Cộng đồng quốc tế thúc đẩy thực hiện cam kết với Syria

Tại hội nghị các nhà tài trợ quốc tế do Liên minh châu Âu (EU) chủ trì ở Brussels (Bỉ) vào trung tuần tháng 6 vừa qua, đại diện các nước và các tổ chức quốc tế đã cam kết viện trợ 5,6 tỷ euro giúp đỡ Syria, nơi thảm họa động đất hồi tháng 2 năm nay càng gây thêm khó khăn cho người dân nghèo đang chịu tác động nặng nề của cuộc xung đột kéo dài từ năm 2011.
0:00 / 0:00
0:00
Nhiều người dân Syria phải sống trong cảnh thiếu thốn. (Ảnh THE BUSINESS POST)
Nhiều người dân Syria phải sống trong cảnh thiếu thốn. (Ảnh THE BUSINESS POST)

Hội nghị này không chỉ là sự kiện thường niên lớn nhất bàn về viện trợ cho Syria mà còn là nền tảng nhắc lại cam kết của cộng đồng quốc tế hướng tới tìm kiếm giải pháp chính trị tổng thể và toàn diện cho cuộc xung đột đang bước sang năm thứ 13 tại Syria.

Số tiền viện trợ nêu trên gồm 4,6 tỷ euro chi cho năm 2023, 1 tỷ euro dành cho năm 2024 và hơn hết là để giúp đỡ người dân Syria đang phải di tản trong nước, cũng như hỗ trợ các quốc gia láng giềng đang tiếp nhận người tị nạn Syria. Trong tổng số tiền viện trợ, EU cam kết đóng góp 3,8 tỷ euro, gồm 2,1 tỷ của Ủy ban châu Âu (EC) và 1,7 tỷ là khoản viện trợ của chính phủ các nước thành viên. Ðại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của EU, ông Josep Borrell (G.Bo-ren) nhấn mạnh, các cơ quan của Liên hợp quốc cho biết, hiện nhu cầu cần viện trợ của Syria vô cùng lớn, đồng thời cảnh báo hiện mới chỉ quyên góp được 10% trong tổng số tiền cần huy động cho cả năm nay.

Số tiền quốc tế cam kết tài trợ cho Syria chứng tỏ là cuộc khủng hoảng này chưa bị lãng quên. Tuy nhiên, khoản viện trợ nêu trên vẫn như "muối bỏ bể" khi phần lớn người dân Syria đang sống ở mức nghèo khổ. Thu nhập trung bình hằng tháng của hộ gia đình ở Syria hiện chỉ đáp ứng khoảng một phần tư nhu cầu lương thực của họ. Trước trận động đất kinh hoàng hồi tháng 2 vừa qua, hơn 15 triệu người Syria cần hỗ trợ nhân đạo ngay lập tức. Giờ đây, với ảnh hưởng của vụ động đất, con số này đã tăng mạnh.

Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) thông báo sẽ phải cắt giảm khoảng một nửa viện trợ lương thực dành cho Syria do thiếu kinh phí. Theo WFP, khủng hoảng tài trợ chưa từng có ở Syria buộc cơ quan này phải cắt giảm hỗ trợ cho 2,5 triệu người trong số 5,5 triệu người đang cần được viện trợ lương thực. Sau khi cân nhắc các lựa chọn, WFP ưu tiên viện trợ cho 3 triệu người Syria không thể sống qua tuần nếu không có hỗ trợ lương thực. Nếu tiếp tục cung cấp cho 5,5 triệu người, WFP sẽ cạn kiệt hoàn toàn lương thực vào tháng 10 tới. Ðại diện của WFP tại Syria, ông Kenn Crossley (K.Cro-xli) cho biết, không thể tiếp tục cắt giảm khẩu phần viện trợ, vì vậy, giải pháp duy nhất là giảm số người nhận viện trợ.

Kể từ khi xung đột bùng phát tại Syria năm 2011 đến nay, hơn 500.000 người đã thiệt mạng. Theo Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR), hơn 14 triệu người Syria đã phải rời bỏ nhà cửa. Cho đến nay, vẫn có khoảng 6,8 triệu người đang di tản trong nước - nơi mà gần như toàn bộ người dân đều sống dưới mức nghèo. Khoảng 5,5 triệu người tị nạn Syria đang lánh nạn tại Thổ Nhĩ Kỳ, Liban, Jordan, Iraq và Ai Cập.

Từ năm 2011 đến nay, EU và các quốc gia thành viên đã huy động hơn 30 tỷ euro để đối phó với cuộc khủng hoảng ở Syria. Là nhà tài trợ chính về viện trợ nhân đạo và khả năng phục hồi cho Syria và khu vực, EU và các quốc gia thành viên cho biết sẽ tiếp tục huy động tất cả các công cụ sẵn có để giúp người dân Syria đạt được một giải pháp chính trị đáng tin cậy, đồng thời tạo điều kiện mang lại một tương lai tốt đẹp hơn cho tất cả người dân Syria. Tuy nhiên, EU cho biết sẽ duy trì các biện pháp trừng phạt đối với chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad (B.Át-xát), đồng thời không ủng hộ việc hồi hương người Syria trừ khi họ tự nguyện và các hoạt động phải được tiến hành an toàn dưới sự giám sát của các tổ chức quốc tế. Ðể thay đổi chính sách về Syria, EU yêu cầu Damascus phải thực hiện những cải cách chính trị.

Hội nghị nêu trên đã khẳng định cam kết của quốc tế dành sự hỗ trợ thiết thực cho Syria. Tuy nhiên, ngoài vấn đề tài chính, cuộc khủng hoảng Syria cần một giải pháp chính trị toàn diện, phù hợp với Nghị quyết 2254 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, theo đó khôi phục chủ quyền, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia Trung Ðông, đáp ứng những nguyện vọng chính đáng của người dân Syria.