Nguy cơ gia tăng ca nhiễm HIV trong nhóm MSM
Trong những năm gần đây, hình thái lây nhiễm HIV thay đổi rõ rệt từ lây truyền qua đường máu ở nhóm nghiện chích ma túy sang lây truyền qua đường tình dục. Nhóm MSM liên tục chiếm tỷ lệ cao trong số mới phát hiện hằng năm (trên 40%). Kết quả ước tính và dự báo cũng cho thấy MSM là nhóm nguy cơ chính của dịch HIV tại Việt Nam.
Về địa bàn, các trường hợp nhiễm HIV mới phát hiện chủ yếu ở khu vực phía nam và các thành phố lớn - nơi có nhiều khu công nghiệp, trường đại học, là nơi tập trung kinh tế, văn hóa, giáo dục nên dân cư đổ về làm việc, học tập đông, dễ xảy ra các hành vi nguy cơ làm lây nhiễm HIV. Đặc biệt khu vực Đông Nam Bộ và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long chiếm gần 70% số người nhiễm HIV mới phát hiện trong 9 tháng đầu năm 2024.
Tỷ lệ hiện nhiễm HIV trong nhóm MSM có xu hướng tăng rất nhanh trong thời gian qua (tỷ lệ hiện nhiễm HIV trong nhóm MSM trong giám sát trọng điểm HIV tăng từ 7,4% năm 2016 lên 12,5% năm 2022).
Nhằm ngăn chặn xu hướng gia tăng nhanh chóng của dịch HIV trong nhóm nam quan hệ đồng tính (MSM) và những người có hành vi nguy cơ cao, việc mở rộng điều trị PrEP trên toàn quốc là một trong những ưu tiên hàng đầu, hướng đến mục tiêu đến năm 2025 có 70% người có hành vi nguy cơ cao ở Việt Nam (tương đương khoảng 72.000 người) sử dụng PrEP, và tiến tới mục tiêu quốc gia chấm dứt dịch AIDS vào năm 2030.
Ngay sau khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về hiệu quả của PrEP, Việt Nam đã triển khai thử nghiệm cung cấp dịch vụ PrEP tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Sau thành công của giai đoạn thí điểm, với sự hỗ trợ từ các dự án PEPFAR và Quỹ Toàn cầu, Bộ Y tế đã mở rộng cung cấp dịch vụ PrEP tại 29 tỉnh, thành phố, với hơn 200 cơ sở cung cấp dịch vụ này.
Việt Nam đã triển khai đồng bộ, hiệu quả các mô hình PrEP khác nhau. Trong giai đoạn 2020-2024, cả nước đã có 111.159 người sử dụng PrEP ít nhất một lần, và tỷ lệ duy trì điều trị từ 3 tháng trở lên đạt hơn 70%. WHO đã đánh giá Việt Nam là một trong những quốc gia đi đầu trong việc áp dụng các khuyến cáo mới vào chương trình HIV quốc gia.
Chương trình PrEP đã giúp giảm nguy cơ lây nhiễm HIV. |
Theo đó, chương trình PrEP đã giúp giảm nguy cơ lây nhiễm HIV, đặc biệt trong cộng đồng MSM. Số lượng người sử dụng PrEP ngày càng tăng, cho thấy sự nhận thức và tiếp cận của cộng đồng với dịch vụ này đã được cải thiện đáng kể.
Các nghiên cứu đã khẳng định PrEP có hiệu quả cao trong việc ngăn ngừa lây nhiễm HIV khi được sử dụng đúng cách.
Dịch vụ PrEP hiện đã được mở rộng đến nhiều tỉnh, thành phố, tạo điều kiện thuận lợi cho những người có nguy cơ cao tiếp cận dịch vụ.
Còn nhiều thách thức
Để đạt được mục tiêu 40% nam giới quan hệ tình dục đồng giới (MSM) sử dụng PrEP vào năm 2030 theo Chiến lược Quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS, theo Cục Phòng, chống HIV/AIDS còn rất nhiều thách thức.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phan Thị Thu Hương, dù nhận thức về PrEP đã được cải thiện, vẫn còn một số lượng lớn người dân, đặc biệt là các nhóm dân tộc thiểu số và người di cư, chưa hiểu rõ hoặc chưa tiếp cận được thông tin về PrEP.
Một số khu vực vẫn gặp khó khăn trong việc tiếp cận dịch vụ PrEP do thiếu cơ sở vật chất, nhân lực và thông tin.
Mặc dù số lượng người sử dụng PrEP đã tăng, tỷ lệ nam giới quan hệ đồng tính (MSM) sử dụng PrEP vẫn chưa đạt được mục tiêu đề ra.
Một số người sử dụng PrEP không tuân thủ phác đồ điều trị đầy đủ, dẫn đến việc giảm hiệu quả của thuốc.
Vai trò của các nhóm cộng đồng trong thúc đẩy nhu cầu sử dụng PrEP. |
Người sử dụng PrEP vẫn phải đối mặt với sự kỳ thị và phân biệt đối xử, điều này ảnh hưởng đến việc họ tìm kiếm và duy trì sử dụng dịch vụ.
Theo Cục Phòng, chống HIV/AIDS, để tăng nhóm MSM tiếp cận dịch vụ PrEP, Bộ Y tế cần hoàn thiện các văn bản chính sách và hướng dẫn liên quan đến cung cấp dịch vụ PrEP.
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh vai trò của các nhóm cộng đồng, phối hợp với các cơ sở y tế và những người có ảnh hưởng trong cộng đồng, đồng thời đa dạng hóa các hình thức truyền thông để thúc đẩy nhu cầu sử dụng PrEP.
Về chuyên môn kỹ thuật, triển khai nhiều mô hình cung cấp dịch vụ PrEP, bao gồm: mô hình cố định, kết hợp giữa cố định và lưu động, và từ xa; thực hiện theo dõi, giám sát để bảo đảm chất lượng dịch vụ; nâng cao năng lực trong việc lập kế hoạch, quản lý, điều phối và huy động nguồn lực.
Để bảo đảm cung ứng thuốc và sinh phẩm, cần kêu gọi sự hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế để cung cấp thuốc và sinh phẩm HIV cho PrEP, đồng thời xây dựng hướng dẫn tiếp cận nguồn thuốc và sinh phẩm trong nước.
Bảo đảm nguồn lực tài chính bền vững rất quan trọng trong cung ứng dịch vụ và thuốc PrEP. Do đó, cần tiếp tục huy động nguồn tài trợ quốc tế để đạt được các chỉ tiêu của chiến lược chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030.
Vận động chính sách để kêu gọi nguồn lực tài chính từ các địa phương, bao gồm việc xây dựng khung giá dịch vụ PrEP tại các cơ sở y tế công lập để làm cơ sở cho nguồn ngân sách địa phương. Tiếp tục vận động để đưa một số dịch vụ PrEP vào danh mục được bảo hiểm y tế chi trả khi đã có đủ bằng chứng về hiệu quả; thực hiện lộ trình triển khai PrEP thương mại cho một số nhóm đối tượng.
Những giải pháp này nhằm bảo đảm chương trình PrEP tại Việt Nam phát triển bền vững và đóng góp tích cực vào mục tiêu chấm dứt dịch AIDS vào năm 2030.