Theo Bộ Y tế, sau khi thực hiện nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội, trong tuần qua, số ca mắc mới trong cộng đồng đã có dấu hiệu tăng trở lại. Sau khi giảm xuống dưới mốc 4.000 ca nhiễm/ngày vào trung tuần tháng 10, đến đầu tháng 11, số ca nhiễm tăng mạnh trở lại trên 5.000, và lên mốc hơn 7.000 ca vào ngày 3/11.
Số ca nhiễm tăng cao tại các tỉnh Tây Nam Bộ như: Bạc Liêu, An Giang, Tiền Giang, Trà Vinh, Kiên Giang. Đặc biệt, dịch cũng diễn biến phức tạp tại các địa phương có người về từ những tỉnh, thành phố bùng phát dịch trong thời gian qua như thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương hay Đồng Nai...
Đồng Nai là địa phương có số ca tăng đột biến vào ngày 3/11 với hơn 900 ca nhiễm mới. Trước đó cả tháng, địa phương này trung bình ghi nhận quanh mốc 400-500 ca/ngày. Các ổ dịch cộng đồng phần lớn liên quan đến các doanh nghiệp sản xuất, người về từ vùng có dịch, tạo thành các ổ dịch lây nhiễm thứ phát trong cộng đồng.
Trong vòng 7 ngày qua, tỉnh Kiên Giang ghi nhận 1.975 ca mắc mới, tăng đến 1.385 ca so với tuần trước. Tính bình quân mỗi ngày, Kiên Giang có 282 ca mắc mới, cao nhất từ trước đến nay. Đặc biệt, số ca mắc phát hiện trong cộng đồng tuần qua lên đến 337 ca, tăng so tuần trước đến 279 ca và chiếm hơn 17% trong tổng số ca mắc.
Hôm qua, tỉnh Ninh Thuận cũng công bố bổ sung thêm gần 1.000 ca nhiễm mới, là con số kỷ lục tại địa phương này khi trong suốt đợt dịch thứ tư, ngày cao điểm nhất tại địa phương này cũng chỉ ghi nhận 89 ca, chưa từng lên tới ba con số.
Tỉnh An Giang cũng phát hiện số ca nhiễm cao nhất từ trước đến nay với trung bình quanh mốc 300 ca nhiễm/ngày kể từ cuối tháng 10 tới nay, cao nhất là ngày 31/10 với 342 ca.
Số ca Covid-19 tăng mạnh tại đồng bằng sông Cửu Long thời gian qua được nhận định chủ yếu do một lượng người rất lớn từ Đông Nam Bộ về các tỉnh, thành phố trong khu vực một cách tự phát, dẫn tới công tác cách ly, sàng lọc, xét nghiệm nhiều lúc bị quá tải và lây nhiễm chéo trong khu cách ly.
Tình hình cũng trở nên phức tạp tại các tỉnh phía bắc, trong đó Hà Nội cũng là điểm nóng khi số ca nhiễm cộng đồng tăng nhanh nhiều ngày qua. Ngày hôm qua, Hà Nội phát hiện 76 ca nhiễm mới (16 ca cộng đồng), là con số được ghi nhận cao nhất trong hơn 2 tháng qua.
Hai tâm dịch là Bắc Giang, Bắc Ninh đợt đầu làn sóng dịch thứ tư cũng có dấu hiệu tăng mạnh trở lại. Nhiều địa phương đã phải hoãn việc cho trẻ đến trường tại một số địa bàn. Nhiều tỉnh, thành phố cũng đã thay đổi công bố cấp độ dịch khi số ca nhiễm cộng đồng tăng nhanh.
Theo PGS, TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, có mấy điểm cần lưu ý về diễn biến đợt dịch tới đây. Một là, khi quyết định mở cửa, nới lỏng chính sách để sống chung an toàn với SARS-CoV-2, việc các F0 sẽ xuất hiện trong cộng đồng là điều tất yếu, nhất là nguy cơ lây lan khi dòng người từ vùng dịch trở về quê hương sau thời gian dài giãn cách.
Những người này hoàn toàn có thể đã nhiễm nCoV và lây cho gia đình, người chung quanh nếu không được quản lý tốt. Khi nới lỏng, nhiều người dân đã có tâm lý chủ quan, tập trung đông người, không thực hiện tốt 5K.
Thứ hai, virus SARS-CoV-2 sẽ phát triển lây lan nhanh trong thời tiết lạnh, ẩm, nhiệt độ thấp và điều này sẽ là mối nguy hiểm với thời tiết miền bắc đang bước vào mùa đông.
Bên cạnh đó, hiện nay tỷ lệ tiêm chủng vaccine tại Việt Nam còn thấp, nhất là tại các tỉnh Tây Nam Bộ, khu vực đồng bằng sông Cửu Long do nguồn vaccine cung ứng còn hạn chế. Đơn cử như tại tỉnh Bạc Liêu, tính đến ngày 1/11 mới tiêm được 524.000 mũi. Trong đó, tiêm mũi 1 là hơn 424.000 (đạt hơn 63%); mũi 2 hơn 100.000 (đạt 15,6%).
Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Quốc gia đề nghị Bộ Y tế khẩn trương phân bổ đủ vaccine cho các địa phương, đặc biệt là các địa phương có nguy cơ cao, rất cao; trong đó bảo đảm đủ vaccine, có phương án chi viện nhân lực để theo kịp tiến độ, kế hoạch tiêm vaccine nhanh nhất cho khu vực đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Bộ Y tế đề nghị các địa phương không được buông lỏng các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 đang thực hiện. Khi cả nước chuyển sang thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19, các địa phương cần phải tiếp tục kiên trì thực hiện nguyên tắc phòng, chống dịch từ những ngày đầu: “Ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch, điều trị sớm”.
Hệ thống giám sát y tế, dịch bệnh trong cộng đồng phải nâng cao hơn một mức so với trước đây. Người dân cần tiếp tục duy trì 5K, hạn chế việc tụ tập đông người trong nhà hay phòng kín, hạn chế tiếp xúc người từ vùng dịch về.
Theo PGS, TS Trần Đắc Phu, trước diễn biến phức tạp của dịch, số ca nhiễm cộng đồng tăng nhanh, các địa phương hiện nay cần phải đánh giá cấp độ dịch tới tận cấp xã, huyện thường xuyên để tránh tình trạng chỉ vì một số ổ dịch nhỏ ở các xã, huyện trên địa bàn mà đánh giá chung cả tỉnh, thành phố.
Việc phân cấp độ dịch của mỗi địa phương cũng cần dựa trên xét nghiệm đánh giá nguy cơ và giám sát dịch tễ để bảo đảm tính chính xác, nhất là với những tỉnh, thành phố xuất hiện nhiều ổ dịch trong cộng đồng thời gian qua. Từ đây, các địa phương mới có thể đưa ra biện pháp phòng dịch phù hợp, tương ứng kiểm soát dịch trên địa bàn căn cứ vào cấp độ dịch được công bố.