Công an Hà Nội khám phá đường dây buôn bán thuốc kháng sinh giả

Những kẻ buôn thuốc kháng sinh giả và tang vật vụ án.
Những kẻ buôn thuốc kháng sinh giả và tang vật vụ án.

Chiều 4-1, hai tổ công tác của Đội chống hàng giả Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ - Công an TP Hà Nội đã phát hiện và bắt giữ Lê Huy Quỳnh, 23 tuổi, quê ở huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An, là sinh viên tại chức Trường Đại học Kinh tế quốc dân; Vũ Huy Thắng, 32 tuổi (cậu ruột của Quỳnh), cả hai đang tạm trú ở tổ 16, phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng, khi đang vận chuyển 804 gói thuốc Clamoxyl giả (có hàm lượng 250mg).

Qua lời khai của Quỳnh và Thắng thì số thuốc giả trên vừa nhận từ cửa hàng tân dược ở 54 phố Kim Ngưu, quận Hai Bà Trưng của Trần Tuấn Anh, 24 tuổi, trú ở ngõ 77 Lạc Trung, quận Hai Bà Trưng.

Ngay trong đêm, Cơ quan CSĐT – Công an TP Hà Nội đã ra lệnh khám xét khẩn cấp bốn điểm (nhà thuốc 54 Kim Ngưu, nơi ở Trần Tuấn Anh cùng hai nơi ở của Thắng và Quỳnh). Tại bốn điểm trên, CQĐT đã thu được nhiều sổ sách, giấy tờ về hành vi buôn bán tân dược giả. Tổng số thuốc Clamoxyl giả thu giữ là 172 hộp = 2.064 gói.

Cả bốn đối tượng này đều được áp giải về trụ sở Cơ quan CSĐT. Bước đầu, Quỳnh và Thắng khai nhận: Trước đó Trần Tuấn Anh đã giao cho Thắng 1.896 gói thuốc giả để Thắng đưa về Nghệ An bán lẻ và Thắng đã giao 60 hộp cho nhiều nhà thuốc tư nhân ở Hà Nội.

Trần Tuấn Anh khai về nguồn gốc thuốc Clamoxyl: Vào tháng 6-2005, y đã nhiều lần mua thuốc này tại Lạng Sơn của một đối tượng nữ tên là Chắn, người Trung Quốc thường xuất hiện ở khu vực Đồng Đăng (Lạng Sơn) với số lượng là 19.200 gói.

Bắt đầu thời điểm từ tháng 6, tháng 7-2005, Tuấn Anh đã mua của Chắn năm kiện thuốc Clamoxyl giả có số lô 143, hạn sử dụng 7-2007 (mỗi kiện có 200 hộp, mỗi hộp có 12 gói thuốc); sau đó, Chắn tiếp tục chuyển cho Tuấn Anh ba kiện thuốc Clamoxyl giả có số lô 144, hạn sử dụng 11-2006.

Thuốc kháng sinh Clamoxyl do Pháp sản xuất đã được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam cấp giấy chứng nhận từ ngày 21-3-2005. Thuốc có tác dụng điều trị viêm nhiễm cấp tính đường hô hấp trẻ em, giá bán là 4.100đồng/gói.

Báo cáo xét nghiệm sản phẩm thuốc Clamoxyl giả qua mẫu thu được trong giai đoạn trinh sát chuyên án này cho thấy, các mẫu thuốc Clamoxyl 250mg có lô số 143, hạn sử dụng 7-2007 và số lô 144, hạn sử dụng 11-2006 là hàng giả, không tìm thấy bất cứ dấu hiệu nào của thành phần Amoxicilin hoạt tính và chỉ có chất duy nhất được tìm thấy là đường kết tinh. Quan sát bằng mắt thường là bột mì trộn với đường tinh. Vì thế các hộp thuốc và mẫu thuốc bên trong hoàn toàn giả và không có bất cứ tác dụng  chữa bệnh nào đối với bệnh nhân.

Theo CQĐT, để phân biệt thuốc Clamoxyl thật, người sử dụng khi dùng tay sờ bên ngoài gói thuốc thấy mịn, còn thuốc giả sờ tay thấy lổn nhổn (cảm quan thuốc giả được làm bằng đường kính và một số hóa chất khác). Khi mua thuốc này sử dụng cho trẻ em, gia đình người bệnh cần đến các nhà thuốc có uy tín, theo kê đơn của bác sĩ...

Ban chuyên án đánh giá, hành vi buôn bán thuốc kháng sinh Clamoxyl giả của Trần Tuấn Anh và đồng bọn là rất nghiêm trọng, gây nguy hiểm dến sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng và đặc biệt làđối với trẻ em. Hành vi trên phạm vào Điều 157 Bộ luật Hình sự, tội buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh.

Hiện vụ án đang được điều tra mở rộng, đồng thời có kế hoạch thu hồi số thuốc Clamoxyl giả đang lưu hành trên thị trường.

Tổng hợp