Quyền có tuổi thơ cho mọi trẻ em
Theo Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam, Công ước Liên hợp quốc về Quyền trẻ em (CRC) quy định trẻ em là giai đoạn đặc biệt khác với giai đoạn trưởng thành của con người, giai đoạn đặc biệt này kéo dài đến 18 tuổi. Đây là thời kỳ trẻ em cần được bảo vệ, được chăm sóc để lớn lên, được học tập, được vui chơi để phát triển tối đa tiềm năng của một con người. Công ước đã trở thành một văn kiện về quyền con người được phê chuẩn rộng rãi nhất trong lịch sử với 196 quốc gia thành viên, đã giúp thay đổi cuộc sống của trẻ em toàn thế giới.
Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á và nước thứ hai trên thế giới phê chuẩn CRC vào năm 1990. Trong suốt ba thập niên qua, những cam kết chính trị cũng như sự lãnh đạo mạnh mẽ của Nhà nước Việt Nam trong việc thực hiện quyền trẻ em đã giúp cải thiện cuộc sống cho hàng triệu trẻ em trên đất nước. Tỷ lệ trẻ dưới năm tuổi tử vong đã giảm đáng kể, tỷ lệ tiêm chủng cao, số trẻ em được đến trường cao nhất trong lịch sử. Các lĩnh vực như nước sạch và vệ sinh môi trường cho trẻ em cũng đạt được nhiều tiến bộ đáng kể.
Cụ thể như, tỷ lệ tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi giảm ¾. Hơn bảy triệu trẻ em đã được tiêm chủng và tỷ lệ tiêm chủng cao đã giúp thanh toán bệnh bại liệt, uốn ván sơ sinh và kiểm soát được bệnh sởi. Tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng thấp còi giảm một nửa. Tỷ lệ người được sử dụng nước sạch tăng gấp đôi.
Các bà mẹ đang đi làm cũng có được các điều kiện tốt hơn để chăm sóc con nhỏ. Bộ luật Lao động năm 2012 đã nâng thời gian nghỉ thai sản lên sáu tháng, thay vì bốn tháng như trước đây. Điều này đã tạo điều kiện cho các bà mẹ có thể nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong sáu tháng đầu đời. Nghị định 100/2014/NĐCP về kinh doanh và sử dụng các sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ nhỏ được ban hành đã hạn chế việc quảng cáo, tiếp thị các sản phẩm thay thế sữa mẹ cho trẻ nhỏ.
Về giáo dục, cơ hội được học hết tiểu học của trẻ em trai cũng như gái rất lớn với phần lớn trẻ em Việt Nam ngày nay. Với 95% trẻ em nhập học đúng tuổi, Việt Nam đã đạt mốc phổ cập tiểu học.
Về hành lang pháp lý, Hiến pháp Việt Nam năm 2013 là một bước tiến bộ về bảo đảm quyền trẻ em, với một chương quy định về quyền con người và các điều khoản cụ thể về quyền trẻ em. Tiếp theo các điều khoản trong Hiến pháp, Luật Trẻ em năm 2016 đã đưa ra một khung pháp lý nền tảng nhằm bảo đảm thực hiện đầy đủ quyền cho mọi trẻ em với các điều khoản phù hợp hơn với Công ước về Quyền trẻ em.
Những thay đổi với trẻ em hôm nay
Sau 30 năm, những thay đổi trên toàn cầu, như sự phát triển của công nghệ số, biến đổi của môi trường sống, di cư ồ ạt đã làm thay đổi tuổi thơ của các em. Trẻ em ngày nay phải đối mặt với những mối đe dọa mới xâm phạm quyền trẻ em, nhưng các em cũng có những cơ hội mới để thực hiện quyền của mình.
Ở Việt Nam một số trẻ em và người chưa thành niên phải sống trong các điều kiện thiếu thốn, chưa thực sự an toàn.
Có sự chênh lệch giữa các nhóm trẻ em như trẻ em nam và trẻ em nữ, trẻ em nông thôn và thành thị. Khoảng 5,5 triệu trẻ em ở Việt Nam là trẻ em nghèo đa chiều. Điều này khiến các em không được thực hiện hai trong số các quyền cơ bản về giáo dục, y tế, dinh dưỡng, nhà ở, hòa nhập xã hội, nước sạch và vệ sinh. Phát triển kinh tế mạnh mẽ đã kéo theo tốc độ đô thị hóa nhanh. Quá trình này đã đặt các gia đình di cư vào tình trạng dễ bị tổn thương hơn, vì họ gặp hạn chế hơn trong tiếp cận với các dịch vụ xã hội.
Theo Tổng cục Thống kê, tỷ suất chết ở trẻ em dưới năm tuổi của Việt Nam sơ bộ năm 2018 là 21,4/1.000 do các nguyên nhân có thể phòng tránh được. Mỗi năm trung bình có 2.000 trẻ em tử vong do đuối nước và 1.900 trẻ em tử vong do tai nạn giao thông. Gần hai triệu trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thấp còi và các em sẽ phải chịu sự tổn thương về thể chất và trí tuệ.
Ngoài ra, ba triệu trẻ em không được sử dụng nước sạch. Tỷ lệ trẻ em khuyết tật càng học cao càng giảm, đến bậc THPT chỉ bằng ½ trẻ không khuyết tật.
Trẻ em trên mọi miền của Việt Nam bị ảnh hưởng do tình trạng ô nhiễm không khí, xuống cấp của môi trường, thiên tai ngày càng nhiều và càng nghiêm trọng. Tất cả đều tác động tiêu cực đến sức khỏe, học tập, phát triển của trẻ em và việc bảo vệ các em.
Hành động mạnh mẽ vì trẻ em
Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, các vấn đề mới phát sinh hiện nay đáng quan tâm là hệ thống văn bản pháp lý bảo vệ trẻ em; bảo vệ trẻ em trên mạng; biến đổi khí hậu và ô nhiễm không khí; giáo dục có chất lượng và kỹ năng cho thế kỷ 21; trẻ thừa cân và béo phì
Luật Trẻ em 2016 là khung pháp lý chính bảo vệ quyền trẻ em. Tuy nhiên, luật quy định trẻ em là người dưới 16 tuổi, điều này chưa đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế đề ra trong CRC; tạo ra khoảng trống vì trẻ em trong độ tuổi 16-17 không được thực hiện các quyền, được hỗ trợ và được bảo vệ như trong quy định của CRC.
Ngày 20-9-2019, Hội đồng thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao thông qua Nghị quyết số 06/2019/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng một số quy định về các điều 141, 142, 143, 144, 145, 146, 147 của Bộ luật Hình sự và việc xét xử vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi. Nghị quyết đã tạo nên cơ sở pháp lý mạnh mẽ hơn để bảo vệ một cách công bằng cả trẻ em gái và trẻ em trai dưới 18 tuổi khỏi xâm hại tình dục, tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn và quy định nhiều biện pháp để quá trình xét xử thân thiện hơn, nhạy cảm hơn và đáp ứng tốt hơn nhu cầu đặc biệt của người chưa thành niên, theo tinh thần của CRC và các điển hình tốt trên thế giới.
Trong lĩnh vực tư pháp với trẻ em, Việt Nam có nhiều tiến bộ trong việc tăng cường pháp luật về hành chính, dân sự và hình sự. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn còn thiếu một đạo luật toàn diện để vận hành một hệ thống tư pháp thân thiện với trẻ em và người chưa thành niên. Những biện pháp bảo vệ pháp lý cho trẻ em được quy định rải rác trong nhiều văn bản pháp luật và chưa có một khung pháp lý vững chắc để xử lý các trường hợp xâm hại trẻ em. Bộ luật Hình sự năm 2015 đã có nhiều điều khoản tiến bộ nhằm tăng cường phục hồi cho người chưa thành niên vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, Bộ luật này vẫn cần sửa đổi để phù hợp với những cam kết của Việt Nam theo CRC về bảo vệ trẻ em khỏi bị xâm hại tình dục.
Cùng với đó, Việt Nam là một trong những nước có số lượng người sử dụng internet cao nhất ở châu Á. Mạng xã hội cũng rất phổ biến với khoảng 64 triệu người sử dụng. Trong số này, một con số lớn là trẻ em và người chưa thành niên. Các nghiên cứu khảo sát gần đây cho thấy, trẻ em Việt Nam đã bị bắt nạt, quấy rối trên mạng, tự đặt mình vào nguy hiểm khi chia sẻ thông tin cá nhân trên mạng bao gồm cả việc chia sẻ những hình ảnh và video gợi cảm, thiết lập các mối quan hệ trên mạng mà không nhận thức được các rủi ro tiềm ẩn.
Ô nhiễm không khí là kẻ giết người thầm lặng. Trong những năm gần đây, trẻ em ở Việt Nam ngày càng tiếp xúc nhiều hơn với không khí độc hại và ô nhiễm môi trường.
Biến đổi khí hậu đã làm tăng nhiệt độ trung bình hằng năm, dẫn đến mực nước biển tăng và thiên tai xảy ra nhiều hơn, nghiêm trọng hơn như hạn hán, xâm nhập mặn, lũ lụt và mưa bão. Điều này đe dọa cuộc sống của hàng triệu trẻ em và phụ nữ, làm ảnh hưởng đến an ninh lương thực, thiếu nước sạch, môi trường yếu kém, và các dịch vụ y tế, giáo dục và bảo vệ trẻ em bị hạn chế hoặc gián đoạn.
Trong khi Việt Nam đạt được những tiến bộ đáng kể trong việc thực hiện quyền được giáo dục cơ bản cho mọi người nhưng cũng phải đối mặt với những trở ngại trong chất lượng giáo dục, giáo dục hòa nhập và bền vững cho trẻ em và người chưa thành niên có hoàn cảnh khó khăn. Hơn 8% trẻ em từ 11-14 tuổi và gần 30% trẻ em dân tộc thiểu số là trẻ em ngoài trường học. Các em thiếu những kỹ năng cần có để có thể tìm kiếm việc làm và đóng góp vào sự phát triển của đất nước.
Bảo vệ trẻ em vẫn còn là vấn đề cần hành động mạnh mẽ hơn. Việt Nam cần đẩy mạnh khung pháp lý để phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế. Điều này bao gồm nâng độ tuổi trẻ em trong Luật Trẻ em lên 18 tuổi, để các em có thể được hưởng lợi từ hệ thống bảo vệ trẻ em. Trẻ em phải được pháp luật bảo vệ khỏi mọi hình thức xâm hại, bao gồm cả bạo lực, trừng phạt thân thể, quấy rối hoặc bất cứ hình thức khiêu dâm trẻ em hay xâm hại tình dục.
Ngoài ra, để bảo vệ trẻ em, đặc biệt khỏi bạo lực và xâm hại tình dục, nước ta cần một hệ thống công tác xã hội mạnh hơn. Từ đó, có thể bảo đảm một mạng lưới dịch vụ hỗ trợ, bắt đầu từ phòng ngừa và can thiệp sớm tại cấp cơ sở, cho đến các dịch vụ chuyển gửi - bảo vệ trẻ em chuyên biệt.