“Đợi” và “Nhớ” là chủ đề âm nhạc xuyên suốt các tác phẩm của nhạc sĩ Huy Thục. Ông cho biết, “Xe thồ Điện Biên” - ca khúc mở đầu chương trình - được viết nhân kỷ niệm 50 năm Ngày chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Ông còn gửi gắm trong đó nỗi nhớ về những ngày chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử: “Qua miền trung du anh nhớ về Điện Biên/Ngày yêu em đi chiến dịch thật tình cờ/Đẹp như mơ, đầy trang thơ… Anh đợi chờ em lên/Đón gió đèo Pa Đin”.
Ca khúc “Bác đang cùng chúng cháu hành quân” ra đời sau ngày Bác Hồ mất. Nhạc sĩ trở lại Bắc Quảng Trị với những đêm ra mặt trận trên con đường mang tên Bác, gặp từng đoàn thanh niên Nam tiến trong khí thế hào hùng: “Nhớ Bác Hồ, biến đau thương thành sức mạnh”. Và thế là những câu hát ra đời: “Đêm nay trên đường hành quân ra mặt trận/ Trùng trùng đoàn quân tiến bước theo con đường của Bác… Năm xưa Bác cùng đoàn con đi chiến dịch/ Núi rừng vẫn nhớ, suối vẫn in bóng hình của Bác…”.
“Cô gái Pakô” và “Tiếng đàn Ta Lư” đong đầy tình yêu và nỗi nhớ thương của tác giả với đồng bào Vân Kiều, nơi ông và đồng đội từng có những ngày “nếm mật nằm gai”, cùng bà con băng rừng lội suối đi chiến đấu. Mỗi lần gặp lại bà con, vui vầy bên ché rượu cần như người con của dân tộc Vân Kiều trở về buôn làng khiến ông sống lại biết bao kỷ niệm của những ngày tuổi trẻ.
Ông bộc bạch: “Cảm xúc để tôi viết về người con gái Pa Cô chính là cảm xúc tình yêu. Và yêu thương mãnh liệt đến mức bật thành câu hát”. Hai ca khúc này gắn với tên tuổi của ông và NSND- ca sĩ Tường Vi. Với “Cô gái Pakô”, cả người hát và nhạc sĩ đều được nhận phần thưởng cao quý: Huy chương do Bác Hồ trao tặng. Hai ca khúc này sẽ do ca sĩ Anh Thơ và Lan Anh đảm nhận.
Ngày hòa bình lập lại, người nhạc sĩ quân đội năm nào vẫn đau đáu nỗi nhớ mong và chờ đợi. “Đợi” (phổ thơ Vũ Quần Phương) với giọng hát của ca sĩ Thúy Mị là ca khúc được rất nhiều thính giả của Đài TNVN yêu cầu trong những năm đầu 1990. Chỉ đơn giản một sự hoán đổi vị trí của nhân vật trong thơ: “Anh đứng trên cầu đợi em” thành “Em đứng trên cầu đợi anh” mà ý nghĩa của câu hát vượt lên tầm cao mới: “Đứng một ngày đất lạ thành quen/Đứng một đời em quen thành lạ…”. Với chất liệu ca trù, những luyến láy của câu hát và khắc khoải đợi chờ có “đất” để lan tỏa, đưa ca khúc này trở thành một trong những tượng đài tuyệt đẹp về người phụ nữ Việt Nam trong âm nhạc.
Thiết kế sân khấu gợi nhớ hình ảnh
những cánh rừng Trường Sơn.
Cùng với “Trăng khuyết” (phổ thơ Phi Tuyết Ba) chất chứa nỗi đau đáu của tình yêu, sự thủy chung (Sao anh lại ngỏ lời/Vào một đêm trăng khuyết/ Để bây giờ thầm tiếc/Một vầng trăng không tròn… ), ông có dịp bộc lộ vẻ đẹp đằm thắm, nồng nàn của cảm xúc bên cạnh thế mạnh những giai điệu trữ tình, hùng tráng. Cả hai bài thơ phổ nhạc do ca sĩ được khán giả yêu thích nhất của Sao Mai 2003- Phương Thảo- hát.
Chương trình này còn giới thiệu hai ca khúc mới sáng tác của ông trong hai năm gần đây, từ những chuyến đi thực tế một số ngành công nghiệp: “Xa biển” (ca sĩ Đăng Dương thể hiện) và “Cánh diều hạnh phúc” (Trọng Tấn). Đồng đội của ông năm xưa giờ bước vào mặt trận kinh tế. Ông cùng họ nhớ về một thời khói lửa. Những khát vọng, ước mơ của một thời tuổi trẻ đã thành hiện thực, với những con tàu vươn ra biển lớn, những chuyến bay nối Việt Nam với bạn bè năm châu, bốn biển…
Ở tuổi 75, ông vẫn viết hợp xướng, nhạc không lời và ca khúc. Ông tâm sự: “Trong các ca khúc của tôi, gam “thứ” và gam “trưởng” quyện chặt vào nhau nên ai nghe đều thấy tâm trạng của mình trong đó. Còn yêu và còn xúc cảm, tôi còn viết…”. BTV Quang Huy- người viết kịch bản CĐÂN, nhận xét: “Có lẽ cái tài của nhạc sĩ Huy Thục là viết về chiến tranh nhưng ca khúc vẫn đầy chất thơ và nồng nàn tình cảm. Dường như càng ác liệt, tang tóc, nhạc sĩ càng nâng niu, trân trọng cái lãng mạn, ngọt ngào thấm đượm tình người, tình quân dân...”. Đạo diễn CĐÂN Thành Long “bật mí”: “Xen kẽ các ca khúc là phần giao lưu của MC với nhạc sĩ và hình ảnh video góp phần làm nổi bật tâm hồn chiến sỹ- thi sỹ. Chúng tôi đã làm một clip với hình ảnh lá cờ bay phấp phới và “zum” thành cầu vai đeo quân hàm rồi hoá thành gương mặt người lính. Đó chính là Huy Thục”. Anh còn cho biết thêm: “Điều thú vị là những ca khúc của ông được nhiều người biết đến và được phổ biến rộng vì dễ thuộc, dễ hát. Tôi và Quang Huy bàn với nhau, mời những giọng hát có màu sắc và làm mới các ca khúc bằng việc phối khí…”.