Cuba nỗ lực giải bài toán lương thực

Sản xuất lương thực tiếp tục là ưu tiên của Cuba, trong bối cảnh quốc đảo Caribe quyết tâm bảo đảm giỏ hàng hóa cơ bản của các hộ gia đình. Thông qua nhiều chính sách mới, Chính phủ Cuba kỳ vọng sản xuất lương thực được thúc đẩy mạnh mẽ, đáp ứng nhu cầu của người dân và đóng góp vào sự phát triển của đất nước.
0:00 / 0:00
0:00
Các chuyên gia thảo luận với nông dân Cuba về giải pháp nông nghiệp.
Các chuyên gia thảo luận với nông dân Cuba về giải pháp nông nghiệp.

Cuba vừa công bố Kế hoạch kinh tế năm 2025, trong đó nhấn mạnh ưu tiên tăng trưởng trong các lĩnh vực nông nghiệp chính. Mục tiêu được đưa ra trong bối cảnh dự kiến sản lượng nông nghiệp dù vượt năm 2024, song được cảnh báo vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu trong nước.

Theo Bộ Kinh tế và Kế hoạch Cuba, nông nghiệp Cuba vẫn phải đối diện nhiều thách thức, xuất phát từ những hạn chế khách quan về nguyên liệu đầu vào, nhiên liệu, hay năng suất thấp, thiếu năng lượng, cùng nhiều vấn đề mang tính chủ quan khác.

Ðặc biệt, chính sách bao vây, cấm vận của Mỹ, cũng như tác động kéo dài của đại dịch Covid-19 và thiên tai cũng tác động nghiêm trọng đến các mối quan hệ thương mại và tài chính của Cuba.

Theo tuyên bố mới đây của một nhóm chuyên gia thuộc Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, các biện pháp bao vây cấm vận của Mỹ đã gây thiệt hại cho Cuba hơn 164 tỷ USD, tác động đáng lo ngại đến an ninh lương thực, gây ra tình trạng lạm phát, giá lương thực tăng, sản xuất nông nghiệp giảm và hạn chế nhập khẩu máy móc nông nghiệp, phụ tùng, phân bón và các nguyên liệu đầu vào khác.

Năm 2024 vừa qua được đánh giá là một trong những năm khó khăn của Cuba, khi phải đối mặt cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng nhất kể từ khi Cách mạng Cuba thành công năm 1959. Từ giữa năm 2024, Cuba nhấn mạnh sự cần thiết gia tăng sản xuất để cung cấp sản phẩm với giá cả phải chăng cho người dân, cũng như giảm nhập khẩu, tăng sản lượng lương thực để đáp ứng nhu cầu về gạo và các sản phẩm cơ bản khác.

Ngoài ra, Cuba cũng xem xét nhiều giải pháp nhằm giải phóng lực lượng sản xuất thông qua trao quyền tự chủ lớn hơn đối với các doanh nghiệp nhà nước hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp…

Cuba mới đây tuyên bố các ưu tiên trong Kế hoạch kinh tế năm 2025, trong bối cảnh đất nước được đánh giá đang ở thời điểm "phức tạp nhất" liên quan những khó khăn và hạn chế cản trở các nỗ lực bảo đảm tính ổn định cho giỏ hàng hóa gia đình.

Chính phủ Cuba đã và đang xây dựng các chiến lược địa phương, nhằm thu hút và thúc đẩy không chỉ các nhà sản xuất thông thường, mà còn cả các chuỗi sản xuất, tăng cường mối liên kết với học viện, ứng dụng khoa học và đổi mới để tăng sản lượng nông nghiệp.

Nhằm thúc đẩy sản xuất và quản lý nông nghiệp hiệu quả, Quốc hội Chính quyền nhân dân Cuba đã thông qua Luật Chủ quyền lương thực và an ninh lương thực và dinh dưỡng. Luật Ngân sách năm 2025 cũng có nhiều điều chỉnh trong chế độ thuế, áp dụng thuế đối với đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp nhàn rỗi tại các địa phương trong cả nước.

Chính phủ Cuba cũng xem xét áp thuế đối với việc mua nguyên liệu thô và hàng hóa trung gian, đồng thời duy trì tăng thuế nhập khẩu rượu rum, bia, thuốc lá và xì gà để bảo vệ ngành công nghiệp quốc gia.

Nhấn mạnh sự cần thiết thúc đẩy phát triển kinh tế, Cuba quyết tâm bảo đảm sản xuất lương thực nhằm đáp ứng nhu cầu trong nước và đóng góp vào sự phát triển của quốc gia.

Trong cuộc đấu tranh không mệt mỏi của quốc đảo Caribe chống lại các lệnh bao vây cấm vận, Cuba cũng nhận được sự ủng hộ của nhiều quốc gia, đối tác, tổ chức, kêu gọi chính phủ Mỹ đưa Cuba ra khỏi danh sách "các quốc gia bảo trợ cho khủng bố" và chấm dứt mọi biện pháp đơn phương gồm cả bao vây cấm vận kinh tế, thương mại và tài chính chống Cuba.