Cúng rừng, nét đẹp văn hóa vùng cao Yên Bái

Nằm trong vùng lõi của Khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu, xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên (Yên Bái) có diện tích tự nhiên hơn 5.640 ha, trong đó, rừng tự nhiên đặc dụng hơn 4.500 ha. Rừng Nà Hẩu như mái nhà chung của hơn 500 hộ người H’Mông với hơn 2.500 nhân khẩu. Dù cuộc sống còn khó khăn, nhưng mái nhà chung ấy bao đời nay đã được đồng bào H’Mông đồng lòng gìn giữ bằng cách riêng, bằng những luật tục truyền từ đời này sang đời khác, nay trở thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia-Tập quán xã hội và tín ngưỡng Lễ cúng rừng của người H’Mông xã Nà Hẩu.
0:00 / 0:00
0:00
Rước Lễ ra nơi cúng Thần rừng.
Rước Lễ ra nơi cúng Thần rừng.

Nghi lễ cúng rừng được thực hiện tại khu rừng có địa thế đẹp nhất của xã, nơi đây hội tụ đầy đủ linh khí của trời đất để thờ cúng Thần rừng và là nơi có cây cổ thụ lớn nhất bản mà dân làng gọi là khu rừng cấm, rừng thiêng. Tại Nà Hẩu, mỗi bản đều có một khu rừng cấm, nơi có rất nhiều loại cây to, hàng trăm năm tuổi.

Lễ cúng rừng mở đầu bằng phần rước lễ vật lên khu rừng cấm. Nghi thức rước lễ được thực hiện trong không khí trang nghiêm, mang ý nghĩa thiêng liêng với ngụ ý báo cáo với Thần rừng và đất trời chứng giám cho việc cộng đồng làng xã tổ chức Tết rừng. Hoạt động này đã phản ánh rõ nét các hình thức sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng dân gian của người H’Mông, thể hiện sâu sắc tính cộng đồng trong tín ngưỡng của cư dân nông nghiệp, đồng thời tạo sự phong phú, hấp dẫn của các hoạt động văn hóa dân gian trong Tết rừng.

Thầy cúng Giàng A Sềnh, xã Nà Hẩu cho biết: Lễ vật để dâng cúng Thần rừng gồm một cặp gà trống mái, một con lợn đen, kèm theo vàng, rượu, hương, giấy bản,… đến giờ lành, thầy cúng của bản kính cẩn dâng hương, gõ mõ bốn phương, tám hướng và khấn mời Thần rừng về hưởng lễ vật, phù hộ, che chở, ban lộc rừng cho người dân trong xã; cầu cho mưa thuận gió hòa, cây cối tốt tươi, mùa màng bội thu…

Đối với phần cúng sống, sau khi công tác chuẩn bị đã xong, thầy mo bắt đầu thổi một hồi tù và báo hiệu lễ cúng bắt đầu. Thầy mo vừa cúng vừa gõ mõ quay theo bốn hướng, từ đông sang tây, vừa gõ vừa khấn. Tiếp đó, thầy cúng bắt hai con gà sống, gà trống để bên phải, gà mái ở bên trái đầu quay vào bàn thờ. Theo quan niệm của đồng bào thì con gà trống thể hiện thờ thần nước, con gà mái thờ thần đất, thần cây. Sau lễ tế gà sống, thầy cúng gõ mõ để báo hiệu tiếp tục lễ tế lợn sống.

Kết thúc phần lễ hiến sinh, các phụ lễ mang gà và lợn làm thịt, sắp đồ lễ chín chuẩn bị cho phần cúng chín. Nghi lễ cúng chín mang ý nghĩa tiễn đưa Thần rừng sau khi chứng kiến tấm lòng thành của dân bản. Sau khi những lễ vật cúng tế đã chế biến xong, thầy cúng lại tiếp tục cúng chín. Trong nghi lễ cúng chín, mâm lễ vật gồm hai con gà đã luộc chín, thủ lợn luộc chín. Sau khi cúng xong, phụ lễ hạ các lễ vật, còn thầy mo đốt tiền mã rồi gõ ba hồi mõ và thổi ba hồi tù và báo hiệu lễ cúng rừng đã kết thúc, đồng thời tiễn đưa các vị thần linh.

Tại các điểm cúng rừng, thầy Mo và người dân trải lá cùng ngồi xuống để họp làng, đánh giá tình hình bảo vệ rừng năm qua và cùng thề giữ rừng. Sau khi thực hiện nghi thức thề giữ rừng, Trưởng bản và người dân bầu ra Tổ tự quản bảo vệ rừng năm mới của bản, đây là những người mạnh mẽ, am hiểu về cây rừng và hiểu tập quán của bà con trong vùng.

Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Văn Yên, Hà Trung Kiên cho biết: Bốn người này sẽ làm việc như cắm mốc các vị trí rừng để cấm rừng cũng như bảo vệ rừng trong thời gian tới. Ngoài ra, ở đây người H’Mông còn có nghi lễ ăn thề, tức là, đồng bào người H’Mông sẽ tổ chức cam kết bảo vệ rừng trong thời gian một năm. Sau đó, hết một năm chúng tôi sẽ tổ chức bình xét, bình chọn, biểu dương và bầu ra lực lượng tổ bảo vệ rừng mới để thực hiện tốt công tác bảo vệ rừng trong thời gian tiếp theo.

Tại điểm cúng rừng, người dân trong bản cùng nhau chơi các trò chơi dân gian và tổ chức ăn tết trên rừng. Kể từ ngày làm lễ cúng rừng, ba ngày sau, người dân nơi đây có tục kiêng lên rừng, kiêng hái lá, đào bới đất, không mang cây rau xanh từ rừng về nhà. Trong thời gian này, người dân phát hiện ra một ai đó vi phạm những điều cấm đã được cam kết, thì sẽ bị Tổ tự quản xử lý vi phạm. Tục phạt là người vi phạm phải nộp một con lợn, một đôi gà, mời một số thành phần trong thôn hoặc mời cả làng ăn cùng. Do đó, từ những ngày trước lễ, người dân đã chuẩn bị sẵn đầy đủ lương thực, thực phẩm để phục vụ cho ba ngày này.

Bí thư Đảng ủy xã Nà Hẩu Lý Tòn Cầu cho hay, ngày 10/12/2024, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch có Quyết định công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Tập quán xã hội và tín ngưỡng Lễ cúng rừng của người H’Mông xã Nà Hẩu. Lễ hội này không chỉ là nghi lễ độc đáo có ý nghĩa tâm linh cầu phúc, góp phần bảo tồn các giá trị vật chất, tinh thần trong cộng đồng các dân tộc mà còn thiết thực góp phần vào công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên rừng cũng như bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn sự đa dạng sinh học Khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu.

Đây là dịp quảng bá, tuyên truyền ý thức giữ rừng, phát triển sinh hoạt văn hóa cộng đồng của các dân tộc, từng bước thu hút khách du lịch đến tham quan hệ sinh thái rừng nguyên sinh, thưởng thức sản phẩm ẩm thực của người dân địa phương, tạo điều kiện phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái lâu dài bền vững.