Đồng chí Lê Khánh Hải, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước chủ trì họp báo. Cùng dự, có đại diện các cơ quan bộ, ngành liên quan, đông đảo phóng viên trong nước và quốc tế.
Phát biểu ý kiến tại buổi họp báo, đồng chí Lê Khánh Hải cho biết, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã tiến hành đặc xá cho rất nhiều đối tượng. Năm 2021 diễn ra nhiều sự kiến chính trị quan trọng, xuất phát từ truyền thống nhân đạo và chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước, từ tình hình thực tế và Hiến pháp năm 2013 và Luật Đặc xá năm 2018, theo đề nghị của Chính phủ, Chủ tịch nước đã ký Quyết định đặc xá số 1161/2021/QĐ-CTN nhân dịp kỷ niệm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2021.
Theo Quyết định này, thực hiện đặc xá tha tù trước thời hạn cho người bị kết án phạt tù có thời hạn, tù chung thân, thời gian đã chấp hành án phạt tù để xét đặc xá tính đến ngày 31/8/2021.
Như vậy, đây là lần đầu tiên kể từ khi Luật Đặc xá được sửa đổi vào năm 2018, Chủ tịch nước quyết định đặc xá nhằm thực hiện chính sách khoan hồng, nhân đạo của Đảng, Nhà nước và truyền thống nhân đạo của dân tộc đối với người phạm tội bị kết án phạt tù; khuyến khích họ phấn đấu học tập, rèn luyện tiến bộ trở thành người có ích cho xã hội.
Tại buổi họp báo, trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Nhân Dân chung quanh những nội dung mới trong công tác đặc xá đợt này trong bối cảnh phòng, chống dịch Covid-19, Thiếu tướng Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Công an cho biết: Các cơ quan hữu quan chú trọng công tác chuẩn bị tốt, trong đó người được đặc xá lần này được thực hiện chính sách tái hòa nhập cộng đồng theo quy định của Nhà nước đã ban hành chung.
Chính sách tái hòa nhập cộng đồng trong bối cảnh Covid-19 diễn biến phức tạp sẽ có những biện pháp phù hợp, chấp hành nghiêm chỉnh theo đúng quy định của ngành Y tế để bảo vệ người được đặc xá không bị mắc Covid-19, làm tốt công tác phòng, chống dịch.
Lãnh đạo Bộ Công an thông tin thêm, hiện hệ thống các trại giam của Việt Nam đang giam giữ hơn 600 phạm nhân 28 nước và một số không xác định quốc tịch. Những phạm nhân có quốc tịch nước ngoài cũng sẽ được ứng xử công bằng như phạm nhân có quốc tịch Việt Nam trong đợt đặc xá lần này nếu đủ điều kiện.
Quyết định đặc xá số 1161 nêu rõ việc đặc xá trong trường hợp đặc biệt. Theo đó, Chính phủ chủ trì, phối hợp Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các cơ quan, tổ chức có liên quan lập hồ sơ của người được đề nghị đặc xá trong trường hợp đặc biệt theo Điều 22, Điều 23 của Luật Đặc xá để trình Chủ tịch nước xem xét, quyết định.
Quyết định được công bố sáng nay cũng yêu cầu Chính phủ chỉ đạo tổ chức tuyên truyền, phổ biến về ý nghĩa, mục đích và nội dung của hoạt động đặc xá; chỉ đạo Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, các cơ quan khác của Chính phủ và UBND các cấp thực hiện đặc xá theo quy định của Luật Đặc xá, Quyết định của Chủ tịch nước về đặc xá năm 2021 và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Vừa qua, ngày 4/5, tại Hà Nội, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chủ trì buổi làm việc với lãnh đạo các cơ quan gồm: Ban Nội chính Trung ương, Văn phòng Chủ tịch nước, các cơ quan tư pháp Trung ương và Bộ Công an về việc thi hành Luật Đặc xá năm 2018.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho biết, đặc xá khẳng định chính sách khoan hồng đặc biệt của Đảng, Nhà nước ta đối với những phạm nhân có kết quả học tập, rèn luyện, lao động, phấn đấu cải tạo tốt. Đặc biệt, Chủ tịch nước yêu cầu việc triển khai đặc xá phải thực hiện theo quy trình chặt chẽ, công khai, minh bạch, đúng quy định của pháp luật và không để xảy ra tiêu cực.
Trước đó, thực hiện Luật Đặc xá năm 2007, Chủ tịch nước đã bảy lần quyết định về đặc xá nhân các ngày lễ lớn, sự kiện trọng đại của đất nước. Sau 10 năm thực hiện luật, tổng số phạm nhân được Chủ tịch nước quyết định đặc xá cho hơn 87.000 người; nhờ công tác hỗ trợ người được đặc xá được thực hiện tốt nên số người tái phạm tội rất thấp.