Còn nhiều phàn nàn về xe buýt TP Hồ Chí Minh

Thành phố Hồ Chí Minh hiện có 2.871 xe buýt các loại, hoạt động trên 143 tuyến. Bên cạnh những mặt tích cực được đánh giá cao, xe buýt thành phố cũng đang gánh chịu nhiều lời phàn nàn, thậm chí bức xúc của nhân dân.

Xe buýt đi đúng làn đường, dừng đúng bến, bảo đảm an toàn giao thông.
Xe buýt đi đúng làn đường, dừng đúng bến, bảo đảm an toàn giao thông.

Điều gây bức xúc nhất trong dư luận thời gian gần đây là những vụ tai nạn giao thông liên quan đến xe buýt. Theo thống kê của Ban An toàn giao thông thành phố, năm 2013, xe buýt trực tiếp gây ra nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng.

Có thể kể một số vụ điển hình như: Ngày 4-1, tại giao lộ Âu Cơ - Nguyễn Hồng Đào (quận Tân Bình), xe buýt biển số 53N -4775 chạy tuyến Ngã ba Giồng -Chợ Lớn, va quệt với xe máy do anh Hồ Đắc Hưng điều khiển đi cùng chiều làm anh Hưng ngã xuống đường rồi bị chiếc xe buýt này cán chết. Ngày 14-3, trên đường Đỗ Xuân Hợp (quận 9), ông Lưu Văn Quyền làm nghề bán vé số đi bộ dưới lòng đường, bị xe buýt chạy tuyến Phà Cát Lái - Chợ nông sản Thủ Đức lưu thông cùng chiều đâm chết.

Ngày 15-3, khi lưu thông trên giao lộ Nguyễn Văn Trỗi -Nguyễn Trọng Tuyển (quận Phú Nhuận), xe buýt chạy tuyến Bến Thành - Bến xe miền đông va chạm với xe máy do ông Trần Tấn Đức điều khiển. Vụ tai nạn làm ông Đức chết ngay trên đường. Ngày 5-9, trên đường Lê Văn Sỹ, thuộc địa bàn phường 14 (quận 3), chị Dương Diễm Diệp Trinh, sinh viên Trường ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh đi xe đạp điện va chạm với một xe máy khác, ngã xuống đường, bị xe buýt chạy tuyến Bến Thành -Chợ Xuân Thới Thượng (huyện Hóc Môn) cán qua người...

Từ đầu năm 2014 đến nay, trên địa bàn thành phố xảy ra chín vụ tai nạn liên quan đến xe buýt, trong đó có những vụ tai nạn gây ra nhiều cái chết thương tâm. Điển hình là vụ tai nạn xảy ra tối 28-2, tại góc đường Canmét - Lê Thị Hồng Gấm (quận 1). Do hàng rào của một công trình xây dựng lấn hết vỉa hè, ông Đỗ Văn Đặng (60 tuổi, ở quận 1) phải đi bộ dưới lòng đường. Đúng lúc này, chiếc xe buýt chạy tuyến số 19 rẽ từ đường Lê Thị Hồng Gấm sang. Xe buýt ôm sát lề, ép ông Đặng chết đứng vào hàng rào. Một vụ tai nạn khác xảy ra lúc 6 giờ 15 phút ngày 6-3 tại ngã tư Phan Xích Long - Phan Đăng Lưu (quận Phú Nhuận). Chị Nguyễn Thị Lê Thu chở hai con trai đi học. Khi đến ngã tư, xe máy của chị Thu va chạm với xe buýt biển số 53N - 4204 chạy tuyến Công viên phần mềm Quang Trung - Khu công nghệ cao. Cú va chạm làm cả ba mẹ con ngã xuống đường, cháu Nguyễn Đình Bảo Trác, 12 tuổi, học lớp 6 Trường THCS Hà Huy Tập bị xe cán qua người.

Bên cạnh số đông lái xe chấp hành tốt luật giao thông, chạy đúng tốc độ, ra vào trạm từ tốn, nhường nhịn các phương tiện khác lưu thông cùng chiều thì vẫn còn không ít lái xe phóng nhanh, vượt ẩu, lấn tuyến, lấn đường, nhất là lấn làn đường của xe hai bánh. Một trong những nguyên nhân xe buýt gây tai nạn là không có làn đường dành riêng cho loại xe này hoạt động.

Ở TP Hồ Chí Minh, gần 70% số đường phố có bề rộng mặt đường dưới bảy mét trong khi phần lớn xe buýt sức chở hơn 50 chỗ đứng ngồi, thân xe dài tới 11m. Cồng kềnh, lấn làn đường dành cho xe máy là một trong những hình ảnh phản cảm của xe buýt trong mắt nhiều người. Theo khảo sát của Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh, 70% số người đi xe buýt mong muốn xe đến, đi đúng giờ, tốc độ hợp lý. Thế nhưng, vận tốc thực tế của xe buýt chỉ đạt từ 15 đến 18km/giờ, chậm hơn rất nhiều so xe gắn máy. Cùng với đó, tình trạng chậm giờ, bỏ trạm vẫn còn xảy ra đã góp phần làm giảm sức hấp dẫn đối với người sử dụng.

Để hạn chế những mặt tiêu cực, thu hút nhiều người đi xe buýt, phấn đấu đạt 650 triệu lượt khách trong năm nay (đáp ứng khoảng 11% nhu cầu đi lại của người dân), Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh đã có kế hoạch chấn chỉnh hoạt động loại hình vận tải công cộng này. Sở đang tiếp tục nghiên cứu kế hoạch phân làn đường riêng cho xe buýt ở một số tuyến đường có đủ điều kiện; kiến nghị bổ sung, thay thế xe lớn bằng xe nhỏ hơn; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành vận tải công cộng; khảo sát, ngừng hoạt động những tuyến không hiệu quả, sắp xếp hạn chế các tuyến xe trùng; triển khai công tác quản lý hoạt động xe đưa rước học sinh, công nhân... Sở còn tăng cường kiểm tra giám sát hoạt động của xe buýt qua các tổ công tác; thiết bị giám sát hành trình lắp đặt trên xe; phối hợp Cảnh sát giao thông ghi hình, phạt "nguội" những lái xe chạy ẩu, lấn tuyến sai quy định, đồng thời kêu gọi người dân phát hiện, ghi hình những xe buýt vi phạm luật giao thông, cung cấp hình ảnh để cơ quan chức năng xử lý...

XUÂN HÙNG

"Có những lái xe buýt không chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường bộ nhưng phần lớn lái xe khác đều chấp hành rất tốt. So với các loại phương tiện khác, tỷ lệ tai nạn giao thông do xe buýt gây ra rất thấp. Năm 2013, toàn thành phố xảy ra 925 vụ tai nạn giao thông, làm chết 764 người, làm bị thương 336 người thì xe buýt gây ra bảy vụ (0,8%); làm chết bốn người (0,5%), làm bị thương ba người (0,9%). Do vậy rất cần một cái nhìn công bằng của dư luận đối với xe buýt".

DƯƠNG HỒNG THANH (Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh)

"Tôi thường xuyên đi lại bằng xe buýt, vừa không bị nắng, bị mưa, lại an toàn. Điều bất tiện là phải đổi tuyến nhiều lần. Người thành phố biết đường, thuộc tuyến thì không có vấn đề gì, còn người ở nơi khác tới thì rất lúng túng khi chọn tuyến xe phù hợp".

NGUYỄN THỊ NGHĨA (Phường Bình Hưng Hòa, quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh)

"Tôi chưa đi xe buýt lần nào, dù đi làm xa hơn chục cây số. Mọi di chuyển của tôi trong thành phố đều bằng xe gắn máy. So với xe buýt, xe gắn máy vừa nhanh hơn, ghé trường học đón con, hay tranh thủ tạt qua chợ đều thuận tiện".

LÊ THỊ CÚC (Đường Phạm Văn Chiêu, quận Gò Vấp)

Có thể bạn quan tâm