Còn nhiều khó khăn trong bảo vệ rừng

NDO -

Tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng trong cả nước nói chung và địa bàn tỉnh Lâm Đồng nói riêng vẫn diễn ra phức tạp. Các đối tượng sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn hoạt động tinh vi, xảo quyệt thực hiện hành vi phạm tội và đối phó với lực lượng chức năng.

Lực lượng chức năng kiểm tra hiện trường vụ vi phạm về khai thác bảo vệ rừng và lâm sản tại Tiểu khu 224, xã Phú Sơn, huyện Lâm Hà.
Lực lượng chức năng kiểm tra hiện trường vụ vi phạm về khai thác bảo vệ rừng và lâm sản tại Tiểu khu 224, xã Phú Sơn, huyện Lâm Hà.

Trong các mục đích vi phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng, nạn phá rừng làm nương rẫy của một số người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số cũng diễn ra đáng kể. Hành vi này trực tiếp làm gia tăng diện tích đất trống, đồi trọc, đất thoái hóa, bạc màu, lũ quét, sạt lở đất và ngập úng vào mùa mưa ở một số huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh như: thànhphố Đà Lạt, huyện Lạc Dương, Đức Trọng, Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên… và làm suy giảm khả năng điều tiết môi trường của rừng, giảm đa dạng sinh học… gây thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống nhân dân.

Nhằm đấu tranh quyết liệt với tội phạm và vi phạm pháp luật trên lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng, thực hiện chỉ đạo của Ban Giám đốc Công an tỉnh Lâm Đồng, lực lượng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh đã triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ; điều tra và đề nghị xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng, quản lý lâm sản…

Thượng tá Lê Mai Sơn, Phó Trưởng phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Lâm Đồng cho biết, đơn vị đã phối hợp các cơ quan đơn vị liên quan triển khai nhiều biện pháp nghiệp vụ, kể cả công tác vận động quần chúng tố giác tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật trên lĩnh vực lâm sản và quản lý rừng.

Kết quả bước đầu, lực lượng Cảnh sát kinh tế và Công an các địa phương đã kịp thời phát hiện, ngăn chặn, bắt giữ, xử lý nhiều trường hợp các đối tượng phá rừng, mua bán và vận chuyển lâm sản trái pháp luật, góp phần ổn định an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh.

Với sự ra quân đồng bộ, từ đầu năm 2021 đến nay, lực lượng Cảnh sát kinh tế đã phát hiện, điều tra xử lý 40 vụ, 69 bị can vi phạm trên lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng.

Điển hình là ngày 10/8, Công an huyện Lâm Hà và Phòng Cảnh sát kinh tế phối hợp các lực lượng chức năng tổ chức mật phục, phát hiện và bắt quả tang 5 đối tượng đang thực hiện dọn phát đường, kéo tời lên đỉnh đồi nhằm vận chuyển số lâm sản khai thác trái phép tại Lô C, D1, Khoảnh 3, Tiểu khu 224, xã Phú Sơn, huyện Lâm Hà (khu vực vùng lõi giáp ranh 3 huyện Đam Rông, Lâm Hà, Lạc Dương) đã bị lực lượng chức năng phát hiện trước đó.

Trong quá trình truy bắt, các đối tượng ngoan cố chống trả và bỏ chạy. Tuy địa hình hiểm trở, nhưng với tinh thần kiên quyết đấu tranh với tội phạm, tổ công tác đã truy bắt được 3 đối tượng.

Qua công tác khám nghiệm hiện trường, tổ công tác xác định, các đối tượng đã khai thác 9 cây gỗ dổi, 1 cây huỳnh đàn và 1 cây gỗ hoa lý đã được xẻ thành 101 hộp với tổng khối lượng 37,546m3.

Mở rộng điều tra, Công an huyện Lâm Hà đã khởi tố vụ án, khởi tố 14 bị can về tội “Vi phạm các quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản”. Hiện, vụ việc đang tiếp tục điều tra, xử lý theo quy định pháp luật.

Theo cơ quan công an, nguyên nhân rừng bị xâm hại chủ yếu là do nhận thức pháp luật về công tác bảo vệ rừng của một bộ phận người dân trên địa bàn huyện còn hạn chế. Do diễn biến thị trường, giá của một số mặt hàng nông sản và đất nông nghiệp ngày càng có giá trị, dẫn đến người dân phá rừng lấy đất để trồng nông sản và phát sinh tình trạng sang nhượng đất rừng bất hợp pháp.

Còn nhiều khó khăn trong bảo vệ rừng -0
 Hiện trường một vụ vi phạm quy định quản lý bảo vệ rừng và lâm sản.

Tình trạng di cư tự do sinh sống đan xen trong rừng, ven rừng khá nhiều, chủ yếu tại các huyện Đam Rông, Lâm Hà, Lạc Dương, Di Linh và Bảo Lâm ngày càng có chiều hướng gia tăng, nhu cầu sử dụng lâm sản và đất sản xuất tăng. Lợi nhuận mang lại từ hành vi khai thác lâm sản, lấn chiếm, mua bán đất lớn, gây khó khăn cho công tác quản lý bảo vệ rừng.

Có những khu vực đất rừng nằm xen lẫn khu dân cư sinh sống của đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ hiểu biết về pháp luật hạn chế, nghề nghiệp không ổn định hoặc không nghề nghiệp, thiếu đất canh tác nên xem rừng là nguồn sinh sống không thể thiếu và phá rừng làm rẫy, lấy đất canh tác.

Bên cạnh đó, các chủ rừng chưa phát huy hết vai trò trách nhiệm trong công tác quản lý bảo vệ rừng, thậm chí buông lỏng quản lý, thiếu kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ của lực lượng bảo vệ rừng nên tình trạng xâm hại rừng xảy ra một thời gian dài mới được phát hiện.

Lực lượng kiểm lâm và bảo vệ rừng chuyên trách còn mỏng, địa bàn quản lý rộng, ranh giới các loại rừng còn chưa rõ ràng nên hiệu quả công tác quản lý và bảo vệ rừng của các lực lượng chức năng chưa cao. Công tác phân loại cắm mốc ranh giới, phân định các loại rừng, lâm phần của các chủ rừng trên thực địa chưa rõ ràng, dẫn đến việc người dân không thể phân biệt được rừng canh tác sản xuất và rừng do nhà nước quản lý.

Hiện nay, công tác đấu tranh với tội phạm về khai thác rừng, xâm hại rừng của các lực lượng chức năng còn gặp nhiều khó khăn. Bởi địa điểm xảy ra các vụ việc là tại những khu vực rừng núi hiểm trở. Diện tích bị xâm hại nằm rải rác đòi hỏi tập trung nhiều lực lượng và phương tiện để khám nghiệm hiện trường. Do vậy, thường mất rất nhiều thời gian và công sức.

Đa số các đối tượng vi phạm pháp luật về rừng và bảo vệ rừng đều là người dân tộc thiểu số, nhận thức về pháp luật còn hạn chế. Một số vụ án có sự tham gia của rất nhiều đối tượng nên việc lấy lời khai gặp khó khăn, dẫn đến trong việc xác định tính chất mức độ và phân loại để xử lý đối tượng phức tạp.

Nhằm phòng ngừa, ngăn chặn và đấu tranh có hiệu quả đối với loại tội phạm này, góp phần cùng với địa phương làm tốt công tác bảo vệ rừng trên địa bàn, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh đang tiếp tục phối hợp lực lượng Kiểm lâm tăng cường công tác tuần tra, bám sát cơ sở, sớm phát hiện các vụ việc vi phạm.

Đồng thời, chú trọng phối hợp các tổ chức, đoàn thể tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về bảo vệ rừng cho người dân trên địa bàn; đặc biệt là không tiếp tay, che giấu các hành vi phạm tội. Từ đó, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm cho cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với công tác bảo vệ và phát triển rừng.