Sáng kiến này hướng tới mục tiêu tăng cường đóng góp tài chính khí hậu cho các hệ thống nông nghiệp và lương thực nhằm hỗ trợ các cộng đồng dễ bị tổn thương nhất bởi biến đổi khí hậu. Sáng kiến sẽ được hỗ trợ bởi các quốc gia thông qua quan hệ đối tác nhiều bên nhằm bảo đảm hệ thống lương thực được củng cố thông qua các chính sách khí hậu.
Phát biểu tại lễ ra mắt FAST, Bộ trưởng Ngoại giao Ai Cập Sameh Shoukry (X.Su-cri) nói rằng, thông qua sáng kiến này, thế giới sẽ huy động để khơi thông các dòng tài chính nhằm tăng khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu và thực hiện chuyển đổi cần thiết trong các hệ thống nông sản.
Phó Tổng Giám đốc FAO Maria Semedo (M.Xê-mê-đô) nhấn mạnh sự cần thiết phải có các hành động chuyển đổi mạnh mẽ để thúc đẩy chuyển đổi các hệ thống nông nghiệp và lương thực, hỗ trợ các quốc gia và bảo đảm các nhà sản xuất lương thực trong toàn bộ chuỗi giá trị có thể tiếp cận các nguồn lực.
Thư ký điều hành Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) Simon Stiell (X.Xtin) nói: "Chúng ta cần đại tu toàn diện các hệ thống lương thực. Chỉ có một cách để đạt được điều này, đó là thực hiện nó". Ước tính, lĩnh vực nông nghiệp và sử dụng đất đã tiếp nhận 122 tỷ USD hỗ trợ tài chính trong giai đoạn 2008-2018, chiếm 26% nguồn tài chính khí hậu toàn cầu dành cho tất cả các lĩnh vực.
Trong khi đó, các cơ quan trực thuộc Liên hợp quốc đưa ra báo cáo nhấn mạnh, cải thiện chuỗi cung ứng lạnh trong sản xuất và phân phối lương thực ở các nước đang phát triển là việc làm cần thiết để chống biến đổi khí hậu và giải quyết nạn đói trên thế giới.
Việc cải thiện hiệu quả hệ thống làm lạnh sẽ giúp tránh lãng phí thực phẩm và tăng doanh thu cho các hộ nông dân nhỏ. Theo FAO, hầu hết các nước đang phát triển đều thiếu hệ thống làm lạnh, đặc biệt là ở vùng nông thôn. Việc cải thiện chuỗi cung ứng lạnh cho thực phẩm có thể giúp các nước đang phát triển tránh lãng phí 144 triệu tấn thực phẩm mỗi năm.