Còn nhiều khó khăn trong thực hiện Nghị quyết 98

Nghị quyết số 98/2023/QH15, ngày 24/6/2023 (Nghị quyết 98) của Quốc hội đã trao cho Thành phố Hồ Chí Minh cơ hội thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù để đột phá phát triển. Sau một năm triển khai thực hiện, dù đã đạt được những kết quả bước đầu quan trọng, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc, thậm chí có những vướng mắc nhiều năm chưa được tháo gỡ.
Một góc đô thị Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: THẾ ANH)
Một góc đô thị Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: THẾ ANH)

Những điểm sáng bước đầu

Huyện Cần Giờ là địa phương xác định Nghị quyết 98 là đòn bẩy để phát triển. Theo bà Mai Thị Tuyết Dung, Phó Trưởng phòng Tài chính-Kế hoạch huyện Cần Giờ, trong 18 nhiệm vụ kinh tế-xã hội năm 2024 của Cần Giờ thì có đến 14 nhiệm vụ thực hiện Nghị quyết 98.

Trên cơ sở Nghị quyết 98 và Nghị quyết 12-NQ/TU của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh về định hướng phát triển huyện Cần Giờ đến năm 2030, huyện sẽ triển khai xây dựng các mô hình phát triển kinh tế tuần hoàn, thân thiện môi trường trên các lĩnh vực du lịch, dịch vụ, nông nghiệp, môi trường, giao thông, năng lượng...

Tất cả những nội dung này được tích hợp vào chương trình hành động “Vì một Cần Giờ xanh”. Trong đó, huyện đã và đang xây dựng Đề án thí điểm làng xanh kết hợp TOD (lấy giao thông công cộng làm trung tâm)…

Ngoài ra, từ các cơ chế đặc thù của Nghị quyết 98, huyện tận dụng, xác định phát triển hạ tầng là trung tâm. Các dự án lớn đang được tập trung xây dựng như: cầu Cần Giờ kết nối huyện Cần Giờ với huyện Nhà Bè; khu đô thị lấn biển Cần Giờ và cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ sẽ là những bệ phóng thay đổi bộ mặt đô thị, phát triển kinh tế của huyện.

Dự án cầu Cần Giờ xây dựng xong sẽ giúp Cần Giờ thoát cảnh “qua sông lụy đò” hàng chục năm nay. Dự án khu đô thị lấn biển Cần Giờ và cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ sẽ mang lại lợi ích lớn không chỉ đối với Thành phố Hồ Chí Minh mà của cả nước. Hai dự án này sẽ tạo thêm hàng triệu việc làm, tăng thu nhập cho người dân, nâng cao dây chuyền logistics và tạo điều kiện thu hút nguồn đầu tư từ nước ngoài vào Việt Nam.

Ngoài ra, với địa thế được bao phủ bởi thiên nhiên trù phú, huyện Cần Giờ đang tập trung phát triển các mảng năng lượng xanh, thu hút đầu tư trong mảng du lịch nghỉ dưỡng, chú trọng triển khai có hiệu quả chính sách xây dựng thành phố trong rừng, rừng trong thành phố.

Tương tự, thành phố Thủ Đức cũng được hưởng lợi từ Nghị quyết 98. Theo bà Nguyễn Bạch Hoàng Phụng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức, thành quả của Nghị quyết 98 sau một năm thực hiện được thể hiện ở thành phố Thủ Đức rất đậm nét.

Đến nay, thành phố Thủ Đức đã hoàn thiện bộ máy tổ chức, sắp xếp bố trí nhân sự đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; thành lập các đơn vị mới, chưa có trong quy định của đơn vị cấp huyện như Ban Đô thị, Trung tâm Hành chính công, Phòng Giao thông công chính, Thanh tra xây dựng…

Từ các cơ chế của Nghị quyết 98, thành phố Thủ Đức đã ban hành các quyết định chấp thuận chủ trương/điều chỉnh chủ trương đầu tư; ban hành quyết định điều chỉnh quy hoạch phân khu 1/2000 và một quyết định điều chỉnh quy hoạch 1/500.

Qua đó, đã và đang lan tỏa hiệu ứng tích cực cho môi trường đầu tư trên địa bàn thành phố Thủ Đức.Thành phố Thủ Đức cũng đã được Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ủy quyền chấp thuận chủ trương đầu tư cho sáu dự án phát triển nhà ở, với tổng vốn đầu tư hơn 6.860 tỷ đồng, diện tích sử dụng đất hơn 146.000 m2.

Việc Thành phố Hồ Chí Minh trao quyền để thành phố Thủ Đức tự chủ, tự chịu trách nhiệm đã rút ngắn thời gian làm thủ tục, thu hút được các doanh nghiệp đầu tư vào thành phố Thủ Đức.

Nhìn nhận kết quả sau một năm thực hiện Nghị quyết số 98 của Thành phố Hồ Chí Minh, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Tấn Phát, Giám đốc Học viện Cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: Thành phố đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ.

Ngay sau khi Nghị quyết 98 có hiệu lực, Thành phố Hồ Chí Minh đã nhanh chóng ban hành các nghị quyết để triển khai thực hiện và chọn chủ đề năm 2024 là “Quyết tâm thực hiện hiệu quả chuyển đổi số và Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội”. Với cách làm hay, đổi mới, sáng tạo, đột phá, Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai thực hiện Nghị quyết 98 với tốc độ “thần tốc”, một số phần việc vượt mốc thời gian dự kiến.

Theo đó, thành phố đã thông qua khoảng 30 nghị quyết, cụ thể hóa 18/27 cơ chế chính sách, trong đó có nhiều chính sách đã phát huy hiệu quả ngay. Đồng quan điểm, Tiến sĩ Trần Du Lịch, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn triển khai Nghị quyết 98 Thành phố Hồ Chí Minh nhìn nhận: Một năm qua, thành phố đã nỗ lực, chuẩn bị kỹ lưỡng về khung pháp lý, các quy định thuộc thẩm quyền địa phương.

Từ đó, thành phố đã giảm bớt các thủ tục mà trước đây phải chờ chủ trương từ Trung ương. Thành phố Hồ Chí Minh đã được phân cấp, phân quyền để huy động nguồn lực tài chính và thu hút nguồn nhân lực.

Còn theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hoàng Ngân, trợ lý Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, những kết quả đạt được sau một năm thực hiện Nghị quyết 98 không chỉ thể hiện bằng những con số cụ thể mà đã lan tỏa trong lòng người dân, trong hệ thống chính trị. Các cơ quan, ban, ngành, thành phố, quận, huyện đều ra chỉ tiêu năm để thực hiện thắng lợi Nghị quyết 98 phát triển thành phố.

Còn đó nhiều khó khăn

Dù đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, nhưng theo đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí Thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết 98, thành phố vẫn gặp rất nhiều khó khăn, nhất là những khó khăn về cơ chế: Trên lý thuyết, Nghị quyết 98 phân cấp, ủy quyền tối đa cho Thành phố Hồ Chí Minh, nhưng khi triển khai còn nhiều đầu việc vẫn phải xin ý kiến các bộ, ngành. Thậm chí, có những đầu việc, Thủ tướng, Trưởng ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 98 đã chỉ đạo nhưng các bộ, ngành vẫn mất rất nhiều thời gian nghiên cứu. Đây là nguyên nhân của chậm trễ, các vấn đề kéo dài khi thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Phú Trần Tình, Viện trưởng Viện Phát triển chính sách Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: Khi thực hiện Nghị quyết 98, Thành phố Hồ Chí Minh vẫn phải thực hiện theo quy trình, thủ tục cũ, tức là phải thông qua bộ, ngành Trung ương, dẫn đến chồng chéo, chậm trễ.

Mặt khác, chưa có nhân sự chuyên trách ở bộ, ngành Trung ương để phối hợp thực hiện nghị quyết; tốc độ xây dựng văn bản hướng dẫn thực hiện nghị quyết còn khá chậm. Cơ chế phối hợp giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các bộ, ngành chưa rõ ràng, vẫn còn tình trạng chờ đợi.

Để Nghị quyết 98 phát huy hết hiệu quả, cần phải phân cấp, phân quyền cho Thành phố Hồ Chí Minh với cơ chế đặc thù, ít phụ thuộc vào bộ, ngành trung ương mà vẫn bảo đảm đúng quy định. Để làm được điều này, Thành phố Hồ Chí Minh cần được ủy quyền đồng bộ trên ba phương diện: thẩm quyền, chủ thể quyết định và giải quyết vấn đề.

Theo Tiến sĩ Biền Quốc Thắng (Học viện Chính trị khu vực II), ngoài việc chờ Trung ương phân cấp, phân quyền triệt để hơn, để thực hiện thành công Nghị quyết 98, Thành phố Hồ Chí Minh cần phải chú ý đến tính trọng tâm, trọng điểm tránh tổ chức thực hiện một cách dàn trải, phân tán không hiệu quả. Nghĩa là, trong khoảng thời gian có hạn, nguồn lực còn hạn chế, thành phố nên chọn các vấn đề, lĩnh vực có tính cấp thiết thực hiện trước.

Chẳng hạn, thành phố cần tập trung nguồn lực để hoàn thiện các dự án đang chậm tiến độ, các con đường “thắt cổ chai”, các tuyến giao thông có tính liên vùng, huyết mạch nhưng đang ùn tắc kéo dài như tuyến đường sắt đô thị số 1 Bến Thành-Suối Tiên; dự án mở rộng Quốc lộ 1A (từ An Lạc đến địa phận Long An); dự án mở rộng Quốc lộ 13 (từ ngã tư Bình Phước đến cầu Bình Triệu); dự án Quốc lộ 22 (đoạn từ ngã tư An Sương đến đường vành đai 3); dự án làm các đường vành đai, các tuyến cao tốc…

Nghị quyết 98 từng được đồng chí Nguyễn Văn Nên ví von là “đoàn tàu” đã chất đầy hàng hóa. Nhận diện được khó khăn, tháo gỡ được vướng mắc sẽ là cách giúp “đoàn tàu” tăng tốc để sớm về đích trong thời gian tới.