Công an Vĩnh Phúc đấu tranh với tội phạm sử dụng công nghệ cao

Trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc xuất hiện nhiều vụ việc các đối tượng lợi dụng mạng internet, mạng viễn thông để thực hiện các hành vi phạm tội và vi phạm pháp luật. Công an tỉnh đã đấu tranh quyết liệt nhằm ngăn chặn hành vi phạm tội, triệt phá các ổ nhóm tội phạm sử dụng công nghệ cao.
0:00 / 0:00
0:00
Cán bộ, chiến sĩ đơn vị Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao truy xét tội phạm.
Cán bộ, chiến sĩ đơn vị Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao truy xét tội phạm.

Thời gian gần đây, Công an tỉnh Vĩnh Phúc tiếp nhận tố giác tội phạm của nhiều công dân về việc bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua việc tham gia nạp tiền đầu tư mở gian hàng ảo, tham gia dự đoán thị trường vàng ảo, tiền ảo. Tội phạm sử dụng công nghệ cao có xu hướng gia tăng.

Từ tình hình trên, ngày 28/9/2021, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh (Phòng PA05) được thành lập, nhanh chóng bắt tay cùng với các đơn vị khác tiến hành điều tra, truy xét, bắt giữ nhiều đối tượng phạm tội.

Qua nắm tình hình, Phòng PA05 phối hợp với Phòng Cảnh sát hình sự phát hiện trên địa bàn thành phố Vĩnh Yên có một số đối tượng hoạt động liên kết với nhau hình thành đường dây tổ chức đánh bạc, đánh bạc với quy mô rất lớn. Các đối tượng sử dụng phần mềm Zalo, Messenger để thực hiện hành vi đánh bạc, sử dụng các phần mềm để quản lý tin nhắn chuyển đi, tin nhắn đến, tự tính tiền, cân bảng lô đề...

Ngày 1/10/2022, Công an tỉnh thành lập nhiều tổ công tác gồm cảnh sát hình sự, cảnh sát cơ động, Phòng PA05, công an các huyện, thành phố đồng loạt tấn công, triệu tập, khám xét nhà các đối tượng có vai trò cầm đầu trong đường dây tổ chức đánh bạc, đánh bạc. Trong chuyên án này, lực lượng công an đã triệu tập, khống chế 18 đối tượng, thu giữ nhiều đồ vật, tài liệu liên quan, tạm giữ hơn một tỷ đồng và 15 điện thoại di động.

Qua công tác trinh sát, Phòng PA05 phát hiện một nhóm đối tượng sử dụng không gian mạng để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng thủ đoạn giả danh ngân hàng cho vay vốn online. Công an đã truy xét, bắt giữ 2 đối tượng là Lê Văn Dinh, Lê Quý Cường.

Tại Cơ quan điều tra, hai đối tượng khai nhận, từ đầu tháng 5/2022, chúng thiết kế giao diện giả mạo Ngân hàng Sacombank với thông tin về việc cho vay vốn online rồi chạy quảng cáo trên các trang mạng xã hội. Các đối tượng sử dụng tài khoản Zalo ảo, giả danh là nhân viên Ngân hàng Sacombank ở phường Quang Trung, quận Hà Đông, Hà Nội để liên lạc với các khách hàng có nhu cầu vay vốn, sử dụng số điện thoại 02466589070 lắp vào chiếc điện thoại có chức năng giả giọng nam, nữ để liên lạc, tư vấn cho khách hàng.

Đến lúc bị bắt giữ, các đối tượng đã lừa đảo chiếm đoạt hơn 600 triệu đồng của 70 người. Trong vụ việc này, cơ quan điều tra đã thu giữ nhiều vật chứng liên quan, trong đó có 8 điện thoại di động, 6 tài khoản ngân hàng, 4 căn cước công dân, 1 xe mô-tô.

Từ năm 2022 đến nay, Phòng PA05 phối hợp với các đơn vị Công an tỉnh đã phát hiện, khởi tố 121 vụ, với 215 bị can về các tội danh sử dụng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đánh bạc, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản; thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng; môi giới mại dâm, mua bán người dưới 16 tuổi...

Phương thức, thủ đoạn mà các đối tượng sử dụng không mới, chủ yếu vẫn là chiếm dụng quyền sở hữu tài khoản mạng xã hội Facebook, Zalo; mạo danh người thân, cơ quan thực thi pháp luật, nhân viên ngân hàng, nhân viên chăm sóc khách hàng của các nhà mạng. Gần đây nhất, các đối tượng đã lợi dụng công nghệ Deepfake để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Trung tá Vũ Văn Hào, Đội trưởng Đội Trật tự xã hội PA05 cho biết: Lực lượng công an gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc đấu tranh với tội phạm công nghệ cao. Nhiều vụ án, vụ việc không bắt được đối tượng gây án vì chúng sử dụng tài khoản Facebook ảo, sim rác, địa chỉ giả, hình ảnh giả.

Nhiều phần mềm ứng dụng mạng xã hội có máy chủ ở nước ngoài, không thể can thiệp, hoặc mất rất nhiều thời gian truy xét. Lợi dụng việc mở tài khoản ngân hàng dễ dàng, các đối tượng thuê học sinh, sinh viên mở tài khoản ở nhiều ngân hàng rồi mua lại với giá từ 500 nghìn đồng đến 5 triệu đồng. Việc truy vết theo kênh ngân hàng mất rất nhiều thời gian.

Để phòng ngừa tội phạm mạng, Công an tỉnh đã tích cực tuyên truyền, phổ biến các phương thức, thủ đoạn phổ biến mà đối tượng xấu thường thực hiện. Lực lượng trực tiếp đấu tranh với tội phạm sử dụng công nghệ cao cũng được đào tạo, tập huấn, trang bị thêm nhiều phương tiện máy móc hiện đại.

Trao đổi về những khó khăn trong công tác điều tra, Trung tá Đỗ Đình Thành, Trưởng Phòng PA05 cho biết: Tội phạm sử dụng công nghệ cao sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, ẩn danh. Đặc điểm của loại tội phạm này là có yếu tố liên tỉnh, xuyên quốc gia.

Các đối tượng cầm đầu chỉ đạo, điều hành hoạt động chủ yếu tập trung tại các khu vực miền trung, miền nam và cả nước ngoài, gây khó khăn nhất định cho việc xác minh, truy nguyên đối tượng và phối hợp xử lý. Người bị hại thường tự thực hiện các giao dịch, sau nhiều ngày biết mình bị lừa mới đến cơ quan công an trình báo, khi đó đối tượng gây án đã lẩn trốn và tẩu tán hết tài sản.

Thông tin cá nhân, dữ liệu liên quan đến hoạt động tài chính bị mua bán, trao đổi là một trong các yếu tố làm tăng tính phức tạp của các loại tội phạm sử dụng công nghệ cao. Do đó, các cấp, các ngành và địa phương trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đang phối hợp chặt chẽ trong bảo đảm an ninh, an toàn trên không gian mạng, tuyên truyền để người dân bảo vệ tài khoản mạng xã hội, tài khoản ngân hàng và thông tin cá nhân, tránh bị kẻ xấu lợi dụng.