Trong nắng thu vàng, trời trong xanh, Hà Nội đẹp và rực rỡ hơn khi khắp đường phố, khu dân cư trang hoàng cờ hoa rực rỡ. Không khí ấy khiến ông Nguyễn Văn Hạnh, 75 tuổi, sau khi tập thể dục buổi sáng quanh hồ Hoàn Kiếm ngồi lại ghế đá bên hồ lâu hơn. Ngắm các mô hình phục dựng những di tích, công trình tiêu biểu của Hà Nội, ông Hạnh bồi hồi.
“Tôi như trở lại với ký ức ngày xưa, nhớ tiếng tàu điện leng keng, nhớ một thời nghèo khó, bình dị nhưng rất đỗi tự hào”, ông nói. Gia đình ông Hạnh là người Hà Nội, sống ở phố Tạ Hiện. Ông cho biết, 70 năm qua, Thủ đô đã có nhiều đổi thay, nhưng nếp sống, văn hóa gia đình người Hà Nội và nhất là tình yêu của ông và những người trong gia đình ông với mảnh đất này vẫn nguyên vẹn. Dịp lễ lớn sắp đến, các thành viên trong gia đình ông ai cũng háo hức. Phụ nữ trong nhà đã sắm áo dài, đàn ông may vest. Mọi người dự định ngày 10/10 sẽ chụp ảnh ở hồ Hoàn Kiếm với hình ảnh tháp Rùa, phóng một bức ảnh thật to treo trong nhà làm kỷ niệm. Mẹ ông Hạnh năm nay 102 tuổi, chỉ ngồi xe lăn, nhưng chưa quên những ký ức tự hào khi các chiến sĩ tiến về tiếp quản Thủ đô 70 năm về trước. “Mẹ tôi dặn tôi đẩy xe cho bà ra ban công ngắm nhìn dòng người đổ về trung tâm trong dịp này”, ông Hạnh nói.
Ngày 6/10, Võ Minh Đức, 22 tuổi và bạn bè bắt xe khách từ Hà Nam về Quảng trường Ba Đình và hồ Hoàn Kiếm chơi khi biết Thủ đô tổ chức sự kiện Ngày hội Văn hóa vì hòa bình.
“Ngày vui của Hà Nội cũng là ngày vui của cả nước. Chúng tôi thấy rất đáng tiếc nếu không được hòa mình vào không khí sôi động này”, Đức nói.
Nhóm bạn trẻ hòa mình vào đám đông trên phố. Những bản nhạc về thu Hà Nội, những ca khúc ca ngợi chiến thắng của Thủ đô thi thoảng cất lên từ những cửa hàng, quán cà-phê khiến bước chân của họ háo hức hơn.
Đức đặc biệt thích những đoàn người trong trang phục áo dài truyền thống và các cô bé, cậu bé cầm cờ Tổ quốc, tung tăng theo bố mẹ dạo phố. Anh càng ngỡ ngàng khi ngắm các mô hình mô phỏng các công trình được dựng công phu trên phố Đinh Tiên Hoàng, nhất là mô hình chợ Đồng Xuân và cầu Long Biên.
“Những công trình tiêu biểu nhất của Thủ đô đều hội tụ về đây”, Đức nói.
Vốn là một nhiếp ảnh gia, Đức dạo khắp hồ Hoàn Kiếm, đề nghị chụp ảnh giúp mọi người, dù không quen biết. Anh muốn tất cả mọi người đều có được bức hình ưng ý, đẹp mắt trong dịp trọng đại này.
Đặt vé đi du lịch Việt Nam đúng dịp Hà Nội diễn ra ngày lễ lớn, anh John Frank, 47 tuổi, từ Đan Mạch, không khỏi ngạc nhiên khi được chứng kiến không khí lễ hội náo nhiệt và sôi động.
Nhờ ngắm các mô hình mô phỏng và tiếp xúc với người dân, anh có thêm nhiều kiến thức, ấn tượng về lịch sử hào hùng của Thủ đô nói riêng và đất nước Việt Nam nói chung.
“Khi đã biết về lịch sử của các bạn, tôi hiểu vì sao ngày Kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô người dân lại vui tươi đến vậy. Chúc mừng Hà Nội, chúc mừng Việt Nam!”, anh nói.
Chở Frank trên chiếc xích-lô mầu đỏ quanh hồ Hoàn Kiếm rợp cờ hoa, ông Nguyễn Văn Hồng, 55 tuổi thấy hào hứng hơn cùng du khách. Ông Hồng quê Nam Định, hơn 30 năm gắn bó với nơi đây.
Ông nói dù phố phường sôi động hơn, nhưng những di tích mang tính biểu tượng của Hà Nội như tháp Rùa, cầu Thê Húc, đền Ngọc Sơn, tháp Bút… được thành phố giữ gìn, tôn tạo tốt.
Chuyên chở khách du lịch tham quan Hà Nội, ông Hồng cho biết, khách nước ngoài đến Thủ đô ngày càng đông và từ nhiều quốc gia. Lời nhận xét mà ông Hồng nhận được nhiều nhất từ những vị khách du lịch là Hà Nội đẹp yên bình, rất an toàn với du khách.
“Điều đó làm tôi thấy càng vui và tự hào’’, ông nói, mắt hướng về lá cờ đang bay phấp phới trong gió thu.