Con đường “ngắn ngủi” từ trầm cảm sau sinh đến rối loạn tâm thần

NDO -

NDĐT - Nhiều bà mẹ bối rối với đứa con lọt lòng, khóc lóc, sợ hãi, không dám bế con, không cho con bú, thậm chí can tâm sát hại chính đứa con máu mủ của mình vừa chào đời... chỉ vì những rối loạn tâm, sinh lý sau sinh. Trầm cảm sau sinh đang là câu chuyện nóng được cảnh báo trong từng gia đình và nếu không phát hiện, can thiệp sớm sẽ dẫn tới những rối loạn tâm thần, có hành vi nguy hiểm cho bản thân và con cái.

 Con đường “ngắn ngủi” từ trầm cảm sau sinh đến rối loạn tâm thần

Đau lòng vì những thờ ơ với triệu chứng trầm cảm sau sinh

Hơn 9 tháng mang nặng, đẻ đau, có không ít phụ nữ rơi vào trạng thái bối rối cùng cực khi đối mặt với thiên chức làm mẹ trong đời. Sức khỏe chưa kịp bình phục sau ca “chửa là cửa mả”, họ phải đối mặt với chuyện chăm sóc em bé ra sao, ăn thế nào cho đủ sữa, cho ăn thế nào bé không bị sặc, theo dõi từng hơi thở của con, áp lực từ phía gia đình cách chăm sóc em bé... Những cơn mất ngủ triền miên, cộng với sự lơ là quan tâm đến cảm xúc, tâm trạng của mọi người xung quanh đến bản thân khiến nhiều mẹ rơi vào trạng thái trầm cảm.

PGS.TS. Phạm Bá Nha, Trưởng khoa Sản (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, có nhiều triệu chứng biểu hiện trầm cảm sau sinh từ nặng đến nhẹ. Nhẹ thì ủ rũ, ít nói, không muốn tiếp xúc mọi người, bỏ ăn uống, có phản ứng tiêu cực. Trầm cảm nặng thì triệu chứng kinh khủng hơn: không tiếp xúc ai, nhảy lầu tự tử, sát hại chính con đẻ của mình...

“Tôi từng được nhiều bà mẹ trầm cảm sau sinh đến xin tư vấn. Trong đó, có một sản phụ hai lần sinh đẻ đều rất sợ hãi khi cho con bú. Cô ấy nói với chúng tôi “nếu cứ cho con bú, em sẽ chết mất”. Và với tư vấn của chúng tôi, cô ấy đã biết cách vắt sữa ra cho con bú bình” – Bác sĩ Nha cho hay.

Là người từng tư vấn cho nhiều sản phụ sau sinh, bác sĩ Nha chia sẻ, biến đổi tâm lý sau sinh rất phức tạp. Vì thế, nếu người phụ nữ trên mà gia đình cứ ép phải cho con bú hoặc tự thúc ép bản thân thì sẽ sớm xảy ra tình trạng tiêu cực. Phụ nữ sau sinh trải qua cuộc chuyển dạ, là biến động lớn của cuộc sống, làm ảnh hưởng đến tinh thần của người phụ nữ. Ngoài sự biến đổi về sức khỏe, thì nội tiết cũng biến đổi trầm trọng nên dẫn tới sự biến đổi về tâm lý, sinh lý. Trong giai đoạn sau sanh có đến 85% phụ nữ có rối loạn khí sắc. Đối với hầu hết phụ nữ, những triệu chứng này thoáng qua và tương đối nhẹ, tuy nhiên có một số phụ nữ bị rối loạn khí sắc dai dẳng.

Ở xã hội hiện đại, nhiều gia đình sau khi em bé chào đời chỉ có một mẹ, một con, không được gia đình quan tâm, hỏi han, để ý tới trạng thái cảm xúc... càng có nguy cơ trầm cảm hơn. Nhiều phụ nữ vì mâu thuẫn với chồng về kinh tế hoặc chồng có người thứ ba; bất mãn với gia đình, với cuộc sống kinh tế, bệnh tật... cũng nghĩ quẩn và chọn cách sát hại con và tự tử. Có những trường hợp thương tâm ban đầu xuất phát từ những trầm cảm sau sinh nhưng không được tư vấn, can thiệp kịp thời dẫn tới rối loạn tâm thần, có hành vi nguy hiểm.

Ngày 12-6, bé Vũ Việt Anh 33 ngày tuổi được phát hiện nằm sấp úp mặt trong chậu nước. Thương tâm nhất là sự sống ngắn ngủi của bé này do chính mẹ ruột bé tước đoạt. Tại Bình Thuận vào tết nguyên đán năm nay, do rối loạn trầm cảm sau sinh, mất ngủ, chị Hoài đã chọn cách quyên sinh cùng đứa con 7 tháng tuổi bằng cách treo cổ tự tử trong nhà, khi người thân về quê ăn tết.

Năm 2015, Bắc Giang được phen dậy sóng vì vụ việc mẹ trầm cảm sau sinh sát hại đứa con chưa đầy 2 tháng tuổi. Người mẹ đã dùng dao giết chết đứa con 6 tuổi, đang tiếp tục đe dọa tính mạng đứa bé vừa sinh 2 tháng tuổi và bản thân. Rất may hai mẹ con được cứu sống tính mạng.

Cùng năm đó, tại Hà Nội, một gia đình đã sớm phát hiện người mẹ trầm cảm nặng khi con quấy khóc. Dù đã đưa vợ đi điều trị và dùng thuốc chữa bệnh nhưng sau thời gian gia đình chủ quan thấy tâm trạng người mẹ có vẻ bình ổn, đã để hai mẹ con ngủ cùng với nhau. Sự việc đau lòng xảy ra vào đúng đêm đó, khi gia đình bàng hoàng thấy người mẹ dùng dao chém liên tiếp về phía con trai, tước đoạt đi sự sống của cậu bé mới 4 tháng tuổi.

Đau lòng khôn xiết là câu chuyện xảy ra năm 2012 tại Ba Vì, Hà Nội khi người mẹ mắc trầm cảm sau sinh với những biểu hiện ban đầu như không giao tiếp, ánh mắt vô hồn, gào thét, đập phá đồ đạc... nhưng không được điều trị kịp thời dẫn tới rối loạn tâm thần. Trước đêm kinh hoàng tước đoạt tính mạng của đứa con đầu lòng hiếm muộn mới có được, chị H. đã từng hai lần lấy dây điện thắt vào cổ con trai của mình. Gia đình lại chủ quan không điều trị dứt điểm cho chị H., đưa chị về nhà sau một tuần điều trị dẫn tới thảm cảnh.

Trầm cảm sau sinh: Xin đừng coi nhẹ

Theo các chuyên gia về tâm thần học, rối loạn tâm thần sau sinh là loại rối loạn tâm thần ngắn có ba giai đoạn: buồn; trầm cảm; loạn thần. Sau sinh có tới 30-85% phụ nữ rơi vào trạng thái buồn sau sinh với triệu chứng cảm xúc dễ dao động, dễ khóc, mất ngủ, lo âu. Trầm cảm sau sinh chiếm 10-15% với biểu hiện khí sắc trầm buồn, lo âu quá mức, mất ngủ. Nặng hơn, phụ nữ rơi vào trạng thái loạn thần sau sinh với triệu chứng kích động, gây hấn, khí sắc trầm hay hưng phấn, hoang tưởng, giải thể nhân cách và có hành vi vô tổ chức.

Theo WHO, cứ 7 phụ nữ mới sinh con thì có một phụ nữ bị trầm cảm sau sinh. Bộ Y tế cho biết, có 85% phụ nữ sau sinh có biểu hiện bất thường, thậm chí bệnh lý về tâm thần với mức độ nặng, nhẹ khác nhau.

Theo bác sĩ Phạm Bá Nha, những rối loạn trầm cảm sau sinh diễn biến khác nhau ở từng người. Người thần kinh vững vàng hơn thì ít bị tác động nhưng người thần kinh dễ bị kích động và hay ức chế sẽ bị tác động nhiều hơn. Trầm cảm sau sinh không được can thiệp, tư vấn để đưa sản phụ về trạng thái bình thường mà thờ ơ, bỏ mặc, không quan tâm... sẽ dẫn tới những rối loạn tâm thần.

Loạn thần sau sinh không chỉ ảnh hưởng trực tiếp lên bà mẹ mà còn liên quan đến con và thành viên khác trong gia đình. Theo bác sĩ Nguyễn Nguyên Thục Minh (Khoa Nội trú nữ, Bệnh viện Tâm thần TP Hồ Chí Minh), khi người mẹ loạn thần sẽ hoang tưởng, không có khả năng chăm sóc con và nguy cơ con có thể bị sát hại khoảng 1-3 trường hợp/50.000 lần sinh. Trong số những bà mẹ thực hiện giết con có 62% tự tử (Gibson 1982). Vì di chứng lâm sàng nặng nề như trên, việc can thiệp điều trị sớm là bắt buộc cho sức khỏe của bà mẹ và con.

Vì thế, vai trò của người thân được bác sĩ Phạm Bá Nha nhấn mạnh đặc biệt quan trọng. Chính người thân sẽ theo dõi, phát hiện những triệu chứng thay đổi tâm, sinh lý bất thường để có những xử lý kịp thời, đưa tới cơ sở tâm lý để tư vấn tâm lý.

“Bệnh này tư vấn tâm lý là chính, nặng thì dùng thuốc để hỗ trợ cho người bệnh. Nhưng dùng thuốc hay không thì vai trò người thân vô cùng quan trọng. Người thân phải giúp đỡ, chăm sóc đưa họ về cuộc sống bình thường. Nếu bỏ rơi, để mặc thì nhiều vấn đề sẽ xảy ra, dẫn tới những rối loạn tâm thần phải điều trị lâu dài về để lại nhiều hậu quả về sức khỏe” – PGS, TS Phạm Bá Nha bày tỏ.

TS, BS Nguyễn Văn Dũng, Phó Viện trưởng Viện Sức khỏe Tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, những bệnh nhân đến Viện Tâm thần để điều trị tâm lý đều có nguyên nhân phổ biến do bị tác động sang chấn tâm lý như con một bề, kinh tế eo hẹp, mâu thuẫn giữa chồng con, mâu thuẫn với gia đình nhà chồng... Những xích mích đó không được giải quyết dẫn tới nhiều sản phụ cho rằng đứa con là nguyên nhân chính và là hậu quả của những việc xích mích này dẫn tới những hành vi nguy hiểm cho đứa con và cho chính bản thân. Vì thế, vai trò của gia đình rất quan trọng đối với các bà mẹ sau sinh.

Do đó, theo TS Nguyễn Văn Dũng, nếu thấy các bà mẹ sau sinh có triệu chứng khác lạ như tủi thân, khóc lóc, sợ chăm con, không dám cho con bú, không giao tiếp với ai, bỏ ăn uống, mất ngủ, vô hồn, gào thét khóc lóc không lý do... cần phải đi khám tâm lý, chẩn đoán để can thiệp sớm. Các bà mẹ trước khi sinh nếu thấy lo lắng thì nên học lớp tiền sản, tư vấn trước sinh để hiểu cuộc sinh nở, giúp cho bản thân mình an tâm bước chân vào cuộc sinh nở đó.

Khi đã có triệu chứng loạn thần sau sinh, cần phải cấp cứu tâm thần thì gia đình nên đưa sản phụ tới các cơ sở y tế chuyên khoa tâm thần để điều trị và phải tuân thủ phác đồ điều trị. Nếu thất bại trong điều trị loạn thần sau sinh kích động, sẽ làm tăng nguy cơ nguy hiểm cho cả mẹ và con. Tỷ lệ giết con liên quan với loạn thần sau sinh không điều trị cao khoảng 4%; nguy cơ tự tử trong số sản phụ này cực kỳ cao.