Công nghiệp Quảng Ngãi bứt phá ngoạn mục

Để phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của địa phương, nhiều năm qua, tỉnh Quảng Ngãi đã huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đẩy mạnh phát triển công nghiệp. Nỗ lực đó đã tạo nên bức tranh công nghiệp những gam mầu tươi sáng, góp phần thay đổi lớn quy mô và cơ cấu kinh tế của tỉnh.
0:00 / 0:00
0:00

Theo Sở Công thương tỉnh Quảng Ngãi, thời điểm tái lập tỉnh vào năm 1989, toàn tỉnh chỉ có 43 xí nghiệp công nghiệp quốc doanh với quy mô nhỏ và hơn 7.700 cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp với 90% là hộ cá thể, chủ yếu sản xuất các sản phẩm truyền thống, sản lượng nhỏ, giá trị thấp như đường, phân bón, gạch nung, nước mắm, nông cụ...

Bước đột phá lớn nhất của công nghiệp Quảng Ngãi là sau khi Nhà máy Lọc hóa dầu Dung Quất chính thức hoạt động vào năm 2009 đã tạo sự khác biệt lớn trong tăng trưởng kinh tế, đưa Quảng Ngãi từ một tỉnh nghèo, thuần nông, kinh tế xuất phát điểm thấp, ngân sách phụ thuộc hoàn toàn vào sự hỗ trợ của Trung ương, đến nay, trở thành một tỉnh có nguồn thu lớn của cả nước với quy mô nền kinh tế đạt hơn 122.800 tỷ đồng, đứng thứ 2 trong số 5 tỉnh của tiểu vùng Trung Trung Bộ, đứng thứ 4 trong số 14 tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ, đứng thứ 21 trong số 63 tỉnh, thành phố cả nước; GRDP bình quân đầu người đạt 98,53 triệu đồng/người (4.193 USD/người), đứng thứ 2 trong số 14 tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ, đứng thứ 13 trong số 63 tỉnh, thành phố cả nước.

Không chỉ giữ vai trò chủ lực ngành công nghiệp của tỉnh, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất còn là nhân tố, động lực quan trọng để thu hút nhiều dự án đầu tư vào Khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp Quảng Ngãi, nhất là khai thác tối đa lợi thế cảng nước sâu Dung Quất để phát triển ngành công nghiệp nặng.

Điển hình, dự án Khu liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất. Đến thời điểm này, Tập đoàn Hòa Phát đang triển khai nhiều dự án lớn tại Khu kinh tế Dung Quất với tổng vốn đầu tư 149 nghìn tỷ đồng. Cùng với đó, tỉnh xây dựng thành công các khu công nghiệp Quảng Phú, Tịnh Phong, Khu công nghiệp đô thị VSIP và 18 cụm công nghiệp ở các địa phương. Đặc biệt, hình thành và phát triển thành công Khu kinh tế Dung Quất với định hướng là phát triển các ngành công nghiệp lọc hóa dầu, cơ khí chế tạo, luyện kim, công nghiệp phục vụ kinh tế biển.

Hiện toàn tỉnh Quảng Ngãi có gần 500 dự án, nhà máy, tổ hợp sản xuất công nghiệp với quy mô, công suất lớn, giá trị gia tăng và hàm lượng khoa học-công nghệ cao, cung cấp thị trường trong nước và xuất khẩu đến 30 nước tiên tiến trên thế giới. Bên cạnh đó, các sản phẩm công nghiệp nhẹ, công nghiệp chế biến thực phẩm của Công ty cổ phần đường Quảng Ngãi và các sản phẩm chế biến thủy sản, may mặc, tinh bột mì, dăm gỗ, vật liệu xây dựng, giày da, sợi bông, sản lượng ngày càng tăng cao, tiêu thụ rộng rãi thị trường trong nước và xuất khẩu.

Bức tranh công nghiệp của Quảng Ngãi thay đổi mạnh mẽ đã đưa giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh bứt phá ngoạn mục: Năm 1989 chỉ đạt 601 tỷ đồng, thì đến năm 2023 đạt hơn 134 nghìn tỷ đồng và kế hoạch năm 2024 ước đạt hơn 136,5 nghìn tỷ đồng, tăng gấp gần 227 lần so với năm đầu tái lập tỉnh; tăng trưởng bình quân hằng năm đạt 16,8%/năm.

Theo Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Quảng Ngãi đặt mục tiêu đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển khá, có thu nhập bình quân đầu người bằng mức bình quân của cả nước...

Để hiện thực hóa mục tiêu nêu trên, tỉnh Quảng Ngãi xác định kết hợp hài hòa giữa phát triển công nghiệp theo cả chiều rộng và chiều sâu, khai thác triệt để thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và lợi thế thương mại để tạo bước đột phá trong nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh, giá trị gia tăng của sản phẩm...

Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi Trần Hoàng Tuấn cho biết, cùng với Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 thể hiện qua cấu trúc hai trung tâm động lực tăng trưởng, ba trung tâm đô thị, bốn hành lang kinh tế chiến lược và sáu vùng không gian kinh tế động lực và điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Dung Quất đến năm 2045 với tổng diện tích lên đến hơn 45.000 ha, đặc biệt là hình thành trung tâm lọc, hóa dầu và năng lượng quốc gia tại Khu kinh tế Dung Quất, cộng với sự phát triển của Tập đoàn Hòa Phát trong việc khai thác lợi thế cảng nước sâu Dung Quất và các dự án khác… sẽ tạo động lực cho công nghiệp Quảng Ngãi tiếp tục duy trì tăng trưởng cao, tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị xuất khẩu, góp phần chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.