Cuba thúc đẩy phục hồi kinh tế sau đại dịch

Giống như nhiều quốc gia trên thế giới, Cuba hiện đang từng bước hồi phục các hoạt động kinh tế sau đại dịch. Dù còn nhiều thách thức, nhưng người dân đảo quốc Caribe hy vọng những biện pháp của chính phủ sẽ giúp thúc đẩy đà tăng trưởng kinh tế đất nước trong phần còn lại của năm 2022.
0:00 / 0:00
0:00
Một góc chợ tại thủ đô La Habana. (Ảnh GRANMA.CU)
Một góc chợ tại thủ đô La Habana. (Ảnh GRANMA.CU)

Trải qua nửa đầu năm 2022, Cuba phải đối mặt nhiều vấn đề khó khăn như dịch Covid-19, giá lương thực và nhiêu liệu toàn cầu tăng cao, cùng với đó là tác động tiêu cực của các biện pháp trừng phạt kinh tế lên “hòn đảo tự do”. Tuy vậy, nền kinh tế đảo quốc Caribe vẫn ghi nhận những chuyển biến và dấu hiệu phục hồi đầu tiên ở một số lĩnh vực sau hai năm suy thoái. Giá trị xuất khẩu của Cuba trong quý I tăng 38% so cùng kỳ năm 2021, trong đó phần lớn nhờ sự gia tăng giá trị thương mại trên thị trường quốc tế của một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực là nikel.

Các hoạt động kinh tế đang được dần nối lại ổn định hơn sau quãng thời gian dịch bệnh bùng phát, tuy nhiên nhiều chuyên gia lo ngại đà tăng trưởng kinh tế của Cuba có thể chững lại do những áp lực từ việc giá các mặt hàng nhập khẩu ngày càng đắt đỏ. Theo thống kê, Cuba hiện đã chi hơn 700 triệu USD để mua hàng hóa từ bên ngoài, cao hơn nhiều so nguồn thu từ xuất khẩu. Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế và Kế hoạch Cuba Alejandro Gil (A-lê-han-đơ-rô Hin) cho biết, Cuba vẫn sẽ giữ nguyên mức dự báo tăng trưởng kinh tế trong năm 2022 là 4%.

Các vấn đề về biến đổi khí hậu hay khủng hoảng lương thực và nhiên liệu toàn cầu hiện nay đặt ra thách thức lớn với Cuba. Những trận mưa lớn khởi đầu mùa bão lũ của khu vực Ðại Tây Dương trút xuống Cuba hồi tháng 6 vừa qua ảnh hưởng không nhỏ đến cơ sở hạ tầng, mùa màng cũng như mạng lưới điện quốc gia. Hơn 500 tấn thuốc lá sấy được sử dụng để sản xuất xì-gà bị hư hại nặng tại tỉnh Pinar del Rio, địa phương hàng đầu về mặt hàng xuất khẩu nổi tiếng này của Cuba. Cuộc khủng hoảng điện năng do nguồn điện sụt giảm cũng khiến các khu vực công của Cuba phải thực hiện chương trình tiết kiệm năng lượng.

Kể từ đầu năm 2022, Cuba thu hút hơn 550.000 khách du lịch quốc tế, phần lớn đến từ Canada. Tuy nhiên, con số này không đạt kỳ vọng mục tiêu đề ra đối với ngành du lịch, một trong những nguồn thu ngoại tệ chính của đảo quốc Caribe. Nhằm thúc đẩy du lịch, thời gian qua, Chính phủ Cuba đang cho xây dựng thêm các cơ sở khách sạn, trong đó mới nhất là khách sạn 4 sao Grand Aston La Habana vừa mở cửa tại thủ đô La Habana. Bên cạnh đó, Cuba vẫn duy trì các đoàn y tế làm việc ở nước ngoài, đồng thời tập trung đầu tư, nghiên cứu trong ngành công nghiệp dược phẩm sinh học để tạo thêm thu nhập cho nền kinh tế.

Với mong muốn tăng tốc cải cách để hiện đại hóa và mở rộng các thành phần kinh tế, Chính phủ Cuba quyết định mở rộng thành phần kinh tế tư nhân, ngoại trừ các lĩnh vực y tế, viễn thông, năng lượng, quốc phòng và báo chí. Tính từ tháng 9/2021 đến đầu tháng 7 vừa qua, Cuba đã phê duyệt cho hơn 4.200 đơn vị tư nhân. Bộ Kinh tế và Kế hoạch Cuba ước tính, các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa này sẽ tạo ra thêm hơn 70.000 việc làm trong nền kinh tế.

Tại đặc khu phát triển Mariel, 62 doanh nghiệp đã được cấp phép đầu tư với tổng số vốn đăng ký hơn 3 tỷ USD. Lãnh đạo đặc khu cho biết, 56 dự án trong số này đã thật sự đi vào hoạt động, giúp tạo ra hơn 15.000 việc làm. Ðặc khu phát triển Mariel được đánh giá là khu vực kinh tế chiến lược của Cuba, đồng thời là cầu nối giúp các nhà đầu tư nước ngoài tiếp cận thị trường khu vực Mỹ Latin và Caribe. Ðặc khu hiện thu hút nhiều doanh nghiệp đến từ 21 quốc gia, nổi bật trong số này là Mexico, Tây Ban Nha, Brazil, Bỉ, Hà Lan, Italia và Việt Nam.