Công tác xây dựng đảng trong doanh nghiệp ở Vĩnh Phúc

Công tác phát triển đảng trong các doanh nghiệp tại Vĩnh Phúc trong những năm gần đây đạt được kết quả bước đầu, nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của tổ chức đảng trong doanh nghiệp đã được nâng cao một bước. Tuy nhiên, số tổ chức đảng trong doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vẫn còn hạn chế; chất lượng đảng viên, đoàn viên chưa cao.

Dây chuyền sản xuất linh kiện xe máy tại Công ty TNHH EXEDY Việt Nam (Khu công nghiệp Khai Quang, Vĩnh Phúc). Ảnh: ÐẶNG TIẾN
Dây chuyền sản xuất linh kiện xe máy tại Công ty TNHH EXEDY Việt Nam (Khu công nghiệp Khai Quang, Vĩnh Phúc). Ảnh: ÐẶNG TIẾN

Số đảng viên là chủ doanh nghiệp được kết nạp còn thấp, đã hạn chế vai trò hạt nhân lãnh đạo của các doanh nghiệp, đơn vị. Công tác phát triển đảng, đoàn thể trong các doanh nghiệp đánh giá tổng thể vẫn chưa tương xứng với sự phát triển chung của tỉnh.

thư Ðảng ủy Khối doanh nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc Tạ Văn Tính cho biết: Thời gian qua, Ðảng ủy Khối doanh nghiệp tỉnh thường xuyên nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy Vĩnh Phúc trong công tác xây dựng chi bộ, đảng bộ; nhất là công tác xây dựng đảng trong doanh nghiệp.

Vĩnh Phúc đã vận động, tuyên truyền và đề nghị các doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh có trách nhiệm phối hợp cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức đảng, các tổ chức chính trị - xã hội nơi doanh nghiệp đóng trụ sở, tôn trọng, tạo điều kiện và bảo đảm các quyền thành lập tổ chức đảng, các tổ chức chính trị - xã hội của người lao động tại doanh nghiệp theo quy định của pháp luật, điều lệ của tổ chức đó.

Tuy nhiên, nhiệm vụ xây dựng đảng trong doanh nghiệp ở địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc còn nhiều khó khăn. Các doanh nghiệp phát triển nhanh nhưng phần lớn là quy mô nhỏ; tổ chức, đoàn thể trong doanh nghiệp còn ít, thu nhập người lao động chưa cao, đời sống việc làm chưa ổn định. Nhiều doanh nghiệp chỉ coi trọng công tác sản xuất, kinh doanh, ít quan tâm công tác đảng và các tổ chức chính trị; chủ doanh nghiệp không phải là đảng viên, nhất là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chưa thật sự ủng hộ hoạt động công tác đảng; trong khi đó cán bộ làm công tác đảng đều kiêm nhiệm nhiều chức danh.

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp mới đi vào hoạt động, kinh doanh chưa hiệu quả... chưa nhận thức rõ ý nghĩa, vai trò của việc thành lập, các tổ chức chính trị - xã hội trong doanh nghiệp, ngại làm ảnh hưởng đến quỹ thời gian sản xuất, cho nên chưa thật sự mặn mà ủng hộ việc phát triển đảng trong doanh nghiệp. Chính vì thế, công tác phát triển đảng nói chung có sự chuyển biến nhưng chưa cao.

Khi thành lập (tháng 3-2009), Ðảng bộ Khối doanh nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc có 53 tổ chức cơ sở đảng, trong đó có 23 chi bộ, đảng bộ trong doanh nghiệp nhà nước; 38 chi bộ, đảng bộ trong doanh nghiệp cổ phần, công ty tư nhân, công ty TNHH và một doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài với tổng số 1.682 đảng viên thì đến năm 2011 Ðảng bộ khối có 76 tổ chức cơ sở đảng với 2.488 đảng viên. Ðến nay, Ðảng bộ khối có 85 tổ chức cơ sở đảng với gần 3.200 đảng viên.

Ðể công tác phát triển đảng ở các doanh nghiệp đạt hiệu quả, cấp ủy có trách nhiệm ở Vĩnh Phúc chỉ đạo các ban, ngành chức năng của tỉnh tập trung nghiên cứu, tìm hiểu thực tế, tìm ra những phương pháp, cách làm hay để vừa nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chủ các doanh nghiệp, vừa bảo đảm đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động trong doanh nghiệp. Ðẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về thành lập tổ chức đảng ở những nơi có đủ điều kiện, đồng thời tạo điều kiện tổ chức tốt Ðại hội Ðảng bộ cấp cơ sở trong các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đang nghiên cứu và ban hành quy định thống nhất trong việc xây dựng, củng cố bộ máy đồng bộ từ tổ chức đảng với các tổ chức chính trị - xã hội, không để tình trạng nhiều tổ chức như đoàn thanh niên, công đoàn cơ sở trực thuộc tổng công ty, ngành, nhưng tổ chức đảng lại trực thuộc Ðảng ủy Khối doanh nghiệp tỉnh, gây khó khăn trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo. Sắp xếp tổ chức công đoàn, đoàn thanh niên trong các khu công nghiệp, khu kinh tế đồng bộ với tổ chức đảng để đảm bảo sự thống nhất. Tiếp tục củng cố, phát triển và nâng cao chất lượng hoạt động của các đoàn thể trong doanh nghiệp; chăm lo xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp và thường xuyên phối hợp, đối thoại với doanh nghiệp để có sự đồng thuận.

Vĩnh Phúc đã và đang có hàng loạt chính sách hỗ trợ, chăm lo cho công nhân lao động đang làm việc ở các khu công nghiệp như xây dựng nhà ở cho các hộ gia đình, đầu tư xây dựng trường mầm non, xây dựng khu hoạt động văn hóa, thể thao..., khuyến khích công nhân tích cực tham gia các hoạt động đoàn thể và thông qua đó bồi dưỡng những đoàn viên thanh niên tiêu biểu để kết nạp Ðảng.