Trong các cuộc gặp, hai bên đã tập trung xem xét tiến độ của các dự án chung giữa hai nước về năng lượng, công nghiệp và tài chính, chủ yếu được khởi động sau chuyến thăm của Tổng thống Pu-tin tới Cu-ba hồi năm 2014. Đồng chí M.Ca-nên cũng thông báo với các nhà lãnh đạo Nga về kết quả Đại hội VII Đảng Cộng sản Cu-ba vừa diễn ra trong tháng 4 vừa qua.
* Ngày 30-5, tại La Ha-ba-na, Bộ trưởng Ngoại giao Cu-ba B.Rô-đri-ghết hội đàm với người đồng cấp Bỉ Đ.Rây-đơ, đang ở thăm Cu-ba. Tại cuộc hội đàm, hai bên nhất trí tăng cường hợp tác kinh tế và chính trị song phương. Bộ trưởng B.Rô-đri-ghết cảm ơn sự đóng góp của Bỉ đối với việc tái thiết lập quan hệ giữa Liên hiệp châu Âu (EU) và Cu-ba sau hai thập niên bị “đóng băng”. Về phần mình, Bộ trưởng Ngoại giao Bỉ Đ.Rây-đơ, đồng thời là Phó Thủ tướng Bỉ hối thúc Mỹ dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận kinh tế và tài chính chống La Ha-ba-na, cho rằng lệnh cấm vận này cũng ảnh hưởng đến các quốc gia khác. Ông khẳng định, Bỉ sẵn sàng làm cầu nối thúc đẩy mối quan hệ giữa Cu-ba và EU.
Pháp: Nguy cơ bất ổn xã hội
Theo Roi-tơ và TTXVN, chỉ còn chưa đầy hai tuần trước thềm Vòng chung kết Giải vô địch bóng đá châu Âu (EURO 2016), các nghiệp đoàn ở Pháp vẫn không thay đổi quan điểm cần hủy bỏ dự luật cải cách lao động mới, đồng thời cảnh báo sẽ tiếp tục tiến hành các cuộc đình công. Hiện, làn sóng đình công trong ngành đường sắt và hàng không của Pháp có nguy cơ gây bất ổn cho quốc gia này. Hãng Roi-tơ dẫn lời các nhà quản lý trong ngành du lịch ở thủ đô Pa-ri (Pháp) cho biết, các cuộc bãi công và tuần hành thường xuyên đang làm cản trở du khách đến một trong những điểm du lịch hàng đầu thế giới này.
* Trong khi đó, Bỉ đang đối mặt sự tê liệt ngày càng gia tăng của hệ thống giao thông và các cơ quan nhà nước sau khi nhân viên các trường học, sân bay, Văn phòng Chính phủ… nhận được lời kêu gọi tham gia các cuộc đình công của Nghiệp đoàn công nhân đường sắt (CGSP). Theo đó, nghiệp đoàn này kêu gọi nhân viên ngành dịch vụ công ngừng làm việc trong 24 giờ, bắt đầu từ ngày 31-5, để phản đối các biện pháp khắc khổ của Chính phủ, trong đó có việc tăng tuổi về hưu.
Đức: Tỷ lệ ủng hộ liên minh cầm quyền giảm
Theo tin nước ngoài, kết quả thăm dò của tờ Bild (Đức) công bố ngày 31-5 cho biết, tỷ lệ người Đức được hỏi ủng hộ một Chính phủ liên minh cầm quyền giữa Liên minh Dân chủ/Xã hội cơ đốc giáo (CDU/CSU) và đảng Dân chủ Xã hội (SPD) lần đầu giảm xuống dưới 50%. Cụ thể, có 30% số cử tri ủng hộ liên đảng bảo thủ CDU/CSU và 19% ủng hộ đảng trung tả SPD. Theo báo chí Đức, tỷ lệ ủng hộ hai chính đảng lớn là CDU và SPD sụt giảm là do liên quan cuộc khủng hoảng người tị nạn hiện nay cũng như những bất đồng giữa hai bên trong một số vấn đề, trong đó có việc SPD phản đối Thủ tướng Đức A.Méc-ken quá vội vàng trong việc đàm phán Hiệp định Đối tác thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP).
Xô-ma-li-a: Dịch tả bùng phát
Theo Tân Hoa xã, ngày 30-5, Liên hợp quốc (LHQ) đã quyết định hỗ trợ khẩn cấp hai triệu USD để tiến hành phòng chống dịch tả bùng phát mạnh ở Xô-ma-li-a. Theo Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của LHQ (OCHA), hiện ở khu vực miền nam và miền trung Xô-ma-li-a có khoảng 12.000 trường hợp bị nhiễm tả, trong đó có nhiều phụ nữ và trẻ em. Đến nay, đã có 300 trường hợp tử vong và hơn 40% là ở trẻ em dưới năm tuổi. Môi trường tại nhiều địa phương ở Xô-ma-li-a hiện bị ô nhiễm nghiêm trọng. Trong ba tháng đầu năm nay, ở Xô-ma-li-a có 7.000 trường hợp mắc bệnh tả, nhưng hiện đã có thêm 5.257 người bệnh mới và dự kiến số người nhiễm có thể lên tới 60.000 vào những tháng tới.
* Trước đó, OCHA đã hỗ trợ 600.000 USD từ Quỹ nhân đạo Xô-ma-li-a (SHF) để ứng phó dịch tả ở tỉnh Kít-xmây-ô, một ổ dịch lớn ở nước này. Đến nay, hơn 50.000 dụng cụ vệ sinh đã được phân phối đến các khu vực bị ảnh hưởng, trong đó có 17.000 dụng cụ vệ sinh được phân phối cho khu vực miền nam và miền trung đang bị ảnh hưởng nặng nề nhất.