Thủ đoạn của tội phạm mua bán người
Theo quy định của Bộ luật Hình sự, mua bán người là việc dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, lừa gạt hoặc thủ đoạn khác thực hiện một trong các hành vi sau đây: Chuyển giao hoặc tiếp nhận người để nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác; Chuyển giao hoặc tiếp nhận người để người khác bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác; Tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người khác để thực hiện hành vi chuyển giao người theo các mục đích trên.
Tội phạm mua bán người chủ yếu lợi dụng khó khăn về kinh tế, sự nhẹ dạ, cả tin, sự mất cảnh giác của nạn nhân để lừa bán phụ nữ ra nước ngoài; lừa gạt, dụ dỗ phụ nữ có thai ngoài ý muốn, phụ nữ có thai nhưng hoàn cảnh gia đình khó khăn xuất cảnh trái phép ra nước ngoài để bán bào thai hoặc sinh con, sau đó bán trẻ sơ sinh; bắt cóc, chiếm đoạt trẻ em; thông qua các trang mạng xã hội để làm quen, giả yêu, kết bạn nhằm môi giới hôn nhân nước ngoài trái phép hoặc khống chế, đe dọa nạn nhân, sau đó bán ra nước ngoài; lợi dụng hoạt động đi lại, buôn bán hàng hóa ở khu vực biên giới để tổ chức xuất cảnh trái phép, di cư, lao động thời vụ, sau đó lừa bán nạn nhân; dụ dỗ, lôi kéo những người có nhu cầu xuất khẩu lao động với mức chi phí thấp, lương cao, thủ tục đơn giản, tổ chức xuất cảnh trái phép ra nước ngoài, sau đó bán để cưỡng bức lao động; lợi dụng quy định về y tế, nhân đạo để mua bán, chiếm đoạt mô, bộ phận cơ thể người.
Trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức trong đấu tranh phòng, chống mua bán người
Luật phòng, chống mua bán người đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XII, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 29/3/2011 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2012.
Theo đó, nạn nhân có quyền đề nghị cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền áp dụng các biện pháp bảo vệ mình, người thân thích khi bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị xâm hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm và tài sản. Nạn nhân được hưởng các chế độ hỗ trợ và được bảo vệ; được bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật. Đồng thời, nạn nhân cũng có nghĩa vụ cung cấp thông tin liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống mua bán người cho cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền; thực hiện yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền liên quan đến vụ việc mua bán.
Ngoài ra, gia đình có vai trò rất quan trọng trong việc giáo dục và bảo vệ thành viên gia đình không trở thành nạn nhân của mua bán người. Trên thực tế, phụ nữ, trẻ em bị mua bán không chỉ do nhận thức của họ hạn chế, mà trong nhiều trường hợp, còn xuất phát từ gia đình (do kém hiểu biết, thiếu thông tin hoặc lơi lỏng quản lý) mà vô tình cha mẹ đã đẩy con, em mình thành nạn nhân của nạn mua bán người.
Xuất phát từ đòi hỏi công tác phòng, chống mua bán người cần sự tham gia của cả cộng đồng, Luật phòng, chống mua bán người đã quy định trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức trong đấu tranh phòng, chống mua bán người.
Theo đó, trách nhiệm của gia đình được quy định tại Điều 13, gồm 4 nội dung cơ bản sau:
- Cung cấp thông tin cho thành viên trong gia đình về thủ đoạn mua bán người và các biện pháp phòng, chống mua bán người.
- Phối hợp với nhà trường, cơ quan, tổ chức và các đoàn thể xã hội trong phòng, chống mua bán người.
- Chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân là thành viên của gia đình để họ hòa nhập cuộc sống gia đình và cộng đồng.
- Động viên nạn nhân là thành viên của gia đình hợp tác với các cơ quan có thẩm quyền trong phòng, chống mua bán người.
Ngoài ra, cá nhân, cơ quan, tổ chức cũng có nghĩa vụ, trách nhiệm tố giác, tin báo, tố cáo hành vi vi phạm về phòng chống mua bán người. Cụ thể, cá nhân có nghĩa vụ tố giác, tố cáo hành vi quy định tại Điều 3 của Luật phòng chống mua bán người (gồm 12 hành vi bị nghiêm cấm) với cơ quan Công an, Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn hoặc với bất kỳ cơ quan, tổ chức nào. Cơ quan, tổ chức khi phát hiện hoặc nhận được tố giác, tin báo, tố cáo về các hành vi nêu trên có trách nhiệm xử lý theo thẩm quyền hoặc kịp thời thông báo với cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
Trong trường hợp có phát hiện dấu hiệu liên quan đến mua bán người, có thể báo ngay cơ quan Công an gần nhất hoặc gọi Tổng đài Quốc gia 111, đường dây nóng 18001567.
Nghiêm trị tội phạm mua bán người
Bên cạnh đó, chế tài hình sự về tội mua bán người được quy định cụ thể trong Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Theo đó, Điều 150 Bộ luật Hình sự quy dịnh, tùy theo tính chất và mức độ vi phạm, tội phạm mua bán người có thể bị phạt tù đến 20 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng, phạt quản chế, cấm cư trú từ 1 năm đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Người phạm tội mua bán người dưới 16 tuổi (Điều 151) có thể bị phạt tù từ đến 20 năm hoặc tù chung thân. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng, phạt quản chế, cấm cư trú, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Người phạm tội đánh tráo người dưới 1 tuổi (Điều 152) có thể bị phạt tù đến 12 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.
Người phạm tội mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người (Điều 154) có thể bị phạt tù đến 20 năm hoặc chung thân. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.