Dù thế giới đang phải căng mình đối phó biến thể Omicron đầy nguy hiểm nhưng Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres vẫn quyết tâm thực hiện chuyến đi lịch sử tới Liban. Trước thềm chuyến thăm, Tổng Thư ký Liên hợp quốc kêu gọi tập trung các nguồn lực hỗ trợ Liban thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế-tài chính được đánh giá là tồi tệ nhất thế giới kể từ những năm 1850. Theo ông Guterres, người dân quốc gia Trung Đông này đang rất cần sự ủng hộ, viện trợ, “tương thân, tương ái” của cộng đồng quốc tế. Trong khuôn khổ chuyến thăm, ông Guterres đã có cuộc gặp Tổng thống nước chủ nhà Michel Aoun (M.A-un), nhấn mạnh thông điệp “Liên hợp quốc luôn sát cánh cùng người dân Liban”.
Tổng Thư ký Guterres kêu gọi các nước thành viên Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế tăng cường hỗ trợ Liban. Theo ông, Liban cần được hỗ trợ vì người dân nước này đang trong hoàn cảnh rất khó khăn. Tổng Thư ký Liên hợp quốc cho rằng, Liban cần sớm đạt thỏa thuận với Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và các tổ chức để tái cơ cấu nền kinh tế, tạo nguồn lực tài chính cho công cuộc khôi phục và phát triển đất nước. Trong bối cảnh đó, Tổng thống Michel Aoun khẳng định, Liban đang xúc tiến kế hoạch tái khởi động nền kinh tế, thúc đẩy các cải cách kinh tế-tài chính và bộ máy hành chính.
Một nhiệm vụ quan trọng của Tổng Thư ký Liên hợp quốc Guterres trong chuyến công du này là thúc đẩy đoàn kết ở thượng tầng Liban, khi Chính phủ quốc gia Trung Đông chưa thể nhóm họp trở lại kể từ tháng 8 năm nay do mâu thuẫn nội bộ khó hàn gắn. Chính quyền của Thủ tướng Najib Mikati từng cam kết trước Tổng thống Aoun và nhân dân Liban là sẽ nỗ lực tìm lối thoát cho cuộc khủng hoảng, vực dậy nền kinh tế và tái thiết đất nước. Tuy nhiên, các cam kết của chính quyền Thủ tướng Mikati chưa trở thành hiện thực khi mâu thuẫn nội tại vẫn còn căng thẳng, khiến những nỗ lực thoát khỏi khủng hoảng của Liban như “đâm vào ngõ cụt”.
Dù đã rất nỗ lực nhưng Thủ tướng Mikati chưa thể “hạ nhiệt” cuộc khủng hoảng kinh tế-tài chính tồi tệ ở Liban. Lạm phát luôn ở mức 84,3% trong năm 2020. Tình trạng thiếu nhiên liệu, điện và nước nghiêm trọng cũng ảnh hưởng xấu đến đời sống của người dân, trong bối cảnh phần lớn dân số Liban đang sống dưới mức nghèo khổ. Tốc độ phát triển kinh tế của Liban được dự báo sẽ giảm 9,5% trong năm nay, trong khi tỷ lệ thất nghiệp luôn ở mức 40%. Ngân hàng Thế giới (WB) đưa ra những thông tin “ảm đạm” về nền kinh tế Liban, trong đó Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2020 đã giảm 20,3%, sau khi ghi nhận mức giảm 6,7% năm 2019. Thực tế, GDP của Liban đã giảm mạnh từ khoảng 55 tỷ USD năm 2018 xuống còn 33 tỷ USD năm 2020.
Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế-tài chính nghiêm trọng ở Liban chưa tìm thấy “ánh sáng cuối đường hầm”, chuyến thăm của Tổng Thư ký Liên hợp quốc là một sự động viên rất có ý nghĩa đối với người dân quốc gia Trung Đông này trong công cuộc khôi phục kinh tế và tái thiết đất nước, đồng thời truyền đi một thông điệp mạnh mẽ: Cộng đồng quốc tế không bao giờ bỏ Liban ở lại phía sau.