Covid-19 nằm trong tốp 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu

NDO -

Theo WHO, cùng với nhồi máu cơ tim, đột quỵ, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, nhiễm trùng đường hô hấp dưới,... Covid-19 hiện là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra tử vong trên thế giới.

Y tá và người bệnh Covid-19 cùng xem dàn nhạc Brasilia Philharmonic biểu diễn tại bệnh viện ở Brasilia, Brazil, ngày 20-5. (Ảnh: AP)
Y tá và người bệnh Covid-19 cùng xem dàn nhạc Brasilia Philharmonic biểu diễn tại bệnh viện ở Brasilia, Brazil, ngày 20-5. (Ảnh: AP)

Ngày 21-5 (giờ Việt Nam), Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã công bố báo cáo thường niên về Thống kê tình hình sức khỏe toàn cầu 2021

Tính đến thời điểm báo cáo này được công bố, thế giới đã chính thức xác nhận hơn 160 triệu ca mắc và 3,3 triệu ca tử vong do Covid-19. Song, WHO lưu ý, những số liệu này không phải là bức tranh đầy đủ do còn nhiều quốc gia chưa thể đánh giá và báo cáo chính xác số ca tử vong mà Covid-19 là nguyên nhân trực tiếp hoặc gián tiếp gây ra.   

Theo ước tính sơ bộ của WHO, trong năm 2020, tổng số ca tử vong mà Covid-19 là nguyên nhân trực tiếp hoặc gián tiếp gây ra lên tới ít nhất ba triệu, nhiều hơn 1,2 triệu ca so với thống kê chính thức.  

Tính tới ngày 1-5-2021, hơn 153 triệu người đã mắc Covid-19, trong đó có 3,2 triệu ca tử vong  liên quan đến Covid-19. 48% số ca tử vong được ghi nhận tại châu Mỹ và châu Âu chiếm 34%. 

Châu Mỹ và châu Âu là hai khu vực chịu ảnh hưởng nhiều nhất của đại dịch, với tổng số ca mắc chiếm hơn 3/4 số ca mắc trên toàn cầu. Tỷ lệ lây nhiễm tính trên 100.000 người tại châu Mỹ và châu Âu lần lượt là 5.999 người và 5.455 người. Trong 23,1 triệu ca bệnh được ghi nhận tại Đông - Nam Á, hơn 86% được phát hiện tại Ấn Độ.

Đến nay, số ca mắc Covid-19 dường như tập trung chủ yếu tại các quốc gia có thu nhập cao. Tính đến ngày 1-5, 20 nước có thu nhập cao chịu ảnh hưởng nhiều nhất của đại dịch chiếm gần một nửa (45%) số ca mắc trên toàn cầu trong khi các nước này chỉ chiếm 12,4% dân số thế giới. 

Covid-19 nằm trong tốp 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu -0
 Y tá chuẩn bị mũi tiêm vaccine của Moderna. (Ảnh: AP)

WHO cho rằng, trong bối cảnh đại dịch vẫn bùng phát, tiếp cận vaccine một cách công bằng trên quy mô toàn cầu, với trọng tâm là bảo vệ các nhóm ưu tiên (gồm nhân viên chăm sóc sức khỏe và những người gặp nhiều rủi ro nhất), là một trong những biện pháp quan trọng nhất để giảm nhẹ các tác động về kinh tế và y tế, qua đó sớm kiểm soát đại dịch. Hoạt động này được thúc đẩy nhằm ngăn chặn 375 tỷ USD "bốc hơi" khỏi nền kinh tế toàn cầu mỗi tháng. 

Hàng loạt loại vaccine ngừa Covid-19 đã được phát triển trong thời gian ngắn kỷ lục, tuy nhiên, thế giới vẫn đang đối mặt với thách thức nhanh chóng đẩy mạnh sản xuất vaccine để đáp ứng nhu cầu rất lớn.  

Để thúc đẩy sự phát triển, sản xuất, vận chuyển, và bảo đảm sự tiếp cận công bằng và bình đẳng đối với vaccine ngừa Covid-19, WHO đã phối hợp Liên minh vaccine toàn cầu GAVI và Liên minh đổi mới sáng tạo sẵn sàng cho dịch bệnh (CEPI) để cùng dẫn dắt sáng kiến COVAX. Tính đến ngày 1-5 vừa qua, thông qua cơ chế COVAX, gần 53 triệu liều vaccine đã được chuyển tới 121 quốc gia thành viên WHO. 

Cũng tính đến ngày 1-5, hơn một tỷ liều vaccine ngừa Covid-19 đã được phân phối trên toàn cầu, trong đó châu Mỹ chiếm 33%, châu Âu chiếm 23%, Tây Thái Bình Dương 22%. Số còn lại được phân bổ cho Đông - Nam Á, Đông Địa Trung Hải và châu Phi, lần lượt là 17%, 4% và 1%.

WHO khẳng định, một năm qua thế giới đã đạt được nhiều tiến bộ to lớn, song lưu ý cuộc đua với virus corona và các biến thể của nó vẫn đang diễn ra, và vẫn còn nhiều việc cần làm phía trước.

Nguy cơ làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ tư