Sau gần 5 ngày chủ động, tích cực tham gia đầy đủ các chương trình hoạt động, Chủ tịch nước và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu đã kết thúc rất tốt đẹp các hoạt động quan trọng tại đây.
Trong 25 năm tham gia APEC, Việt Nam đã đóng góp tích cực, chủ động đối với Diễn đàn APEC, góp phần thúc đẩy hòa bình, ổn định, hợp tác, liên kết kinh tế khu vực, duy trì vai trò của APEC là cơ chế liên kết kinh tế hàng đầu tại châu Á-Thái Bình Dương.
APEC là động lực then chốt cho tăng trưởng kinh tế trong một thế giới đang đối mặt với nhiều rủi ro
Tham gia kiến tạo một tương lai tự cường bền vững
Việt Nam trở thành thành viên chính thức của APEC tại Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao-Kinh tế APEC lần thứ 10, ngày 15/11/1998, tại Kuala Lumpur, Malaysia; đánh dấu quá trình phát triển và mở rộng của Diễn đàn, đưa số thành viên của APEC lên 21 nền kinh tế.
Đây là một dấu mốc quan trọng trong quá trình triển khai chính sách đối ngoại rộng mở, đa dạng hóa, đa phương hóa và hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. Năm 2023 đánh dấu 25 năm Việt Nam trở thành thành viên chính thức của APEC.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đến San Francisco vào một ngày có khí hậu dịu mát. Các nghi lễ đón tiếp, thủ tục nhập cảnh được các lực lượng chức năng của Hoa Kỳ thực hiện trang trọng, gọn gàng, thể hiện sự trân trọng dành cho các khách mời đến từ Việt Nam.
Nằm bên bờ Thái Bình Dương, San Francisco đã trở thành “cây cầu” kinh tế văn hóa kết nối giữa Mỹ và châu Á, với một phần ba dân số là người Mỹ gốc Á.
Nơi đây không chỉ là khu vực kinh tế lớn thứ tư nước Mỹ với tổng sản phẩm quốc nội lớn mà còn là một trung tâm kinh tế lớn trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Ước tính, giao dịch thương mại hai chiều giữa thành phố này và các nền kinh tế APEC hằng năm đã lên tới 100 tỷ USD.
Đáng chú ý, San Francisco có kết nối đa dạng và sâu sắc với APEC qua các thành phố kết nghĩa, thiết lập Tổng lãnh sự quán, trao đổi thương mại và giao lưu văn hóa.
Bên cạnh đó, San Francisco là nơi đặt trụ sở của các công ty, tập đoàn hàng đầu thế giới và “cái nôi” của ngành công nghiệp sáng tạo, tiên phong toàn cầu.
Đến với Hội nghị các Nhà lãnh đạo kinh tế châu Á-Thái Bình Dương lần thứ 30, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tham dự rất nhiều hoạt động quan trọng khác nhau.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cùng Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden; Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol; Tổng thống Chile Gabriel Boric; Tổng thống Peru Dina Boluarte Zegarra; Tổng thống Indonesia Joko Widodo; Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr; Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin; Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim… là những khách mời danh dự của Hội nghị năm nay.
Hội nghị gồm 20 phiên thảo luận tập trung vào các vấn đề quan tâm hàng đầu của cộng đồng doanh nghiệp như: tình hình kinh tế thế giới, địa chính trị toàn cầu; chính sách thương mại vì bao trùm và bền vững; sự thay đổi, nâng cao tính tự cường của doanh nghiệp trong một thế giới khủng hoảng; vai trò của đổi mới sáng tạo, tương lai của trí tuệ nhân tạo, xây dựng hệ sinh thái cho ý tưởng sáng tạo.
Tại phiên thảo luận về Tăng trưởng bền vững và bao trùm, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng chỉ ra bốn mâu thuẫn lớn của kinh tế thế giới hiện nay. Đó là: Kinh tế tăng trưởng, của cải ngày càng nhiều nhưng khoảng cách giàu nghèo gia tăng và tàn phá môi trường ngày càng nghiêm trọng.
Sau hơn ba thập kỷ thế giới hưởng lợi từ toàn cầu hóa và hình thành nên mạng lưới quan hệ kinh tế quốc tế đan xen lợi ích, phụ thuộc lẫn nhau thì xu thế bảo hộ, phân tách lại gia tăng mạnh mẽ.
Khoa học-công nghệ phát triển nhanh chóng vượt bậc, với sức ảnh hưởng lan rộng toàn cầu nhưng khung khổ thể chế vẫn cơ bản giới hạn ở tầm quốc gia; khoa học-công nghệ đem đến cơ hội phát triển to lớn nhưng cũng tiềm ẩn hiểm họa khôn lường.
Các nền kinh tế theo đuổi mô hình tăng trưởng khuyến khích tiêu dùng, thậm chí tiêu dùng quá mức nhưng lại không thể huy động đủ nguồn lực cho các Mục tiêu phát triển bền vững.
Chủ tịch nước nhấn mạnh, để tiếp tục theo đuổi những mục tiêu cao cả đã đề ra, cần một tư duy mới bao trùm, hài hòa và nhân văn.
Theo đó, thứ nhất, phải bảo đảm mối quan hệ tương hỗ lẫn nhau giữa tăng trưởng kinh tế với công bằng xã hội và bảo vệ môi trường; Thứ hai, duy trì nền kinh tế thế giới mở, kết nối song hành với bảo đảm an ninh kinh tế của các quốc gia; Thứ ba, quản trị toàn cầu về công nghệ (nhất là trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học) không chỉ hướng đến quản lý sự phát triển của các loại công nghệ, mà còn phải giải quyết các hệ quả kinh tế-xã hội, văn hóa, chính trị từ quá trình này; Thứ tư, cần ưu tiên nguồn lực cho các mục tiêu phát triển bền vững và bao trùm.
Cùng với các hoạt động quan trọng của Chủ tịch nước, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và lãnh đạo Bộ Công thương tham dự Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao-Kinh tế; Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc tham dự Hội nghị Bộ trưởng Tài chính; Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Chủ tịch Hội đồng Tư vấn doanh nghiệp APEC Việt Nam Phạm Tấn Công tham dự Đối thoại giữa Lãnh đạo các nền kinh tế APEC với Hội đồng Tư vấn Kinh doanh APEC và Hội nghị Hội đồng Tư vấn Kinh doanh APEC (ABAC)…
Phát biểu của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tại Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp APEC
Việt Nam - một nền kinh tế uy tín và trách nhiệm
Với lịch trình làm việc dày đặc từ sáng đến tối, Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự tất cả hoạt động lớn của Tuần lễ Cấp cao, tiếp xúc rộng rãi các đối tác quan trọng trong APEC và các tập đoàn, doanh nghiệp lớn.
Nhìn lại lịch sử của APEC, Việt Nam là một trong số không nhiều các nền kinh tế hai lần được các thành viên tín nhiệm ủng hộ đảm nhiệm vai trò chủ nhà APEC vào các năm 2006 và 2017.
Dưới sự chủ trì của Việt Nam, hai Hội nghị Cấp cao APEC Hà Nội năm 2006 và Đà Nẵng năm 2017 đều được đánh giá rất thành công, đạt những kết quả quan trọng, có ý nghĩa mang tính chiến lược đối với Diễn đàn APEC cũng như hợp tác, liên kết kinh tế tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Việt Nam là một trong những thành viên tích cực nhất trong đề xuất các sáng kiến và dự án, với hơn 150 dự án trên nhiều lĩnh vực. Việt Nam đã có nhiều đóng góp trong công tác điều hành hoạt động của APEC thông qua đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng khác nhau.
Hoạt động đối ngoại của Việt Nam thời gian gần đây đã và đang để lại những dấu ấn nổi bật, được thế giới ghi nhận. Đối với riêng Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, trước khi đến với APEC, đồng chí đã có rất nhiều các cuộc tiếp xúc, gặp mặt với các Tổng thống, Thủ tướng và lãnh đạo nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới.
Tại San Francisco lần này, Chủ tịch nước dành nhiều thời gian để liên tục tiến hành các cuộc gặp song phương. Khách sạn nơi Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam ở tại San Francisco luôn tấp nập và sôi động từ sáng đến tối bởi lịch làm việc không ngừng nghỉ của Chủ tịch nước và các thành viên chủ chốt của Đoàn.
Tại các cuộc tiếp xúc, Chủ tịch nước và lãnh đạo các nền kinh tế đã đi thẳng vào những vấn đề cùng quan tâm. Trong đó, đặc biệt đề cập những hành động cụ thể để sớm thúc đẩy hợp tác, phát triển trên tất cả các lĩnh vực mà Việt Nam có nhu cầu và các nền kinh tế có thế mạnh.
Đến với APEC lần này, những kết quả đổi mới, nỗ lực vượt qua khó khăn của Việt Nam được đông đảo bạn bè quốc tế, lãnh đạo các nền kinh tế rất quan tâm.
Đáp ứng nhu cầu này, nói chuyện với các chuyên gia, các nhà nghiên cứu tại Hội đồng quan hệ đối ngoại của Hoa Kỳ, Chủ tịch nước thông tin: Qua gần 40 năm Đổi mới, vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử.
Kinh tế phát triển nhanh; hiện là nền kinh tế lớn thứ 11 ở châu Á, một trong 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới, nằm trong nhóm 30 nước, vùng lãnh thổ có thương mại quốc tế lớn, thuộc nhóm 3 nước thu hút đầu tư nước ngoài lớn nhất trong ASEAN trong gần 10 năm qua, là thành viên của 16 hiệp định thương mại tự do.
Việt Nam đã trở thành một phần trong chuỗi cung ứng và sản xuất toàn cầu. Tỷ lệ hộ nghèo giảm theo chuẩn của Liên hợp quốc, từ hơn 50% (năm 1986) xuống còn 4,3% (năm 2022). Trong quá trình đổi mới, nhân dân được đặt ở vị trí trung tâm, là cội nguồn sức mạnh, vừa là chủ thể, vừa là mục tiêu của quá trình phát triển.
Để hiện thực hóa khát vọng Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào giữa thế kỷ này, Việt Nam tập trung phát triển nhanh và bền vững, trên cơ sở ứng dụng khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo, đồng thời phát triển văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường; xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng.
Trong quá trình ấy, người dân với tất cả quyền con người, quyền công dân là trung tâm của các chính sách và hoạch định tương lai. Hướng tới tương lai với niềm tin vững chắc nhưng Chủ tịch nước cũng thẳng thắn nhìn nhận thực trạng của đất nước. Ông nói: Chúng tôi cũng nhận thức sâu sắc là còn nhiều khó khăn, hạn chế cần khắc phục và phải nỗ lực nhiều hơn nữa.
Chú trọng thúc đẩy quan hệ, hợp tác sâu sắc Việt Nam-Hoa Kỳ
Quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ thời gian qua tiếp tục đà phát triển tích cực. Hai bên đẩy mạnh tiếp xúc và trao đổi đoàn cấp cao.
Đặc biệt, trong hai ngày 10-11/9/2023, Tổng thống Biden đã có chuyến thăm Việt Nam, hai bên đã xác lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện.
Trong các trao đổi, phía Hoa Kỳ nhất quán khẳng định cam kết ủng hộ một Việt Nam “mạnh, độc lập và thịnh vượng”; tiếp tục đánh giá cao vai trò của Việt Nam và coi trọng quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ; bày tỏ mong muốn tiếp tục thúc đẩy quan hệ phát triển trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thể chế chính trị của nhau.
Trong bài phát biểu tại Đại Hội đồng Liên hợp quốc tháng 9/2023, Tổng thống Biden đã ca ngợi quan hệ hai nước và cho rằng đây là quan hệ hình mẫu. Phía Hoa Kỳ tiếp tục đánh giá cao vị trí và vai trò của Việt Nam trong ASEAN, tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, cũng như tại các diễn đàn quốc tế như Liên hợp quốc và trong ứng phó các thách thức chung toàn cầu.
Trong chuyến công tác tới Hoa Kỳ lần này, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã có các cuộc gặp mặt, trò chuyện thân tình, cởi mở như những người bạn thân lâu năm với các doanh nghiệp và lãnh đạo các bang của Hoa Kỳ.
Trong đó, đáng chú ý, Chủ tịch nước đã gặp CEO Tập đoàn Apple Timothy Donald Cook, Chủ tịch Tập đoàn Boeing toàn cầu Brendan Neilson, Thống đốc Bang California Garvin Newsom, Phó Thị trưởng Los Angeles Erin Bromaghim…
Qua các buổi gặp mặt, một trong những ấn tượng sâu sắc nhất là việc các chính khách, doanh nghiệp lớn của Hoa Kỳ luôn thể hiện những tình cảm thân thiết và mong muốn gắn bó với Việt Nam. Với họ, đất nước hình chữ S là một điểm đến lý tưởng, chứa đựng những cảm hứng, những khát khao…
Tại các Hội nghị, chương trình gặp mặt khác, các doanh nghiệp lớn của Hoa Kỳ tiếp tục quan tâm, tìm hiểu và lên kế hoạch đầu tư lâu dài tại thị trường Việt Nam, bày tỏ mong muốn thúc đẩy hợp tác với các đối tác Việt Nam trong những lĩnh vực Việt Nam quan tâm, bao gồm phát triển cơ sở hạ tầng, chuỗi cung ứng, chuyển đổi năng lượng và chuyển đổi số, đầu tư công nghệ cao và đổi mới sáng tạo.
Có thể khẳng định rằng, chưa bao giờ quan hệ giữa Việt Nam-Hoa Kỳ phát triển tốt đẹp như ngày nay; từ cựu thù trở thành Đối tác chiến lược toàn diện. Đây thật sự là hình mẫu trong lịch sử quan hệ quốc tế về hàn gắn và xây dựng quan hệ sau chiến tranh. Kết quả này là do sự nỗ lực cùng nhau vượt qua những thử thách, thăng trầm lịch sử của nhiều thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước.
Chuyến công tác của Chủ tịch nước và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam diễn ra với các hoạt động song phương tại Hoa Kỳ đã góp phần quan trọng triển khai các thỏa thuận hợp tác giữa lãnh đạo cấp cao hai nước, nhân chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Joe Biden và thúc đẩy sự hỗ trợ của Mỹ về giáo dục-đào tạo, khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo, tăng cường hợp tác giữa các địa phương, cũng như giao lưu nhân dân...
Chủ tịch nước tin tưởng vào triển vọng tươi sáng của quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ, bởi phù hợp lợi ích của nhân dân hai nước, đóng góp cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực và trên thế giới.