Cùng hành động vì một Cộng đồng ASEAN đoàn kết, vững mạnh

Với phương châm "láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài", quan hệ Việt Nam-Campuchia không ngừng được củng cố và thu được nhiều thành tựu. Cùng với hợp tác song phương, sự phối hợp chặt chẽ giữa hai bên trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đóng góp tích cực vào sự phát triển phồn vinh của mỗi nước, đồng thời góp phần duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác trong khu vực và trên thế giới.
0:00 / 0:00
0:00
Việt Nam và Campuchia đóng góp tích cực tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Hàn Quốc. (Ảnh Bộ Ngoại giao)
Việt Nam và Campuchia đóng góp tích cực tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Hàn Quốc. (Ảnh Bộ Ngoại giao)

Trong những năm qua, quan hệ chính trị Việt Nam-Campuchia tiếp tục phát triển tốt đẹp. Hai bên duy trì thường xuyên các chuyến thăm, tiếp xúc và trao đổi đoàn cấp cao, các cấp. Các cơ chế hợp tác giữa hai bên được triển khai ngày càng hiệu quả và đi vào chiều sâu. Hợp tác trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng giữa hai nước được tăng cường.

Sau khi ký hai văn kiện pháp lý ghi nhận thành quả phân giới cắm mốc khoảng 84% đường biên giới trên đất liền, Việt Nam và Campuchia đang nỗ lực đàm phán giải quyết 16% còn lại nhằm xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển bền vững.

Hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước phát triển nhanh và đạt được nhiều kết quả tích cực. Kim ngạch thương mại song phương chín tháng đầu năm 2022 đạt 8,45 tỷ USD, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm 2021. Đứng đầu ASEAN và nằm trong nhóm năm nước có đầu tư trực tiếp lớn nhất tại Campuchia, Việt Nam hiện có 198 dự án đầu tư còn hiệu lực tại đất nước Chùa tháp, với tổng vốn đăng ký đạt 2,92 tỷ USD.

Các lĩnh vực hợp tác, như giáo dục-đào tạo, giao thông-vận tải, y tế, viễn thông... cũng được hai bên quan tâm, thúc đẩy. Trong khuôn khổ Năm hữu nghị Việt Nam-Campuchia, Campuchia-Việt Nam 2022, nhiều hoạt động giao lưu, kỷ niệm 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước diễn ra sôi nổi, góp phần giữ gìn và vun đắp mối quan hệ láng giềng, đoàn kết giữa hai dân tộc.

Những thành tựu hợp tác song phương góp phần tạo nền tảng vững chắc, giúp Việt Nam và Campuchia phối hợp chặt chẽ, hiệu quả hơn tại các diễn đàn quốc tế, khu vực và tiểu vùng. Trong đó, hợp tác trong ASEAN và các cơ chế do Hiệp hội dẫn dắt được hai bên đặc biệt chú trọng, nhất là khi Hiệp hội kỷ niệm 55 năm thành lập, cũng như Campuchia đảm nhiệm cương vị Chủ tịch ASEAN trong năm 2022.

Trải qua chặng đường 55 năm xây dựng và phát triển, "mái nhà chung" của 10 nước Đông Nam Á trở thành một tổ chức khu vực hợp tác toàn diện, với nhiều thành tựu đạt được trên cả ba trụ cột của Cộng đồng ASEAN. Trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, sự đoàn kết, thống nhất của ASEAN đóng vai trò quan trọng, giúp Hiệp hội bảo đảm những thành quả phát triển, cũng như ứng phó hiệu quả các thách thức ở cả bên trong lẫn bên ngoài.

Điều này được thể hiện rõ qua chủ đề "ASEAN Hành động: Cùng ứng phó các thách thức" mà Campuchia đưa ra trong năm nay. Theo Đại sứ Campuchia tại Việt Nam Chay Navuth (Chay Na-vút), trong năm nay, Campuchia cùng các nước thành viên, trong đó có Việt Nam, thúc đẩy hợp tác nhằm tiếp tục hiện thực hóa Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN năm 2025, đồng thời xúc tiến xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau năm 2025.

Việt Nam thể hiện sự ủng hộ và đánh giá cao những mục tiêu đề ra, cũng như những đóng góp của Campuchia trên cương vị Chủ tịch ASEAN năm 2022. Điều này nhiều lần được lãnh đạo cấp cao, các cấp Việt Nam khẳng định thông qua các chuyến thăm, tiếp xúc giữa hai bên thời gian qua. Dưới sự chủ trì của Campuchia, cũng như sự phối hợp của Việt Nam, các hoạt động của ASEAN trong năm nay sẽ thành công tốt đẹp, đóng góp tích cực vào nỗ lực xây dựng Cộng đồng ASEAN, đồng thời nâng cao vị thế, vai trò của Hiệp hội, cũng như mỗi nước tại khu vực và trên thế giới.

Là thành viên tích cực, có trách nhiệm của Hiệp hội, Việt Nam tiếp tục cùng Campuchia và các nước thành viên vượt qua những thách thức, đồng thời định hướng tầm nhìn phát triển của khu vực trong giai đoạn mới. Một Cộng đồng ASEAN đoàn kết, tự cường, vững mạnh và đóng vai trò trung tâm mang lại lợi ích thiết thực cho người dân của các nước thành viên, cũng như các đối tác ở trong và ngoài khu vực.