộc đua giữa ông Macron và bà Le Pen trong vòng hai này.

Kết quả các cuộc thăm dò dư luận mới nhất cho thấy ông Macron vẫn đang chiếm "thế thượng phong" so với bà Le Pen với mức trung bình 55,83%, tăng hơn 1 điểm phần trăm so với kết quả được công bố trong ngày 15/4.

Trong khi đó, các cuộc thăm dò của Opinionway và Ifop lần lượt cho kết quả ủng hộ 56% và 55% đối với Tổng thống Macron - đều là mức cao nhất kể từ trước khi diễn ra vòng 1 cuộc bầu cử. Tuy nhiên bà Le Pen vẫn có cơ hội "lội ngược dòng" giành chiến thắng, bởi khoảng cách giữa hai ứng cử viên không quá lớn và điều này khiến cuộc bầu cử năm nay ở nước Pháp gay cấn đến tận phút chót.

Trong cuộc tranh luận hôm 20/4 cũng như trong suốt quá trình tranh cử, hai ứng cử viên Tổng thống của Pháp đã thể hiện quan điểm rất khác nhau về các vấn đề kinh tế, chính trị, đối ngoại quyết định tương lai nước Pháp trong nhiệm kỳ tới.

Tổng thống Macron cho biết ông chủ trương thực hiện các dự án lớn về giáo dục và y tế để cải thiện cuộc sống người dân. Ông khẳng định sẽ đưa nước Pháp trở thành "một cường quốc sinh thái trong thế kỷ 21" và các biện pháp mà ông đưa ra sẽ giúp cải thiện thu nhập cho người dân hiệu quả hơn so với chính sách của bà Le Pen. Ông Macron cũng cam kết, nếu tái cử, ông không tăng thuế và sẽ tăng tuổi nghỉ hưu thêm bốn tháng mỗi năm cho đến năm 65 tuổi vào năm 2031 để tạo sức lao động cho người dân; đồng thời nhấn mạnh đến thành tựu của nhiệm kỳ vừa qua là giảm tỷ lệ thất nghiệp xuống mức thấp nhất trong 13 năm qua.

Về phần mình, bà Le Pen "phản pháo" quan điểm của ông Macron. Bà bảo vệ chính sách xác định tuổi nghỉ hưu của người lao động là 60 tuổi và cam kết sẽ có các biện pháp để giảm chi phí sinh hoạt của người dân. Bà khẳng định sẽ làm tốt hơn so với ông Macron trong việc cải thiện cuộc sống, nâng cao giá trị việc làm và thúc đẩy sức mua của người tiêu dùng Pháp.

Về vấn đề di cư, bà Le Pen nhấn mạnh cần tiến hành cuộc trưng cầu ý dân về việc tiếp nhận người di cư và cần phải giải quyết tình trạng di cư mà bà mô tả là "hỗn loạn" này. Trong khi đó, ông Macron cho rằng một cuộc trưng cầu ý dân sẽ "không thay đổi được điều gì" và vấn đề này phụ thuộc sự hợp tác với các nước khác.

Hai ứng cử viên cũng có quan điểm rất khác nhau về các chính sách đối ngoại. Ông Macron đề cao tinh thần hợp tác trong EU, thể hiện rõ qua việc phân bổ vắc-xin phòng Covid-19 trong các nước châu Âu. Trong khi đó, bà Le Pen khẳng định vẫn muốn nước Pháp là thành viên EU, song cho rằng khối này cần cải tổ và Ủy ban châu Âu tôn trọng chủ quyền của các quốc gia. Bà nhấn mạnh nước Pháp là một cường quốc thế giới chứ không chỉ là cường quốc châu Âu.

Cuộc bầu cử tại Pháp lần này thu hút sự quan tâm không chỉ của đông đảo cử tri Pháp, mà còn của dư luận châu Âu và thế giới. Một số nhà lãnh đạo châu Âu đã bày tỏ quan điểm ủng hộ ông Macron. Trong bài viết đăng trên nhật báo Le Monde hôm 21/4, Thủ tướng Đức Olaf Scholz, Thủ tướng Bồ Đào Nha Antonio Costa và Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez cho rằng nước Pháp đang phải đối mặt với "sự lựa chọn giữa một ứng cử viên dân chủ và một ứng viên cực hữu". Các nhà lãnh đạo Đức và Bồ Đào Nha đã bày tỏ hy vọng người Pháp sẽ lựa chọn một nước Pháp từng là "ngọn hải đăng của nền dân chủ". Báo chí Pháp cho biết, kể từ 0 giờ ngày 23/4, các chiến dịch vận động tranh cử của hai ứng cử viên đã dừng lại để các cử tri có thời gian suy nghĩ và cân nhắc sự lựa chọn của mình vì tương lai của nước Pháp và bản thân họ trong những năm tới.

Hiện tại, các thủ tục cuối cùng để bảo đảm cuộc bầu cử diễn ra minh bạch, dân chủ và an toàn đã hoàn tất; các khu vực đặt hòm phiếu đã sẵn sàng để đón những cử tri đầu tiên đến bỏ phiếu vào sáng 24/4.

Nước Pháp sẵn sàng cho một cuộc bầu cử tổng thống diễn ra trong bối cảnh đất nước đối mặt nhiều khó khăn kinh tế do đại dịch Covid-19; trật tự khu vực và thế giới đang thay đổi mạnh mẽ sau cuộc xung đột Nga-Ukraine, đòi hỏi Pháp nói riêng và EU nói chung phải thể hiện được vai trò của mình trong các vấn đề quốc tế. Bởi vậy, khi hai ứng cử viên Tổng thống có quan điểm khác nhau, thậm chí đối lập nhau về nhiều vấn đề như trên, việc cử tri Pháp chọn ai trở thành chủ nhân của điện Elysee nhiệm kỳ tới sẽ có ý nghĩa quyết định tới tương lai nước Pháp nói riêng và cả EU nói chung.