Số liệu từ kết quả nghiên cứu cho thấy, Covid-19 là nguyên nhân chính hoặc góp phần gây ra 460.513 ca tử vong ở Mỹ vào năm ngoái, tăng gần 20% so với năm 2020.
Theo đó, các nhà nghiên cứu đã phân tích dữ liệu thu thập từ giấy chứng tử của những trường hợp tử vong tại nước này trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 12 năm ngoái.
Các chuyên gia phát hiện ra rằng, năm 2021, tỷ lệ tử vong tại Mỹ nhìn chung đã tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2003, với bệnh tim và ung thư lần lượt là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu và cao thứ hai ở nước này.
Báo cáo cho thấy tỷ lệ tử vong nói chung thấp nhất ở trẻ em từ 5 đến 14 tuổi và cao nhất ở những người từ 85 tuổi trở lên, một xu hướng tương tự như năm 2020. Số người chết cao nhất tập trung vào tháng 1 và tháng 9.
Trong đó, Covid-19 có liên quan đến trung bình 111,4 trên 100 nghìn ca tử vong ở Mỹ vào năm 2021, so với 93,2 trên 100 nghìn ca tử vong 1 năm trước đó. Tỷ lệ tử vong do Covid-19 thấp nhất ở nhóm tuổi từ 1 đến 4 và từ 5 đến 14 tuổi.
Trong khi đó, tỷ lệ tử vong do Covid-19 cao nhất ở những người 85 tuổi trở lên vào năm 2021, nhưng tỷ lệ này đã giảm so với năm 2020.
Số liệu cho thấy, năm ngoái, có 94.884 trường hợp tử vong liên quan đến Covid-19 ở những người từ 85 tuổi trở lên, so với 122.707 ca của 1 năm trước đó.
Tình hình dịch bệnh Covid-19 đã cho thấy những tín hiệu tích cực trong những tháng gần đây tại Mỹ, dù nước này vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong đại dịch, với trên 82,6 triệu ca mắc và trên 1 triệu ca tử vong.
Do tình hình dịch bệnh lắng dịu, hầu hết các bang và khu vực tại Mỹ đã nới lỏng các yêu cầu về bắt buộc đeo khẩu trang và tiêm ngừa Covid-19.
Tuy nhiên, theo kết quả khảo sát chung công bố ngày 22/4 bởi Hãng tin Reuters và Công ty nghiên cứu thị trường Ipsos, hầu hết người Mỹ ủng hộ 1 cách tiếp cận linh hoạt đối với đại dịch Covid-19, với việc ủng hộ chính quyền các thành phố có thể áp dụng trở lại yêu cầu bắt buộc đeo khẩu trang khi số ca bệnh tăng cao.
Theo đó, 64% người trưởng thành tham gia khảo sát cho biết, các thành phố và tiểu bang nên áp dụng quy định bắt buộc đeo khẩu trang ở không gian kín nơi công cộng, nếu các khu vực đó có sự gia tăng về số ca mắc Covid-19.
65% số người được hỏi ủng hộ các yêu cầu về đeo khẩu trang trên máy bay, tàu hỏa và phương tiện giao thông công cộng.
Đồng thời, hơn một nửa số người được hỏi trong cuộc thăm dò cho biết, họ nhiều khả năng sẽ ủng hộ các quyết định tiếp tục các biện pháp phòng dịch, bao gồm cả yêu cầu đeo khẩu trang.
44% số người được hỏi cho rằng nước Mỹ cần trở lại cuộc sống bình thường, với các hạn chế được dỡ bỏ, tăng so với 36% trong 1 cuộc thăm dò khác công bố hồi đầu tháng 2.
Đa số những người tham gia cuộc thăm dò ý kiến cho biết, ở thời điểm này trong đại dịch, đã đến lúc các quyết định đeo khẩu trang hoặc tiêm chủng nên được quy về lựa chọn của các cá nhân, thay vì chính phủ đề ra quy định.
Trong khi đó, kể từ khi đại dịch bùng phát, nước láng giềng Canada lần đầu tiên đón hơn 1 triệu khách du lịch tới nước này chỉ trong 1 tuần, theo số liệu công bố bởi Chính phủ Canada ngày 22/4.
Theo đó, khi Canada bước vào mùa du lịch hè cao điểm, ngành du lịch nước này được kỳ vọng sẽ tăng tốc phục hồi ngay trong tuần đầu tiên của tháng 4, theo sau việc nới lỏng các hạn chế biên giới để phòng dịch đã khuyến khích du khách trở lại quốc gia này.
Ngay sau khi Ottawa dỡ bỏ yêu cầu xét nghiệm Covid-19 đối với những hành khách đã tiêm phòng Covid-19 bắt đầu từ tháng 4, lượng du khách đặt phòng tại đây bắt đầu tăng lên.
Cơ quan Dịch vụ biên giới Canada (CBSA) cho biết, hơn 1 triệu du khách đã được nhập cảnh vào nước này trong tuần kết thúc vào ngày 11/4. Tuy nhiên, số lượng này vẫn giảm khoảng 44% so với thời điểm từ ngày 15 đến 17/4/2019 trước đại dịch.
Chi tiêu cho du lịch ở Canada tăng 4,4% vào năm 2021 lên 50,8 tỷ đô la Canada (40 tỷ USD) so với năm 2020, dù vẫn giảm 49% so với năm 2019. Năm 2021, du lịch chiếm 4,1% GDP của Canada.
Dịch bệnh lắng dịu cũng thúc đẩy các nước và khu vực tăng cường các nỗ lực trở lại với cuộc sống bình thường.
Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) ngày 22/4 đã khuyến nghị giới chức châu Âu phê duyệt việc sử dụng vaccine Comirnaty của Pfizer/BioNTech để tiêm mũi tăng cường cho người trưởng thành đã được tiêm loại vaccine khác trước đó.
Khuyến cáo từ EMA đưa ra chỉ vài ngày sau khi số ca mắc Covid-19 toàn cầu vượt mốc 500 triệu ca, chủ yếu do dòng phụ BA.2 dễ lây lan của biến chủng Omicron gây ra.
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến sáng 23/4 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận hơn 508,4 triệu ca mắc Covid-19, trong đó có trên 6,2 triệu ca tử vong. Số bệnh nhân đã bình phục là hơn 460,8 triệu người, trong khi vẫn còn hơn 41,3 triệu bệnh nhân đang phải điều trị.
Một số quốc gia châu Âu hiện đang chứng kiến sự gia tăng trở lại số ca mắc mới nhưng ở mức chậm hoặc thậm chí giảm, nhưng châu lục này vẫn ghi nhận hơn 1 triệu ca bệnh sau mỗi 2 ngày.
Tại Mỹ và Vương quốc Anh, vaccine Comirnaty đã được khuyến cáo sử dụng làm liều tăng cường sau 2 mũi tiêm bất kỳ loại vaccine nào khác trước đó.
Một số quốc gia cũng đã bắt đầu tiêm liều tăng cường thứ hai cho một số nhóm dân số nhất định, bao gồm người suy giảm miễn dịch và người cao tuổi.