Cục Hàng không Việt Nam nói gì về các sự cố máy bay?

NDO -

NDĐT – Liên quan sự cố cơ trưởng nghe nhầm huấn lệnh bay, khiến một máy bay khác buộc phải bay vòng và hạ cánh lần hai vừa xảy ra tại sân bay Vinh (Nghệ An) mới đây, Cục trưởng Hàng không Việt Nam (HKVN) Đinh Việt Thắng khẳng định, cơ quan chức năng đã đình chỉ tổ lái và chắc chắn tổ lái sẽ bị xử phạt hành chính.

Sân bay Tân Sơn Nhất nhiều thời điểm rơi vào tình trạng quá tải.
Sân bay Tân Sơn Nhất nhiều thời điểm rơi vào tình trạng quá tải.

Sẽ kết luận vụ việc khi làm rõ nguyên nhân

Tại buổi họp báo quý I của Bộ Giao thông vận tải (GTVT) chiều tối qua (28-3), Cục trưởng HKVN Đinh Việt Thắng đã trả lời báo chí về một số sự cố hàng không thời gian gần đây, trong đó có sự cố hy hữu tại sân bay Vinh ngày 26-3 vừa qua, máy bay Vietjet rơi lốp tại sân bay Buôn Ma Thuột, việc cấp phép máy bay Boeing 737, chậm hủy chuyến bay,...

Theo Cục trưởng HKVN Đinh Việt Thắng, sự cố tại sân bay Vinh xảy ra vào tối 26-3. Máy bay của hãng hàng không Vietjet nhận được huấn lệnh lăn bánh tới vị trí đường băng chờ cất cánh, chờ máy bay của Vietnam Airlines hạ cánh xong sẽ cất cánh.

Tuy nhiên, phi công đã nghe nhầm huấn lệnh, điều khiển máy bay vượt qua vạch dừng chờ, ảnh hưởng tới cự ly an toàn. Điều hành bay phát hiện được đã yêu cầu máy bay Vietnam Airlines bay vòng lên (thay vì hạ cánh) để máy bay Vietjet rời khỏi đường băng cất cánh mới tiếp cận, hạ cánh lần hai. Sự cố khiến máy bay Vietnam Airlines chậm khoảng 17 phút so kế hoạch lịch trình.

“Đến nay, tổ lái của Vietjet đã nhận khuyết điểm. Trước mắt, tổ lái bị đình chỉ để phục vụ công tác điều tra. Lái chính là phi công Mỹ, đã có kinh nghiệm hơn 10 nghìn giờ bay, lái phụ là phi công Anh có hơn 6.000 giờ bay. Theo nhận định, hai phi công đều có kinh nghiệm giờ bay cao, song để xảy ra sai sót này và họ đã thừa nhận. Chắc chắn hai phi công này sẽ bị xử phạt hành chính”, ông Thắng nhấn mạnh.

Trả lời về nguyên nhân sự cố máy bay Vietjet rơi hai lốp trước khi hạ cánh xuống sân bay Buôn Ma Thuột (hồi tháng 11-2018), ông Đinh Việt Thắng cho biết, Cục HKVN vẫn đang phối hợp cơ quan điều tra tai nạn hàng không Pháp (quốc gia đặt trụ sở của nhà sản xuất máy bay Airbus) để giải mã, tìm nguyên nhân.

Phía cơ quan điều tra tai nạn hàng không Pháp yêu cầu và Cục đã chuyển bổ sung một số bộ phận liên quan của máy bay gặp sự cố như ốc vít, lốp máy bay, để phía Pháp đánh giá toàn diện các vấn đề liên quan tới kết cấu, chế tạo. “Việc tìm nguyên nhân sự cố được thực hiện rất cẩn trọng, nên thời gian kéo dài. Khi phía Pháp có ý kiến chính thức, Cục HKVN sẽ sớm có kết luận vụ việc”, ông Thắng khẳng định.

Trả lời về các giải pháp giảm thiểu tình trạng chậm, hủy chuyến bay, Cục HKVN nhận định, nguyên nhân chậm, hủy chuyến hiện nay chủ yếu do vấn đề khai thác của các hãng hàng không. Theo thống kê, tỷ lệ chậm, hủy chuyến bay của Việt Nam hiện vào khoảng 15%, ở mức trung bình so nhiều nước trong khu vực và thế giới. Tuy nhiên, có một số chuyến bay bị chậm kéo dài, hoặc nhân viên hãng hàng không ứng xử với hành khách chưa chuyên nghiệp, gây ra bức xúc.

“Tới đây, Cục HKVN sẽ bổ sung thêm chế tài, nếu slot bay (giờ hạ, cất cánh) của hãng nào có tỷ lệ chậm, hủy chuyến cao, Cục sẽ thu hồi slot bay, đồng thời yêu cầu các hãng hàng không bổ sung thêm máy bay dự bị, để tăng khả năng điều động dự phòng”, ông Thắng nói.

Trong thời gian tới, Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) sẽ thành lập hai trung tâm điều hành sân bay để phối hợp điều, điều phối, nhằm giảm số chuyến bay chậm, hủy. Việc điều phối giờ hạ, cất cánh tại sân bay hiện do Hội đồng quản lý slot thực hiện, Cục trưởng HKVN làm Chủ tịch Hội đồng và thành viên là ACV, Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam, các hãng hàng không,… Việc điều phối slot thực hiện theo nguyên tắc chỉ cấp tối đa 85% năng lực, theo đúng khuyến cáo của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO).

Trước đó, vào ngày 13-3 vừa qua, Bộ GTVT đã quyết định thanh tra công tác quản lý năng lực khai thác và điều phối giờ hạ, cất cánh tại các cảng hàng không, sân bay đối với Cục HKVN và một số đơn vị có liên quan. Thời điểm thanh tra từ 1-1-2018 đến nay và các thời kỳ khác có liên quan.

Cẩn trọng cấp phép bay cho Boeing 737 MAX

Sau hai vụ tai nạn của dòng máy bay Boeing 737 MAX ở Indonesia và Ethiopia thời gian qua, Cục HKVN đã ra quyết định cấm toàn bộ máy bay Boeing 737 MAX bay trong vùng trời Việt Nam này trong vòng 5 tháng vừa qua. Cục quyết định tạm thời không cấp phép bay mới và đình chỉ hiệu lực phép bay đã cấp với các chuyến bay sử dụng máy bay Boeing 737 MAX trong vùng trời Việt Nam.

“Chỉ lệnh an toàn này có hiệu lực từ 10 giờ (tức 3 giờ UTC) ngày 13-3, cho đến khi có quyết định mới,” lãnh đạo Cục HKVN khẳng định.

Theo công bố của Cục HKVN, đến thời điểm này tại Việt Nam, chưa có hãng hàng không nào đưa vào khai thác loại máy bay Boeing 737 MAX, mới chỉ có Hãng hàng không Vietjet đặt mua 200 chiếc máy bay Boeing 737 MAX, dự kiến sẽ nhận chiếc đầu tiên vào tháng 10 năm nay nhưng Vietjet cũng chưa xin cấp phép bay loại này. Tuy nhiên, bất kỳ hãng nào dự định đưa máy bay loại này vào khai thác cũng buộc phải tạm dừng cho đến khi làm rõ nguyên nhân các vụ tai nạn. Đồng thời, nhà sản xuất máy bay Boeing phải có biện pháp hữu hiệu để bảo đảm an toàn cho dòng máy bay này, được Cục Hàng không Liên bang Mỹ, Cơ quan hàng không châu Âu cấp chứng chỉ.

Sau khi xảy ra một số vụ tai nạn liên quan dòng máy bay này, để đánh giá kỹ các vấn đề an toàn, Cục HKVN đã ra quyết định tạm dừng xem xét công nhận chứng chỉ loại với các hãng có máy bay này bay đến và đi qua không phận Việt Nam, yêu cầu các hãng phải đổi máy bay khác khi bay qua không phận nước ta.

Bên cạnh đó, Cục HKVN cũng tham khảo thêm quan điểm của các nhà chức trách uy tín các quốc gia như Canada, Nga, Trung Quốc,... về vấn đề cho bay lại loại tàu bay này. Cục HKVN sẽ theo dõi rất sát và nghiên cứu kỹ lưỡng vấn đề liên quan Boeing 737 MAX, báo cáo Bộ GTVT và Ủy ban An toàn giao thông quốc gia trước khi quyết định cho Boeing 737 MAX khai thác trở lại Việt Nam

Dư luận thời gian qua cũng đặc biệt chú ý việc đầu tư dự án nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất, có nhiều nhà đầu tư quan tâm dự án, cơ quan chức năng có nên tổ chức đấu thầu chọn nhà đầu tư, ràng buộc điều kiện để bảo đảm tiến độ theo yêu cầu? Theo Phó Vụ trưởng Kế hoạch Đầu tư (Bộ GTVT) Nguyễn Minh Phương, Bộ đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xây dựng nhà ga hành khách T3 sân bay Tân Sơn Nhất, trong đó đề xuất bốn phương án gồm: Giao cho ACV - đơn vị khai thác cảng làm chủ đầu tư thực hiện bằng nguồn vốn của doanh nghiệp; Sử dụng vốn ngân sách nhà nước; Thành lập tổ chức kinh tế để đầu tư; Đầu tư xây dựng theo hình thức đối tác công - tư (PPP).

Lãnh đạo Bộ GTVT cho rằng, để ACV đầu tư, quản lý, khai thác nhà ga hành khách T3 sẽ bảo đảm nguyên tắc mỗi cảng hàng không, sân bay có một nhà khai thác cảng hàng không, sân bay như quy định của ICAO.

Bộ GTVT đã phân tích cụ thể các ưu, nhược điểm của từng phương án liên quan khả năng bảo đảm tiến độ, năng lực đầu tư và đồng bộ trong quản lý khai thác. Từ những căn cứ trên, Bộ đề xuất chọn phương án giao ACV triển khai do đây là doanh nghiệp Nhà nước chiếm 95,4% vốn chủ sở hữu, đồng thời là doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận khai thác cảng nên việc giao đầu tư các dự án có hiệu quả tài chính để bảo toàn và phát triển vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

ACV cũng thể hiện được năng lực qua các công trình quan trọng được đơn vị đầu tư trong suốt thời gian qua. Đặc biệt, khi ACV đầu tư, quản lý, khai thác nhà ga hành khách T3 sẽ bảo đảm nguyên tắc mỗi cảng hàng không, sân bay có một nhà khai thác cảng hàng không, sân bay như quy định của ICAO.

“Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ thẩm định các đề xuất trên và Thủ tướng Chính phủ là người quyết định cuối cùng trong việc lựa chọn phương án nào, có giao ACV thực hiện nhà ga hành khách T3 hay không”, ông Phương cho hay.

Về vấn đề này, Thứ trưởng GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, thời gian qua, có nhiều nhà đầu tư tư nhân đầu tư vào hàng không, nhất là sự thành công tại dự án Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn (Quảng Ninh). Nếu nhà đầu tư thực hiện những dự án Cảng hàng không quốc tế mới như Vân Đồn rất thuận lợi, Bộ GTVT hoàn toàn ủng hộ.

Tuy nhiên, theo quan điểm của Bộ GTVT, hiện Chính phủ giao ACV quản lý, khai thác 21 cảng hàng không, cũng có thể có nhà đầu tư tư nhân đầu tư nhưng quản lý thì nhất định phải là ACV theo quy định của ICAO. “Đối với việc chỉ đầu tư vào nhà ga như T3 Tân Sơn Nhất, phải xem xét sự đồng bộ trong quản lý, khai thác phù hợp thông lệ quốc tế cũng như khuyến cáo của ICAO. Không thể tách ra nhiều nhà khai thác trong một cảng hàng không”, ông Đông nói.

Theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi do ACV lập, nhà ga T3 Tân Sơn Nhất có công suất 20 triệu hành khách/năm, diện tích sàn 100 nghìn m2, mở rộng sân đỗ trên diện tích 4.650 m2. Khái toán tổng mức đầu tư khoảng 11.430 tỷ đồng, thời gian xây dựng 43 tháng. Năm 2018, nhà ga quốc nội đã khai thác 23,4 triệu hành khách (vượt 1,56 lần công suất thiết kế), nhà ga quốc tế khai thác 14,8 triệu hành khách (vượt 1,14 lần công suất thiết kế), chất lượng dịch vụ còn yếu.