Con đường giúp dân thoát nghèo

Với sự đầu tư nguồn lực của Nhà nước, chính quyền địa phương, sự tiếp sức hiệu quả của Công ty Bình Dương (Binh đoàn 15) và sự chung sức, đồng lòng của người dân, mạng lưới giao thông nông thôn trên địa bàn huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai nói chung, xã Ia Tôr nói riêng đã có nhiều đổi thay.

Một góc xã Ia Drăng, huyện Chư Prông. Ảnh https://gialai.gov.vn/
Một góc xã Ia Drăng, huyện Chư Prông. Ảnh https://gialai.gov.vn/

Tại xã Ia Tôr (huyện Chư Prông) những con đường liên thôn, liên xã đã được trải bê-tông phẳng phiu, rộng rãi do chính người dân địa phương tự nguyện đóng góp ngày công, đất đai và Công ty Bình Dương hỗ trợ kinh phí để xây dựng. Hai bên đường, những rẫy cà-phê, hồ tiêu và cao-su xanh tốt. Đồng chí Đinh Văn Dũng, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Chư Prông cho biết: Thời gian qua, nhất là ba năm trở lại đây, Công ty Bình Dương đã phối hợp cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua "Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới" và "Công tác dân vận khéo".

Công ty không chỉ tập trung đầu tư sản xuất, kinh doanh tốt, mà còn giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động là con em bà con dân tộc thiểu số tại chỗ với thu nhập ổn định. Những con đường "quân dân" ngày một dài thêm tạo điều kiện thuận lợi giúp nhân dân đi lại, đầu tư sản xuất và lưu thông hàng hóa, phát triển kinh tế.

Chở tôi trên chiếc xe máy mới mua từ số tiền thu được của sản phẩm cao-su, hồ tiêu làm ra từ mùa thu hoạch trước, xuống đoạn dốc quanh co, anh KPui Côn, 32 tuổi, ở làng Neh Xo, dừng lại "cho con xe nó nghỉ" nói: Đây vừa là đường liên thôn, cũng là đường để bà con đi ra đồng trồng cây lúa, đi vào khu đồi trồng và thu hoạch cây cao-su, cà-phê, hồ tiêu; là đường để các cháu trong thôn đi học.

Gia đình tôi có ba thế hệ sinh ra và lớn lên ở đây, cho nên rất thấu hiểu nỗi vất vả, gian truân trước đây mỗi khi vào mùa khô hanh thì đường bụi mù, mưa xuống thì xói mòn, sạt lở và lầy lội. Dân trồng được ít lúa dưới con suối, hay trồng cây mì, rẫy cà-phê khi thu hoạch đều phải gánh rát cả vai, còn các cháu nhỏ đến trường, nhiều khi trơn ngã, quần áo lấm lem, nhìn tội nghiệp lắm. Con đường bê-tông này được bộ đội Công ty Bình Dương hỗ trợ nên đã đáp ứng được nguyện vọng thiết tha của người dân.

Làng Ó KLi, gần 11 giờ, nắng như rang, nhưng người dân vẫn đang đặt máng và bón phân cho cây cao-su, cà-phê để chuẩn bị vào mùa khai thác. Ông Rơ Lan Guynh, 67 tuổi, Già làng Ó KLi (Ia Tôr) cho biết: Đến nay làng mình đã có 280 hộ, gần 1.000 khẩu. Nói để mừng, vì trước đây đường sá đi lại khó khăn, làm ra hạt lúa, củ mì không đem về nhà được, mưa nắng hư hao, rồi con chồn, con chuột cũng giành nhau ăn hết. Nhiều đứa trẻ sinh ra bị suy dinh dưỡng, bệnh tật, ốm yếu… không sống nổi.

Từ bao lâu nay, con đường từ làng lên đến quốc lộ và đi vào khu vực nương rẫy dốc cao, có đoạn chạy qua suối sâu, sỏi đá trơn trượt, lầy lội vào mùa mưa và bụi bặm vào mùa khô khiến cho mọi người, nhất là người già, trẻ em đi lại rất vất vả. Nghe tin Công ty Bình Dương có chủ trương và dự án bê-tông hóa con đường này thì tất cả người dân đều rất mừng, tán thành, tự nguyện hỗ trợ đất để mở rộng và tham gia làm cùng bộ đội.

Những năm qua, cùng với đầu tư phát triển sản xuất, Công ty Bình Dương còn làm tốt công tác dân vận, đã đầu tư hàng trăm triệu đồng để hỗ trợ gạo, khám bệnh, cấp thuốc miễn phí, xây nhà tặng các đối tượng chính sách và làm đường giúp nhân dân phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Thượng tá Lưu Văn Đoàn, Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Công ty Bình Dương chia sẻ: Đứng chân tại huyện Chư Prông, ba năm qua, công ty không chỉ tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh, mà còn đầu tư hỗ trợ người dân các thôn, làng phát triển kinh tế gia đình. Thành quả đó đã góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn, giúp đồng bào các dân tộc trên địa bàn xóa đói, giảm nghèo, củng cố tình đoàn kết, gắn bó máu thịt "quân với dân một ý chí"