Con đường nối những niềm vui nơi rẻo cao

Những ngày đầu tháng 10, chúng tôi có dịp trở lại với các xã vùng cao của tỉnh Sơn La, nơi có những con dốc "chồn chân vó ngựa", một thời chỉ có thể đi bộ.
0:00 / 0:00
0:00
Ảnh minh họa: Đường về các bản vùng cao huyện Bắc Yên được bê tông hóa. (Nguồn: Báo Sơn La)
Ảnh minh họa: Đường về các bản vùng cao huyện Bắc Yên được bê tông hóa. (Nguồn: Báo Sơn La)

Chuyến đi đầy những cảm xúc khi chứng kiến bao sự "thay da đổi thịt" của các xã vùng cao Sơn La khi nơi đây được quan tâm đầu tư các công trình trường học, trạm y tế, điện sinh hoạt... Trong đó, phải kể tới những tuyến đường giao thông chỉ đi được một mùa, thì nay đã được trải nhựa rộng thênh thang, nối dài những niềm vui của đồng bào các dân tộc nơi đây.

Trên con đường trải nhựa uốn lượn bám vào triền núi theo hình xoáy ốc từ trung tâm huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La lên các xã Tà Xùa, Làng Chếu, Xím Vàng rồi đến Hang Chú và sau đó là xã Háng Đồng, chúng tôi chứng kiến rất nhiều đổi thay hai bên những con đường nhựa. Cùng với những công trình trường học, trạm, đường điện kéo dài đến các bản… được Nhà nước quan tâm đầu tư từ các nguồn vốn thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia, dọc hai bên đường đã có nhiều nhà ở, nhà hàng, cửa hàng buôn bán dịch vụ cùng các homestay của chính đồng bào nơi đây được xây dựng khang trang.

Đến xã Tà Xùa, nơi có những cây chè cổ thụ mốc thếch, cho sản phẩm chè ngon nức tiếng trong nước, trò chuyện cùng ông Đỗ Văn Tuyến, Bí thư Đảng ủy xã Tà Xùa, được biết: Những năm qua, cùng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, nỗ lực của người dân, xã chúng tôi đã từng bước vươn lên xóa nghèo, người dân đẩy mạnh khai hoang ruộng bậc thang, cải tạo nương chè và buôn bán, kinh doanh dịch vụ homestay do chính đồng bào H’Mông làm chủ.

Trong xã không còn tái trồng cây thuốc phiện, không có người nghe theo lời kẻ xấu, không còn tình trạng thách cưới bằng bạc trắng và để người chết quá ba ngày trong nhà... Kết quả đó là nhờ vào sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây khi ưu tiên các nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng, trong đó phải kể tới việc đầu tư mở rộng các tuyến đường đến xã, đến bản. Bởi có đường, đã giúp cho việc phát triển kinh tế, thông thương hàng hóa và đi lại của đồng bào được thuận tiện hơn.

Cuộc sống của đồng bào H’Mông chúng tôi đã đỡ khổ hơn, khấm khá lên nhiều, việc khám, chữa bệnh cũng không vất vả như trước đây khi phải gần chục người thay nhau khiêng một người ốm xuống bệnh viện huyện.

Chia sẻ thêm về niềm vui của đồng bào các xã vùng cao khi có đường giao thông đi lại thuận tiện, ông Giàng A Chu, xã Hang Chú, huyện Bắc Yên, cho biết: Đến giờ, tôi vẫn không tin là có đường nhựa về xã Hang Chú. Trước đây, mỗi lần có việc xuống huyện phải đi bộ mất ba ngày đường, rất vất vả và khó khăn. Từ khi có đường ô-tô, các sản phẩm làm ra của người dân bán được giá, không tự cung tự cấp như trước nữa. Giờ chỉ mất khoảng hai tiếng đồng hồ đi xe máy là có mặt tại huyện.

Cũng nhờ đó, mà cuộc sống của đồng bào H’Mông chúng tôi đã đỡ khổ hơn, khấm khá lên nhiều, việc khám, chữa bệnh cũng không vất vả như trước đây khi phải gần chục người thay nhau khiêng một người ốm xuống bệnh viện huyện.

Dừng xe dưới vệ đường, đoạn thuộc bản Háng Ba La, xã Háng Đồng, huyện Bắc Yên, chụp một số hình ảnh xe tải đang chất dong giềng được chuyển từ nương của vợ chồng anh Mùa A Câu và chị Sồng Thị Tông. Cầm sổ ghi chép từng bao dong riềng được chất lên chiếc xe tải hiệu Chiến Thắng của anh Mùa A Tráng, bản Tà Xùa A, xã Tà Xùa, anh Mùa A Câu phấn khởi kể: Mấy năm nay, ngô, sắn, dong riềng của người dân trồng ra không sợ ế, không lo bị ép giá hay phải dùng xe máy chở từng bao ra ngoài Tà Xùa để bán như trước. Có đường nhựa, xe tải vào chở hàng tận nương, thậm chí lên nương cũng đi bằng xe máy.

Cũng như các hộ đồng bào H’Mông các xã vùng cao huyện Bắc Yên, nhờ có sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, dự án cải tạo, nâng cấp tuyến tỉnh lộ 106 dài 15,2 km đi xã Tạ Bú, Chiềng Hoa, Chiềng Công, huyện Mường La được triển khai xây dựng đã mang lại bao niềm vui cho đồng bào các dân tộc H’Mông, Thái tại các bản. Thậm chí, trong quá trình thi công xây dựng tuyến đường, các hộ dân còn thực hiện hiến đất, đóng góp kinh phí làm đường, nhận được sự đồng lòng cao từ người dân.

Anh Lò Văn Tiên, dân tộc Thái, xã Mường Bú, là thương lái chuyên thu mua tôm, cá tại bến Chiềng Hoa, nói: Trước đây, tôi phải dậy từ bốn giờ sáng để đi mua cá, tôm. Nhiều hôm mưa to đường lầy lội, sạt lở không đi được. Giờ có đường mới, từ nhà đến bến đò lấy hàng chỉ mất khoảng 50 phút và cá, tôm ra đến các chợ vẫn còn tươi, bán được giá hơn trước. Cùng chung niềm vui về con đường mới, anh Mùa A Sa, dân tộc H’Mông, bản Co Sủ, xã Chiềng Công, huyện Mường La, chia sẻ: Khi chưa có đường nhựa, từ nhà tôi ra huyện mất hơn ba tiếng đồng hồ, bây giờ chỉ mất hơn một tiếng đồng hồ. Giờ đây, việc đi lại thuận tiện hơn rất nhiều, sản phẩm nông nghiệp làm ra không bị tư thương ép giá như trước.

Tại xã vùng cao Suối Tọ, mấy năm nay đời sống của các hộ đồng bào H’Mông tại tám bản của xã đã có nhiều đổi thay khi được Nhà nước quan tâm đầu tư đường, trường, trạm, điện sinh hoạt và hỗ trợ sản xuất. Từ khi có đường giao thông, việc đi lại của người dân thuận tiện, thay vì tự cung, tự cấp như trước kia thì nay đồng bào đã tích cực tham gia phát triển sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và dịch vụ. Những vùng đồi núi để hoang cho cỏ mọc hay trồng lúa nương kém hiệu quả nay đã được cải tạo trồng cây ăn quả, chăn nuôi quy mô lớn, bởi từ ngày có đường, các sản phẩm nông nghiệp cũng có giá hơn, việc vận chuyển hàng hóa, nông sản cũng thuận tiện hơn.

Đồng chí Thào A Trư, Bí thư Đảng ủy xã Suối Tọ khẳng định: Những chính sách, chủ trương của Đảng và Nhà nước dành cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi, nhất là đầu tư đường giao thông đã góp phần rất lớn trong việc thay đổi đời sống, tư duy của người dân. Đường giao thông chính là một trong những động lực giúp các xã vùng cao phát triển, đổi thay trên các lĩnh vực.

Bởi có đường nhựa, đường bê-tông, người dân không lo người đẻ rơi trên đường, trời mưa không lo khênh người ốm xuống tận huyện. Giờ cứ tích cực trồng trọt, chăn nuôi, đến vụ tư thương lên tận bản thu mua hoặc có thể tự mang xuống tận huyện bán. Cuộc sống và thu nhập ổn định, không còn lo kẻ xấu lợi dụng lôi kéo phá rừng, vận chuyển gỗ trái phép như trước đây nữa.

Thông tin từ Ban Dân tộc tỉnh Sơn La cho biết: Trong giai đoạn 2021-2025, từ nguồn vốn chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Sơn La được phân bổ hơn 335 tỷ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu tại địa bàn 126 xã đặc biệt khó khăn và các bản đặc biệt khó khăn thuộc xã khu vực I, II.

Đến nay, đã giải ngân thanh toán gần 213,8 tỷ đồng. Tỉnh Sơn La đã đầu tư xây dựng 158 công trình nước sinh hoạt tập trung; giải quyết nước sinh hoạt phân tán cho 6.162 hộ. Tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị, đồ dùng dạy học cho 179 trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú. Đầu tư năm công trình đường giao thông liên xã chưa được cứng hóa; tám công trình chợ; duy tu bảo dưỡng cơ sở hạ tầng trên địa bàn các xã, bản đặc biệt khó khăn. Đến nay, có 97,55% xã có đường ô-tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê-tông; 78,49% bản có đường ô-tô đến trung tâm được cứng hóa; 100% trường, lớp học, trạm y tế xây dựng kiên cố...

Ông Thào Xuân Nếnh, Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh Sơn La, cho biết: Ban Dân tộc tiếp tục tham mưu với Ủy ban nhân dân tỉnh đề nghị với các bộ, ngành Trung ương sớm ban hành, sửa đổi, bổ sung các thông tư, văn bản hướng dẫn cụ thể, chi tiết việc thực hiện các dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần của chương trình để các huyện có cơ sở xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện. Đồng thời, chú trọng đầu tư kết cấu hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, phục vụ đời sống người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội ở các xã, bản đặc biệt khó khăn.

Niềm vui về những con đường tại các xã, bản vùng cao nói trên của Sơn La chỉ là một vài câu chuyện trong số nhiều câu chuyện chưa thể ghi hết lại trong bài viết này. Tuy nhiên, có một điểm chung nhất khi chúng tôi lên các xã vùng cao ghi lại được, đó chính là niềm vui của đồng bào các dân tộc khi nơi họ sống được Đảng và Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, trong đó có những tuyến đường giao thông quan trọng, nối liền các xã, bản vùng cao, tạo động lực thúc đẩy kinh tế-xã hội nơi đây ngày một phát triển.