Con đường trở thành thủ khoa đại học Pháp của nữ sinh trường làng

NDO -

Sinh ra từ một vùng quê nghèo, Phạm Thị Thắng, bằng sự nỗ lực không ngừng và ước mở cháy bỏng, đã thực hiện được giấc mơ du học từ bé của mình, và hơn thế nữa, còn trở thành thủ khoa hệ Cử nhân và hệ Thạc sĩ ở Pháp.

Phạm Thị Thắng tại Pháp. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Phạm Thị Thắng tại Pháp. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Pham_Thi_Thang-1636972286898.jpg

Từ học sinh vùng quê nghèo tới thủ khoa Đại học Paris 10

Sinh ra và lớn lên ở Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh, vùng đất nắng lắm mưa nhiều, nổi danh với truyền thống hiếu học, tình yêu với những con chữ đã ngấm trong Thắng từ nhỏ.

Gia đình Thắng còn nhiều khó khăn nhưng luôn động viên và tạo điều kiện tốt nhất có thể để Thắng được học bằng bạn, bằng bè. Thắng còn nhớ, năm học lớp 6, mặc dù nhà nghèo lắm, nhưng bố mẹ vẫn cố dành dụm từng đồng tiền nhỏ để gom đủ mua cho Thắng chiếc máy tính bàn với hy vọng cô sớm được tiếp xúc với công nghệ thông tin, được học hỏi và mở mang tri thức.

Để duy trì cuộc sống và cho con ăn học, bố mẹ Thắng phải vay tiền ngân hàng để tăng gia sản xuất. Mỗi lần ra ngân hàng trả tiền lãi vay về, bố Thắng lại thủ thỉ rằng, bố muốn đưa Thắng đi cùng để xem các cô được làm việc trong phòng điều hòa mát rượi thế nào và gửi gắm mong muốn con thoát cảnh nghèo của bố mẹ.

Rồi một lần khác, khi ti-vi chiếu bộ phim “Chuyện tình Havard”, thay vì cấm con xem phim buổi tối thì bố lại thường rủ Thắng cùng xem và động viên con: “Giá mà một ngày nào đó, Thắng của bố cũng được như cô kia, đi ra nước ngoài xem cuộc sống như thế nào nhỉ”. Cứ như vậy, tình yêu với con chữ, mong ước được du học, được mở rộng tầm mắt và tri thức đã lớn dần lên trong Thắng. Và những điều tưởng chừng nhỏ bé và bình dị ấy thực sự đã trở thành động lực để Thắng nỗ lực không ngừng trong học tập.

Không phụ công bố mẹ, Thắng luôn học rất giỏi, cô đỗ vào trường Đại học Ngoại thương - một trong những ngôi trường đại học hàng đầu của Việt Nam và sau đó giành học bổng toàn phần du học tại trường Paris 10 (Đại học Paris Ouest Nanterre La Défense), Cộng hòa Pháp. Đặc biệt hơn nữa, cô còn là thủ khoa đầu ra hệ Cử nhân của Đại học Paris 10 và hệ Thạc sĩ ngành Tài chính, Đại học Aix Marseille. Cô còn nhận được học bổng toàn phần hệ Thạc sĩ của Chính phủ Pháp (học bổng Excellence Eiffel).

Thắng luôn tự hào rằng, dù gia đình nghèo không được học thêm nhiều thứ, dù không học trường chuyên, lớp chọn, dù tốt nghiệp cấp 3 tại một ngôi trường thuộc huyện nghèo miền núi, nhưng bằng niềm đam mê học tập, bằng sự nỗ lực hết mình và ước mơ cháy bỏng của bản thân, cô vẫn chinh phục thành công ngôi trường danh giá của Pháp và thực hiện được mơ ước mà bố mẹ đã dành cả đời để vun đắp và hỗ trợ cho cô – ước mơ du học. Với cô, du học là một hành trình khám phá đầy thú vị dành cho tất cả những ai biết ước mơ và nỗ lực.

Những trải nghiệm mới trên hành trình du học

Bước chân tới một chân trời mới lạ, Thắng được trải nghiệm nhiều cái mới với những kỷ niệm thật khó quên.

Khi mới sang Pháp, tiếng Pháp của Thắng còn rất hạn chế, vì thế cô gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp thu bài giảng, đặc biệt với phương pháp giảng dạy mới mà thầy, cô giáo chỉ đóng vai trò như một người dẫn chương trình.

Cô chia sẻ: “Mình vẫn nhớ như in, tiết học đầu tiên của mình là Lịch sử các học thuyết kinh tế. Tiết học kéo dài 4 tiếng với giảng đường gần 150 sinh viên, giáo sư đến giảng trong vai trò của người dẫn chương trình, không slide, không viết bảng, mà mình thì tiếng Pháp bập bẹ, nghe chữ được chữ không, cứ viết được 1 chữ vào vở thì thầy đã nói sang câu khác, mình đành chừa lại 1 khoảng trống để viết câu tiếp theo. Cuối buổi nhìn lại vở chỉ thấy toàn các khoảng trống. Thế nên, hôm ấy ra khỏi phòng học mình khóc nức nở, vì thực sự không biết phải làm gì tiếp theo…”.

Sau buổi học đó, bằng rất nhiều phương pháp như ghi âm lại buổi học, xin tài liệu các anh chị khóa trước để tham khảo, chuẩn bị tài liệu trước khi lên giảng đường,… Thắng đã thích nghi và theo được chương trình học.

Hơn 10 năm kể từ ngày đó, giờ đây Thắng còn tham gia đào tạo đồng nghiệp bằng tiếng Pháp.

Trong quá trình học tập ở Pháp, Thắng luôn được thầy, cô giáo và bạn bè đánh giá cao về tư duy sáng tạo và tinh thần cầu tiến:

-        Giáo sư Jean-Pierre Allegret, giảng viên khoa Kinh tế, Quản lý, Toán học và Khoa học Máy tính, Đại học Paris 10, kiêm phó giám đốc Viện Nghiên cứu EconomiX, nhận xét rằng, Phạm Thị Thắng là một sinh viên rất nghiêm túc trong học tập. Kết quả mà sinh viên này đạt được trong suốt quá trình học tập ở Đại học Paris 10 đã thể hiện phẩm chất trí tuệ đặc biệt của cô ấy. Với điểm trung bình là 18,9/20, Phạm Thị Thắng đứng đầu trong số 270 sinh viên tham dự kỳ thi đánh giá cuối môn học. Những nỗ lực không ngừng nghỉ đã giúp Thắng có mặt trong số 2% sinh viên giỏi nhất toàn khóa.

-        Giảng viên Cyprien Camalet, Khoa Kinh tế, Quản lý, Toán học và Khoa học Máy tính, Đại học Paris 10, nhận xét: “Chúng tôi rất vui khi có một sinh viên xuất sắc như Phạm Thị Thắng... Cô đã đạt được số điểm rất cao trong môn Kế toán Tài chính và Kiểm soát Quản lý. Tôi tin tưởng rằng, với năng lực trí tuệ và nghị lực của mình, Thắng có thể dễ dàng vượt qua những môn học khắt khe nhất”.

Cuộc sống du học nơi đất khách thực sự là một hành trình trải nghiệm đầy thú vị của Thắng. Với cô, du học không phải chỉ là để học, mà còn là khám phá và trải nghiệm một môi trường mới, một nền văn hóa mới theo cách của một sinh viên.

Cô từng tham gia chương trình workaway - chương trình tình nguyện quốc tế làm việc tại các nông trại. Theo đó, cô làm cho một gia đình hai bác nông dân người Đức ở một miền núi trung du của Bồ Đào Nha. Tại đây, cô không chỉ có trải nghiệm về cuộc sống nông thôn với những công việc nhà nông rất khác ở quê nhà, mà còn học được một lối sống tích cực, thân thiện với thiên nhiên và bảo vệ môi trường.

Thắng cũng tham gia làm tình nguyện viên cho dự án hỗ trợ người già neo đơn tại Pháp. Chính những hiểu biết sâu sắc về người bản điạ, về văn hóa phương tây Thắng tích luỹ được qua những trải nghiệm này đã giúp cô tìm được công việc mơ ước sau này.

Con đường trở thành thủ khoa đại học Pháp của nữ sinh trường làng -0
 Phạm Thị Thắng tại Anh. (Ảnh: Nhân vật cung cấp) 

Tự sáng tạo robot hỗ trợ công việc

Ngay từ lúc còn ngồi trên ghế nhà trường, Phạm Thắng đã được nhận vào làm việc tại PwC, một trong bốn công ty kiểm toán lớn nhất thế giới. Thắng cho biết, ở Pháp có chương trình vừa học vừa làm xen kẽ nhau. “Chương trình học của mình là 1 tuần học tại trường, 3 tuần làm việc tại công ty. Công ty trả toàn bộ tiền học phí và tiền lương cho mình. Thực sự đây là một chương trình học rất bổ ích mà mình mong ở Việt Nam có thể áp dụng để sinh viên có thể thực hành kiến thức ở trường vào công việc ngay lúc đó, không phải theo hệ thống tại chức hay cho người đi làm, mà là một khóa học chính thống như các khóa học khác”.

Thắng nhớ lại, lúc làm dự án đầu tiên ở công ty, do tính chất một số công việc lặp đi lặp lại nhiều, với bản tính tò mò nên Thắng đã tìm hiểu và phát triển một robot (RPA – robotics process automation) để tự động hóa công việc trên. Ý tưởng này của Thắng đã được phát triển cho một dự án cho bộ phận nhân sự, đồng thời Thắng được mời về làm việc tại bộ phận Phân tích dữ liệu và trí tuệ nhân tạo để thành lập nhóm phát triển robot.

Năm đó, mặc dù còn là sinh viên học việc, nhưng Thắng đã phụ trách một dự án khá lớn, phát triển gần 20 robot để tự động hóa hoàn toàn công việc của hơn 10 nhân viên kiểm toán. Thắng được giữ lại công ty sau quá trình học việc với hợp đồng vô thời hạn, phụ trách các mảng phân tích dữ liệu, phát triển robot và các dự án công nghệ mới. Đồng thời, Thắng cũng được mời tham gia đào tạo đồng nghiệp với hơn 10 khóa đào tạo về robot và các công cụ xử lý dữ liệu.

Gần 2 năm rưỡi sau khi ra trường, Thắng được công ty Sopra Steria Next, thuộc Sopra Steria - tập đoàn hàng đầu châu Âu về chuyển đổi số, mời làm việc ở vị trí Quản lý bộ phận Công nghệ mới. Tại đây, Thắng tham gia vào các dự án phát triển robot, process mining (công cụ “đào” dữ liệu về quy trình làm việc để hiểu sâu hơn quy trình làm việc trong thực tế giúp quản lý, tự động hóa và cải thiện quy trình nhằm nâng cao năng suất làm việc) và một số dự án về phân tích dữ liệu. 

Ngoài công việc và cuộc sống cá nhân, Thắng còn là chị đỡ đầu của 2 em mồ côi có hoàn cảnh khó khăn ở Hà Tĩnh. Thắng hy vọng có thể đồng hành cùng các em tới năm 18 tuổi. Ngoài ra, Thắng cũng thường xuyên hỗ trợ, đồng hành cùng các bạn sinh viên đang tìm kiếm học bổng du học.

“Mình mong muốn tổ chức các buổi tọa đàm vào thời gian sinh hoạt lớp của các trường cấp 3 để nói chuyện và chia sẻ với các em học sinh cuối cấp về thị trường lao động, định hướng nghề nghiệp, kinh nghiệm làm hồ sơ du học và xin học bổng. Hiện tại, mình đã tìm được người đồng hành dự án tại Việt Nam, mình đang lên kế hoạch triển khai và liên hệ với một số trường để thí điểm”, Thắng cho biết.

Về kinh nghiệm xin học bổng, Thắng chia sẻ: “Việc xin học bổng thì quan trọng nhất là mình luôn sẵn sàng cho những cơ hội mới, đây cũng là điều mình hay nhắn nhủ các em sinh viên lúc hỗ trợ xin học bổng. Mình phải luôn có một bộ hồ sơ sẵn sàng (CV, thư động lực, kế hoạch học tập làm việc, thư giới thiệu, chứng chỉ ngoại ngữ), phải luôn chuẩn bị cho mình những điều kiện cần và đủ và chủ động tìm hiểu về các chương trình học bổng sẵn có để có thể lên kế hoạch chinh phục một cách cẩn thận nhất”.

Con đường trở thành thủ khoa đại học Pháp của nữ sinh trường làng -0

 Thắng (váy đỏ) trong một hội thảo chia sẻ kinh nghiệm du học cho các bạn học sinh.
(Ảnh: Nhân vật cung cấp) 

Thắng cũng là một người rất yêu môi trường và luôn có ý thức bảo vệ môi trường từ những hành động nhỏ nhất. Trên trang Facebook cá nhân, cô thường chia sẻ với người thân, bạn bè những hành động tuy nhỏ nhưng thể hiện ý thức bảo vệ môi trường của mình, chẳng hạn như: đi lại hoàn toàn bằng phương tiện công cộng, xe đạp và đi bộ, chỉ mua những thứ thực sự cần thiết, không sử dụng túi nylon và đồ dùng một lần, trong túi luôn có sẵn bình nước inox, túi dao dĩa ăn dạng mini, túi vải cotton, không mua hàng ở siêu thị nào chỉ dùng túi nylon, hạn chế tối đa việc xả rác ra môi trường, ưu tiên mua đồ của những người có ý thức dùng lại : ví dụ như mua sữa chua của trang trại cho phép trả lại hũ đựng…

Về dự định trong tương lai, Thắng chia sẻ muốn tiếp tục làm việc tại Pháp để học thêm các công nghệ mới và hy vọng có thể chia sẻ những kiến thức tích lũy được với các bạn học sinh, sinh viên và người đi làm tại Việt Nam.

Ngoài công việc và các hoạt động xã hội, Thắng cũng rất thích du lịch và chụp ảnh. Báo Nhân Dân kính mời quý độc giả cùng chiêm ngưỡng vẻ đẹp của một số nước châu Âu qua lăng kính của Phạm Thắng: