Ở tuổi gần 70, cựu chiến binh Hồ Tuấn, ở Tổ 2, phường Sông Bằng, thành phố Cao Bằng vẫn năng động, nhiệt tình trong các hoạt động xã hội. Những ngày này, ở cửa hàng của gia đình ông xếp đầy chăn, đệm, nồi, chậu, đồ dùng sinh hoạt chờ chuyển đến người dân vùng bị ảnh hưởng bởi mưa lũ.
Ông Hồ Tuấn chia sẻ: "Trước tình hình mưa lũ, sạt lở đất gây ra nhiều thiệt hại, tôi và các đồng đội trong Ban liên lạc cựu chiến binh Trung đoàn 567 có kêu gọi ủng hộ. Đến nay, đồng đội ở các tỉnh, thành phố trong cả nước đã hỗ trợ, mua 142 cái chăn hơi ủng hộ người dân vùng mưa lũ. Số tiền nhận ủng hộ, tôi đều thống kê đầy đủ, mua chăn ở cửa hàng, có hóa đơn rõ ràng, bảo đảm minh bạch trong tiếp nhận và hỗ trợ người dân hoàn cảnh khó khăn".
Anh Hồ Điệp (con trai ông Hồ Tuấn) và vợ chồng người bạn ở tỉnh Đồng Nai cũng bỏ ra 175 triệu đồng, mua chăn, đệm, chiếu, màn, quần áo, gối, bát đĩa, nồi, bột canh, xà-phòng để hỗ trợ người dân vùng mưa lũ.
Là ủy viên kiêm thanh tra Ban liên lạc cựu chiến binh Trung đoàn 567, ông Hồ Tuấn cho biết, quá trình vận động ủng hộ làm từ thiện và xây dựng các công trình xã hội, ông và các đồng đội luôn tâm niệm, công khai, minh bạch, rõ ràng mới làm; không minh bạch không làm nữa, không vận động nữa. Đồng thời, ông luôn kêu gọi đồng đội chi tiêu tiền vận động được, dù một, hai đồng cũng phải kê khai.
Nhờ công khai, minh bạch, hiệu quả trong vận động hỗ trợ, trong năm 2024, ông Hồ Tuấn và đồng đội đã vận động, xây dựng hai căn nhà cho gia đình hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở Tổ 8, phường Sông Bằng, trong đó một căn nhận hỗ trợ 150 triệu đồng; một căn nhận hỗ trợ 60 triệu đồng.
Trước đó, trong năm 2021 và 2023, ông Hồ Tuấn và đồng đội trong Ban liên lạc cựu chiến binh Trung đoàn 567 ở 24 tỉnh, thành phố trong cả nước và các nhà hảo tâm đã huy động, đóng góp được gần ba tỷ đồng, xây dựng Đài hương Keng Riềng ở thị trấn Quảng Uyên và Đài hương Lạc Riển, ở xã Hạnh Phúc, huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng. Đây là hai công trình tưởng niệm liệt sĩ hy sinh trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới.
Trong đợt mưa lũ, sạt lở đất vừa qua, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng phải hứng chịu nhiều thiệt hại. Đồng cảm, chia sẻ với người dân trong vùng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai, nhiều đoàn, nhiều cá nhân đã đến hỗ trợ, ủng hộ. Trong đó, có những cá nhân ủng hộ hàng tỷ đồng hỗ trợ xây dựng nhà cho những người bị mất nhà ở.
Bí thư Huyện ủy Nguyên Bình Phạm Xuân Tùng chia sẻ, để số tiền hỗ trợ được sử dụng hiệu quả, đúng mục đích và công khai, minh bạch, huyện Nguyên Bình đã có buổi làm việc với nhà tài trợ và có biên bản nêu rõ trách nhiệm của các bên. Theo đó, nhà tài trợ sẽ giao tiền cho người dân; người dân giao tiền cho xã giữ hộ, có biên bản giao nhận tiền. Xã sẽ hỗ trợ gia đình tìm mặt bằng, xây dựng nhà mới. Sau khi nhà ở người dân hoàn thành, huyện sẽ mời người làm thiện nguyện đến lắng nghe sự phản hồi, mức độ hài lòng của người dân đối với khoản tài trợ.
Sẻ chia khó khăn, đau thương, mất mát với người dân vùng bị ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai, các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh đã quan tâm, ủng hộ nguồn lực. Tính đến ngày 25/9, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Cao Bằng đã tiếp nhận số tiền hơn 159 tỷ đồng và hơn 142 tấn gạo, gần 300 tấn nhu yếu phẩm, đồ dùng.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Nguyễn Hồng Vân, tiếp nhận sự hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân giúp đỡ người dân chịu thiệt hại do thiên tai, Mặt trận Tổ quốc tỉnh Cao Bằng xác định: Rõ ràng, công khai, kịp thời, hiệu quả là những yêu cầu hàng đầu trong tiếp nhận và phân bổ hàng hóa hỗ trợ. Theo đó, hằng ngày, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh công khai sao kê, danh sách người ủng hộ tiền, số hàng hóa tiếp nhận trên trang thông tin điện tử của cơ quan và các cơ quan báo chí trong tỉnh; đồng thời, gửi báo cáo đến Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh về số tiền nhận ủng hộ, số hàng nhận và nhập kho, xuất kho phân bổ đến người dân.
Với số tiền tiếp nhận ủng hộ, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh sẽ tiếp tục giải ngân, hỗ trợ theo tinh thần nội dung Kết luận của Tỉnh ủy Cao Bằng về hỗ trợ ổn định đời sống, sản xuất, tạo sinh kế lâu dài... cho người dân vùng chịu ảnh hưởng thiên tai để sớm ổn định cuộc sống của người dân.