COP10: Tiếp tục nghiên cứu về các vấn đề chung quanh thuốc lá mới

Hội nghị Các bên về Kiểm soát thuốc lá (COP) lần thứ 10 được tổ chức từ ngày 5-10/2/2024 với sự tham gia của các nước thành viên thuộc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã chính thức khép lại. Theo đó, đại biểu các quốc gia đồng ý thành lập nhóm chuyên trách để tiếp tục xem xét, đánh giá và đưa ra khuyến nghị thích hợp vào kỳ họp COP11 (dự kiến sau 2 năm) đối với thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng thay vì đưa ra kết luận tại kỳ họp năm nay.
0:00 / 0:00
0:00
COP10: Tiếp tục nghiên cứu về các vấn đề chung quanh thuốc lá mới

Quyết định này được các chuyên gia đánh giá là hợp lý trên cơ sở đã có nhiều dữ liệu đời thực phản ánh những tác động tích cực của các sản phẩm thuốc lá mới đem lại cho những người không cai được thuốc lá truyền thống.

Các quốc gia có quyền tự quyết đối với sản phẩm thuốc lá mới

Tại hội nghị, để giúp cho các quốc gia có thể đưa ra các quyết định đối với thuốc lá mới trong khi chờ đợi những điều chỉnh vào COP11, bà Nuntavarn Vichit-Vadakan (Thái Lan) - Chủ tịch Ủy ban nhóm chuyên trách thuộc COP10 đã đưa ra khuyến nghị để giải quyết vấn đề trên.

Theo bà, các quốc gia đã có thể hành động dựa trên những khuyến nghị đến thời điểm hiện nay của Công ước Khung về Kiểm soát thuốc lá (FCTC) đưa ra đối với các vấn đề xung quanh thuốc lá mới. Bà cũng nêu ra thông tin tham khảo cụ thể trong tài liệu do FCTC công bố vào tháng 11/2023 nhằm giúp cho các quốc gia có phương án kiểm soát hiệu quả đối với thuốc lá làm nóng (một trong những sản phẩm thuốc lá mới).

Theo đó, các nước có thể thông qua các tổ chức quốc tế độc lập không bị ngành thuốc lá chi phối để thực hiện công tác xét nghiệm thành phần, hàm lượng, khí thải phát ra từ khí hơi aerosol của thuốc lá làm nóng, từ đó làm cơ sở thẩm định khoa học, hỗ trợ cho việc thực thi Điều 9 và 10 của Công ước FCTC.

Để tuân thủ hai điều khoản trên, các bên cung cấp, kinh doanh thuốc lá làm nóng cần phải công bố đầy đủ, toàn diện về hàm lượng, khí thải phát ra và chi tiết thiết kế của sản phẩm để có thể được quản lý phù hợp. Về mặt sức khỏe cộng đồng, cần ưu tiên kiểm soát hợp chất gây hại từ sản phẩm như nicotine, aldehyde và carbon monoxide dựa trên khuyến nghị của WHO và tiêu chuẩn của nước sở tại.

Đối với vấn đề giới trẻ, khuyến nghị cũng đưa ra việc cần giới hạn việc sử dụng các mùi hương có tính chất thu hút giới trẻ.

Đến nay, có thể thấy rõ WHO đang trao quyền tự quyết cho các quốc gia trong việc kiểm soát các sản phẩm thuốc lá mới, bên cạnh việc đưa ra một số khuyến nghị để chính phủ các nước tham khảo những điều kiện phù hợp với bối cảnh thực tế, hướng tới mục tiêu bảo vệ sức khỏe cộng đồng bằng những chính sách thực tiễn, hài hòa lợi ích quốc gia và các chủ thể liên quan.

Trong nước, các bộ ngành nỗ lực sớm trình Chính phủ giải pháp quản lý

Vấn đề kiểm soát thuốc lá mới hiện vẫn đang trong tiến trình thảo luận giữa các cơ quan quản lý. Bộ Công thương và Bộ Y tế là hai bộ nắm vai trò chủ chốt trong việc tham mưu cho Chính phủ về phương án quản lý sản phẩm, bên cạnh ý kiến bổ sung, kiện toàn từ các bộ ngành liên quan khác. Theo thông tin từ đại diện Bộ Công thương, trong suốt thời gian qua hai bộ đã có nhiều lần họp mặt, trao đổi để thống nhất phương án kiểm soát mặt hàng này.

Theo Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên, phương án quản lý thuốc lá mới phải phù hợp với Hiến pháp, Luật Đầu tư, các quy định khác có liên quan và tuân thủ chỉ đạo của Chính phủ. Cùng với đó, phải đảm bảo chặt chẽ với chiến lược quốc gia về giảm thiểu tác hại của thuốc lá, an toàn sức khỏe người dùng, dung hòa quyền lợi giữa các chủ thể, phù hợp thông lệ quốc tế và những hiệp định mà Việt Nam ký kết. Không chỉ các bộ ngành quan tâm đến vấn đề thuốc lá mới, các chuyên gia trong nước cũng đưa ra nhiều ý kiến liên quan dựa trên chuyên môn.

Tại tọa đàm trực tuyến “Cai thuốc và giảm tác hại: Hai giải pháp bổ trợ để kiểm soát thuốc lá” do Báo Thanh Niên tổ chức vào ngày 22/12/2023, PGS. TS. BS Trần Khánh Toàn, Giảng viên cao cấp Bộ môn Y học gia đình, Trường đại học Y Hà Nội đã trình bày về mô hình giả định cho việc chuyển đổi từ thuốc lá điếu sang các sản phẩm không khói, điển hình là thuốc lá làm nóng.

Theo PGS. Toàn, khi triển khai kiểm soát thuốc lá mới bằng luật, song song thực hiện biện pháp giảm tác hại bên cạnh chiến lược cai thuốc lá, sẽ mang lại lợi ích kép. Cụ thể, về mặt kinh tế, PGS. Toàn cho rằng, việc thực hiện biện pháp kép trong chiến lược kiểm soát thuốc lá sẽ giúp các quốc gia giảm áp lực và gánh nặng cho hệ thống y tế do hút thuốc lá, dồn ngân sách cho các hoạt động an sinh xã hội khác. Về mặt sức khỏe, lợi ích tiềm năng đó là cải thiện chất lượng sống, kéo dài tuổi thọ và hạn chế các yếu tố nguy cơ bệnh tật, tử vong cho những người chưa thể cai thuốc.

Cũng trên cơ sở đó, PGS. Toàn ước tính từ đây đến năm 2030, chúng ta có thể giảm tỷ lệ hút thuốc lá điếu xuống dưới 30%, riêng nhóm nam từ 15 tuổi trở lên xuống có thể giảm dưới 36% theo Chiến lược quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá của Chính phủ.

Đến nay, các bộ ngành đều đồng thuận bước quan trọng để kiểm soát thuốc lá mới cần sớm phân biệt rõ sự khác biệt giữa thuốc lá làm nóng và thuốc lá điện tử để từ đó đưa ra cơ sở quản lý cho sản phẩm nào tương thích với luật hiện hành.

Theo Quyết định số 780/QĐ-UBQLV của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp ban hành ngày 29/12/2023 vừa qua, Nhà nước định hướng chiến lược phát triển Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam từ nay đến năm 2035 sẽ tập trung “phát triển ngành thuốc lá bền vững gắn với đổi mới công nghệ, hiện đại hóa máy móc trong sản xuất và chế biến thuốc lá có hiệu quả nhằm sản xuất những sản phẩm giảm thiểu tác hại, hạn chế ô nhiễm môi trường, hướng tới mục tiêu vì sức khỏe cộng đồng và trách nhiệm xã hội”. Do đó, việc đưa các sản phẩm thay thế giảm tác hại thuốc lá vào quản lý hiệu quả được kỳ vọng sẽ giúp thay đổi không chỉ về sức khỏe cộng đồng mà còn về khả năng phát triển của ngành hàng theo hướng tích cực hơn.