‘Cơn sốt’ Robusta hạ nhiệt, mục tiêu vượt 4 tỷ USD gặp trở ngại

Mục tiêu kim ngạch xuất khẩu cà-phê vượt 4 tỷ USD trong năm thứ hai đang trở nên xa hơn khi vấp phải những thách thức mới trong thời điểm “nước rút”.
0:00 / 0:00
0:00
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Giá cà-phê Việt ‘mất đà’ từ đầu niên vụ mới

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho biết, giá Robusta trên Sở Giao dịch Liên lục địa châu Âu (ICE-EU) kết phiên 10/10 ở mức 2.331 USD/tấn, giảm 20,4% so với mức cao nhất trong 15 năm là 2.930 USD/tấn vào giữa tháng 6. Đồng thời, giá cà-phê nhân xô thu mua tại Việt Nam đã giảm khoảng 5.000 đồng/kg so với mức đỉnh lịch sử hồi tháng 9, về mức 63.700 đồng/kg. Nguồn cung dần cải thiện là nguyên nhân chính dẫn đến sự suy yếu của giá cà-phê trong thời gian gần đây.

‘Cơn sốt’ Robusta hạ nhiệt, mục tiêu vượt 4 tỷ USD gặp trở ngại ảnh 1

Là quốc gia cung ứng Robusta lớn thứ hai thế giới, Brazil “ồ ạt” xuất khẩu cà-phê từ đầu tháng 7 đã khiến lo ngại nguồn cung thấp dịu lại. Số liệu từ Hiệp hội Những nhà xuất khẩu cà-phê (CECAFE) cho thấy, trong 3 tháng gần nhất, quốc gia Nam Mỹ đã xuất đi 1,82 triệu bao Robusta dạng hạt, cao gấp 4,3 lần so cùng kỳ năm trước, thậm chí cao hơn tổng số 1,51 triệu bao đã xuất khẩu trong năm 2022.

Hơn thế, hoạt động thu hoạch cà-phê diễn ra thuận lợi tại quốc gia cung cấp Robusta lớn nhất thế giới - Việt Nam giúp các nhà đầu tư đặt kỳ vọng vào việc sớm bổ sung lượng cà-phê vào thị trường.

Ông Dương Đức Quang, Phó Tổng Giám đốc Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam cho biết: “Nếu thu hoạch cà-phê tại Việt Nam tiếp tục thuận lợi, giá Robusta nói chung và giá cà-phê Việt Nam nói riêng còn hạ tiếp trong ba tháng cuối năm. Cụ thể, giá Robusta khả năng cao chỉ dao động quanh mốc 2.100 USD/tấn và giá cà phê nội địa có thể về khoảng 55.000 VND/kg”.

‘Cơn sốt’ Robusta đã chững

Không chỉ dừng lại ở vấn đề về nguồn cung, nhu cầu đối với cà-phê Robusta - sản phẩm thế mạnh của Việt Nam cũng dần chững lại so với “cơn sốt” hồi đầu năm.

Kinh tế thế giới khởi sắc so với bức tranh u ám vào cuối năm 2022 và đầu năm 2023, khiến người tiêu dùng tại Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) quay lại ưu tiên sử dụng Arabica. Trong báo cáo mới nhất vào đầu tháng 10, Tổ chức Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo, tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2023 đạt 3%, tăng 3 điểm phần trăm so mức 2,7% được đưa ra vào cuối năm 2022.

Cùng với đó, chênh lệch giá giữa hai dòng cà-phê Arabica và Robusta đang thu hẹp dần, cũng khiến các doanh nghiệp sản xuất cà-phê hòa tan giảm tỷ trọng thay thế Arabica bằng Robusta trong cơ cấu sản phẩm. Theo MXV, chênh lệch giữa giá Arabica và Robusta tính đến ngày 11/10 còn khoảng 900 USD/tấn, giảm mạnh so thời điểm những tháng đầu năm 2023, khi giá Arabica cao gấp hơn hai lần so Robusta.

‘Cơn sốt’ Robusta hạ nhiệt, mục tiêu vượt 4 tỷ USD gặp trở ngại ảnh 2

Về dài hạn, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cũng cho biết, “khẩu vị” nhập khẩu cà-phê của quốc gia tiêu thụ mặt hàng này lớn nhất thế giới đang có sự chuyển dịch từ hạt Robusta sang cà-phê đã qua chế biến.

Trong 10 năm, lượng cà-phê Robusta nhập khẩu vào Mỹ giảm từ 6,1 triệu bao (366.000 tấn) trong niên vụ 2011-2012 xuống còn 3,6 triệu bao trong niên vụ 2020-21. Cùng với đó, tỷ trọng nhập khẩu cà-phê qua chế biến tăng từ 3,1% trong niên vụ 2018/19 lên 6,4% trong ước tính niên vụ 2023-24.

Như vậy, những xu hướng mới trong tiêu thụ cà-phê trên toàn cầu mà đi đầu là Mỹ đang dần dịch chuyển theo hướng bất lợi cho hoạt động xuất khẩu cà-phê Robusta dạng hạt. Điều này đặt ra bài toán “thay đổi khẩu vị” xuất khẩu cà-phê của Việt Nam. Thống kê từ USDA cũng cho thấy, 90% cà-phê Robusta nhập khẩu từ Việt Nam ở dạng hạt.

Cà-phê gặp trở ngại khi chinh phục kỷ lục mới

Chỉ còn chưa đến 3 tháng để Việt Nam kết thúc hoạt động xuất khẩu cà-phê năm 2023. Trong bối cảnh “nước rút”, những thách thức xuất phát từ cả hai phía cung-cầu đều đang là lực cản cho mục tiêu kim ngạch xuất khẩu cà-phê.

Đầu tháng 9 vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ước tính, xuất khẩu cà phê năm 2023 ở mức 1,72 triệu tấn và kim ngạch đạt 4,2 tỷ USD. Đây sẽ là giá trị xuất khẩu cà-phê cao nhất từ trước đến nay và là năm thứ hai liên tiếp kim ngạch cà-phê của Việt Nam vượt 4 tỷ USD. Tuy nhiên, con số kỳ vọng này đưa ra trong bối cảnh giá Robusta nói chung và giá cà-phê nội địa Việt Nam đang ở vùng giá cao kỷ lục.

Trong khi đó, tâm lý lạc quan hơn về nguồn cung trên thị trường ở hiện tại, cùng nhu cầu về Robusta hạ nhiệt khiến giá cà-phê không thể tích cực như thời điểm đưa ra dự báo.

Hơn nữa, lượng cà-phê xuất khẩu tại Việt Nam đang chậm lại và khoảng cách tới mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 4,2 triệu USD vẫn còn ở khá xa. Tổng cục Hải quan cho biết, lũy kế xuất khẩu cà-phê 9 tháng đầu năm 2023 của Việt Nam chỉ ở mức 1,25 triệu tấn, giảm 8,3% so cùng kỳ năm trước và kim ngạch, cao hơn không đáng kể 0,7%, thay vì mức tăng 3,1% trong 8 tháng đầu năm.

Theo tính lịch sử chu kỳ, đến tháng 11, lượng cà-phê xuất khẩu từ nước ta mới có thể cải thiện rõ ràng khi hoạt động thu hoạch diễn ra tập trung và nguồn cung mới trở nên sẵn sàng.

‘Cơn sốt’ Robusta hạ nhiệt, mục tiêu vượt 4 tỷ USD gặp trở ngại ảnh 3

“Việt Nam vẫn có thể đạt được mục tiêu kim ngạch xuất khẩu cà-phê vượt mức 4 tỷ USD trong năm thứ hai liên tiếp nhưng sẽ cần nhiều nỗ lực hơn. Do đó, để mục tiêu trở nên chắc chắn, các doanh nghiệp xuất khẩu cà-phê nên bắt tay cùng nông dân từ sớm, để đẩy nhanh quá trình đưa hạt cà-phê ra quốc tế. Đồng thời, song song thực hiện chiến lược gia tăng tỷ lệ cà-phê qua chế biến trong xuất khẩu nhằm phù hợp nhu cầu mới của thị trường, giúp giảm thiểu tác động từ đà giảm của giá cà-phê”, ông Quang nhận định.