
Trải rộng trên hơn một nửa diện tích khuôn viên Trung tâm Thương mại thế giới (hơn 6 ha) tại thành phố New York (Mỹ), Đài tưởng niệm và Bảo tàng 11/9 kể lại câu chuyện về nỗi đau mất mát, sự phục hồi và niềm hy vọng sau vụ đánh bom Trung tâm Thương mại thế giới năm 1993 và đặc biệt là loạt vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001. (Ảnh: Jin S. Lee/911memorial.org)

Theo 911groundzero.com, kế hoạch xây dựng khu tưởng niệm đã được "thai nghén" từ rất sớm, ngay sau sự kiện 11/9. Năm 2003, Tập đoàn Phát triển Lower Manhattan, một cơ quan của chính quyền với mục tiêu duy nhất là xây lại Trung tâm Thương mại thế giới, đã tổ chức cuộc thi thiết kế quy mô quốc tế. Ban tổ chức đã nhận được hơn 5.000 bài dự thi được gửi từ 63 quốc gia trên thế giới. Trong đó, thiết kế của hai kiến trúc sư Michael Arad và Peter Walker đã được lựa chọn. Khu tưởng niệm chính thức mở cửa đón công chúng vào ngày 11/9/2011. (Ảnh: Jin S. Lee/911memorial.org)



Trên thành hồ có khắc tên của 2.977 nạn nhân trong loạt vụ khủng bố ngày 11/9/2001 và 6 nạn nhân của vụ đánh bom tại tòa tháp Bắc (Trung tâm Thương mại thế giới) năm 1993. (Ảnh: Jin S. Lee/911memorial.org)

Tên của các nạn nhân không xếp theo thứ tự bảng chữ cái mà theo quan hệ của họ. Điều đó có nghĩa là những nạn nhân là bạn bè, đồng nghiệp, người thân... của nhau sẽ luôn được ở bên nhau. (Ảnh: Jin S. Lee/911memorial.org)

Hàng nghìn cây xanh được trồng trong khu tưởng niệm, mang đến một không gian bình yên kỳ lạ. Tại đây có một nhân chứng đặc biệt trong vụ khủng bố 11/9, đó là cây lê Caller. Cây này đã được đưa ra khỏi Khu vực số 0, tháng 10/2001, sau đó được đặt tên là "cây sống sót". (Ảnh: Jin S. Lee/911memorial.org)


Đài tưởng niệm và Bảo tàng 11/9 tổ chức nhiều sự kiện và chương trình phục vụ các đối tượng khác nhau, theo cả hình thức trực tiếp và trực tuyến. (Ảnh: Jin S. Lee/911memorial.org)


Xe cứu hỏa tham gia ứng phó vụ khủng bố 11/9 được trưng bày tại Bảo tàng 11/9. (Ảnh: Dan Winters/911memorial.org)
