Giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước Về khoa học và công nghệ năm 2005

Cụm công trình về văn học trung đại và Ngô Thì Sĩ

Cụm công trình gồm: Những suy nghĩ từ văn học trung đại (497 trang, NXB KHXH, Hà Nội, 1999); Ngô Thì Sĩ - Tuyển tập thơ văn (241 trang, NXB  Hà Nội, 1987); Ngô Thì Sĩ - Những chặng đường thơ văn (277 trang, NXB KHXH, Hà Nội, 1992).  Những tư liệu được rút ra từ sách vở, chữ Hán, chữ nôm, hiện đang lưu giữ tại thư viện Hán nôm, Viện Sử học, Viện Thông tin Khoa học xã hội và các tài liệu thu được trong hơn 30 năm đi thực tế, từ văn khắc trên vách núi, cột cầu, trụ đá, bia đá, chuông đồng, khánh đá, hoành phi, câu đối, gia phả, thần phả...

Công trình Những suy nghĩ từ văn học trung đại tập trung vào bốn nhóm đề tài. Nhóm thứ nhất đã khắc họa được gương mặt một số nhà thơ, nhà văn như: Trần Nhân Tông, Ðặng Duy, Chu Văn An, Huyền Quang, Phạm Ðình Hổ,  Bà Huyện Thanh Quan, Nguyễn Bá Xuyến, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Quang Bích, Nguyễn Khuyến.

Tác giả đã thể hiện suy nghĩ của mình thông qua việc phân tích tâm hồn các nhà thơ nhà văn, gợi nên những nét đặc sắc trong cá tính, những tâm tư và nét riêng trong cốt cách văn chương của mỗi người.

Nhóm thứ hai, tác giả phân tích sâu vào một số vấn đề của văn học sử như vấn đề đấu tranh ngoại giao trong thơ sứ trình đời Trần; vấn đề kế thừa truyền thống thi ca chữ Hán đời Trần, thơ chữ Hán của Nguyễn Trãi; sự phát triển của thơ nôm; giá trị nhà văn của ngòi bút Nguyễn Gia Thiều ở hình tượng người cung nữ trong Cung oán ngâm khúc; hình tượng phóng khoáng của người phụ nữ trong thơ Ninh Tốn; vấn đề cảm quan Phật, Thiền, Ðạo, Nho đặt ra trong văn học Việt Nam từ quan điểm của Lê Thánh Tông, Ngọc Kiều, Ỷ Lan...

Nhóm thứ ba nêu một số vấn đề thuộc lĩnh vực  thể loại và lý luận văn học như vấn đề bút pháp ký sự, nghị luận qua một số tác phẩm của Ngô Thì Sĩ, Lê Quý  Ðôn; thể loại truyện truyền kỳ Việt Nam thế kỷ 18 qua tác phẩm của Vũ Trinh và Ðoàn Thị Ðiểm.

Nhóm thứ tư là khảo cứu văn bản về thơ văn Lý Trần và sách Thánh Tông di thảo, tác giả đã phát hiện và chỉnh lý một số nhầm lẫn về văn bản của văn học thời Lý Trần và những  gợi ý có giá trị khoa học và văn bản một tác phẩm vẫn đang được giới  nghiên cứu quan tâm.

  Công trình: Ngô Thì Sĩ -tuyển tập thơ văn và Ngô Thì Sĩ - những chặng đường thơ văn đã đánh giá và đặt lại vị trí của Ngô Thì Sĩ trong văn học thế kỷ 18, trên cơ sở khẳng định những đóng góp của ông ở các mặt: ông là nhà viết sử có thành tựu lớn thứ hai sau Lê Quý Ðôn, là người khởi xướng và duy nhất về thể loại phê bình lịch sử (viết bằng văn xuôi Ngô Thì Sĩ là tác gia thật sự mở đầu Ngô gia văn phái, một dòng văn lớn của Việt Nam thế kỷ 18: là một nhà văn viết về nông dân với ngòi bút chân thật và đề xuất nhiều ý kiến tiến bộ về nông dân và chính sự đương thời.

Cụm công trình của Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Thị Băng Thanh đã được tham khảo, sử dụng trong ngành văn học sử và giảng dạy văn học, như việc các tác gia Ngô Thì Sĩ, Huyền Quang, Nguyễn Bá Xuyến đã được đưa thành những chương riêng trong bộ lịch sử văn học đang triển khai của Viện Văn học.

Một số quan niệm về dòng văn và về thể loại đã được tiếp tục triển khai trong một vài luận án tiến sĩ. Những tác  phẩm của Ngô Thì Sĩ lần đầu được giới thiệu, sau đó được đưa vào Tổng tập Văn học Việt Nam và một số bộ sách khác.

Hội đồng Giải thưởng quốc gia đánh giá: hai công trình của Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Thị Băng Thanh có giá trị khoa học xuất sắc trong việc nghiên cứu các giá trị văn học truyền thống, tiêu biểu là thành tích nghiên cứu các tác giả, tác phẩm trong Ngô gia văn phái.

Qua một số tác gia và tác phẩm, tác giả cụm công trình đã đưa ra những phân tích, nhận xét sâu sắc về văn học trung đại và lần đầu nghiên cứu một cách toàn diện về Ngô Thì Sĩ.